Sự bành trướng của Uber và Grab ở Việt Nam là do các hãng taxi truyền thống quá tự mãn

Kinh tếThứ Ba, 10/10/2017 15:30:00 +07:00

Grab và Uber xâm nhập với tốc độ nhanh, tần suất cao, sự xâm chiếm thị phần vững chắc, bài bản, chi phí marketing lớn, song, nhiều đơn vị doanh nghiệp vận tải vẫn còn tự mãn khi có thể tạo ra một cái ứng dụng tương tự như vậy, thậm chí là tạo ra ứng dụng của mình còn có tính năng tốt hơn.

Sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong các hoạt động kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp, cá nhân đã làm thay đổi mang tính cách mạng đối với các cách thức bán hàng, cung cấp dịch vụ của người bán và hành vi mua hàng của người mua.

Đơn cử, ngành giáo dục hiện đại, học sinh không nhất thiết phải đi đến trường để học theo truyền thống mà đã dần dần thay thế bằng cách học trực tuyến, từ đại học trực tuyến đến các lớp học yoga trực tuyến.

Thậm chí, các trường đại học lớn hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Đại học Stanford cũng tạo ra các bài giảng chuyên ngành miễn phí cho học viên, sinh viên toàn cầu.

22256478_10214341215547193_1213418379938087208_o-1647392

Sự bành trướng của Uber và Grab ở Việt Nam là do các hãng taxi truyền thống quá tự mãn. (Ảnh: Nhật Linh)

Trong ngành du lịch, du khách luôn phải dựa vào các đại lý du lịch. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, du khách có thể đặt trực tuyến các tour du lịch, đặt phòng tại các khách sạn, hay thậm chí là bạn tự đặt chỗ nghỉ ngơi, ăn uống thông qua các ứng dụng chia sẻ như Airbnb, Tripadvisor, Google maps giúp bạn tìm đường, Google giúp bạn tìm kiếm thông tin…

Tương tự như vậy, trước đây người tiêu dùng gọi taxi bằng cách gọi đến số tổng đài và đợi xe taxi đến đón. Khách hàng không biết được ai sẽ đón, bao giờ đón, và mức chi phí phải chi trả.

Nhưng bây giờ, khách hàng chỉ cần cài các ứng dụng trên điện thoại thông minh, đặt lệnh gọi xe đi từ điểm A đến điểm B, ngay lập tức sẽ có tài xế nhận “cuốc xe”. Khách hàng có thể nhìn thấy được ai là tài xế và đánh giá của những hành khách khác trước đó.

Các ứng dụng này ưu việt hơn kiểu taxi truyền thống hơn khi khách hàng biết được đường đi và ước lượng mức chi phí rõ ràng. Sự thuận tiện về cách mua hàng (gọi xe), thời gian chờ dịch vụ ngắn, chi phí rẻ hơn, đường đi rõ ràng và được chọn cung đường ngắn nhất, cảm giác được an toàn hơn, đặc biệt là thái độ phục vụ của tài xế hài lòng hơn, xe cũng sạch sẽ thơm tho hơn so với những dòng xe taxi truyền thống.

Tiện dụng, nhanh, chi phí rẻ, dịch vụ lịch sự, mang xu hướng của dòng chảy công nghệ . Đó chính là lý do mà taxi công nghệ được khách hàng yêu thích hơn.

Nhưng thực tế cũng chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề quản trị rủi ro về công nghệ. Có rất nhiều câu chuyện để nói về rủi ro công nghệ trong thời đại 4.0 ngày nay.

Rủi ro công nghệ tức là một dạng rủi ro kinh doanh mà doanh nghiệp không thể hoặc khó có thể kiểm soát được rủi ro do quá trình phát triển công nghệ khiến cho doanh nghiệp bị mất lợi thế kinh doanh do đối thủ sử dụng công nghệ và tạo ra lợi thế khác biệt hoàn toàn mới.

Lợi thế mới về công nghệ từ cách thức phục vụ, ưu đãi lớn về giá, các chương trình khuyến mại lớn và khuyến mại sâu theo thời gian dài v.v… khiến cho doanh nghiệp kinh doanh theo lỗi truyền thống gặp nhiều khó khăn.

22221511_1883149932013285_2477420758785938079_n-1649215

Grab, Uber chỉ là đại diện cho mô hình kinh doanh theo mô hình nền kinh tế chia sẻ, app không phải là vấn đề duy nhất, mà đó là khả năng tài chính, chiến lược thu hút người dùng và tạo thói quen cho khách hàng. 

Trong một thời gian dài khi các ứng dụng như Grab, Uber xâm nhập vào thị trường Việt Nam với tốc độ nhanh, tần suất cao, sự xâm chiếm thị phần vững chắc, bài bản, chi phí marketing lớn. Tại thời điểm đó thì các doanh nghiệp vận tải Việt Nam chưa nhìn nhận ra đây là một rủi ro kinh doanh lớn trong thời đại 4.0 của chính họ.

Nhiều đơn vị doanh nghiệp vận tải hoặc nhiều cá nhân, kể cả các start-up còn cho rằng, mình có thể tạo ra một cái ứng dụng tương tự như vậy, thậm chí là tạo ra ứng dụng của mình còn có tính năng tốt hơn, tuyệt vời hơn để cạnh tranh lại với chính Grab, Uber.

Nhưng họ quên chưa đề cập đến một điều rằng: “Khách hàng mới là người quyết định”. Khách hàng quyết định sử dụng dịch vụ nào, Grab, Uber hay là các dịch vụ khác. Grab, Uber chỉ là đại diện cho mô hình kinh doanh theo mô hình nền kinh tế chia sẻ, app không phải là vấn đề duy nhất, mà đó là khả năng tài chính, chiến lược thu hút người dùng và tạo thói quen cho khách hàng.

Video: Dán khẩu hiệu chê Uber và Grab, Vinasun đúng hay sai?

Thực tế thì khách hàng luôn biết tự tối ưu lợi ích cho chính họ, họ tự biết điều gì là tốt cho họ khi có nhiều hơn một sự lựa chọn.

Về vụ việc nhiều xe taxi “truyền thống” dán các khẩu hiệu phản đối mô hình taxi “công nghệ”, chuyên gia marketing Online, Nguyễn Phan Anh cho rằng, đây là phản ứng bảo vệ thị phần, bảo vệ miếng cơm manh áo của mình một cách hoàn toàn chính đáng.

Miễn là các thông điệp đưa ra không phản cảm, không vi phạm pháp luật Việt Nam là được (ví dụ như Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh). Vụ việc này không phải bây giờ mới bắt đầu, nó cũng diễn ra một cách âm ỉ, đơn lẻ từ vài tháng nay, gần đây thấy số lượng tăng lên đáng kể, bởi đội ngũ lái xe taxi truyền thống đang cảm thấy số lượng khách hàng giảm đáng kể, thu nhập giảm liên tục trong thời gian dài.

Chưa kể đến các bất bình đẳng về việc “xe taxi có mào, phải chịu thuế” và xe Grab, Uber “không có mào” và cũng không chịu chung thuế suất như doanh nghiệp vận tải (?) – theo lập luận của các hãng vận tải taxi. Cách làm này dù là tự phát hay có tổ chức cũng cần xem xét cẩn thận về tính pháp lý và yếu tố nhạy cảm tâm lý thị trường.

Đứng trên khía cạnh và vai trò là người tiêu dùng, nhiều chuyên gia ủng hộ mô hình các hãng có khả năng làm lợi cho khách hàng. Thị trường sẽ luôn có câu trả lời của chính khách hàng.

Hiên nay các doanh nghiệp taxi “truyền thống” đang tìm cách giành giật lại thị phần chưa đúng cách hoặc phát đi các thông điệp truyền thông chưa hướng tới nhu cầu thực tế của khách hàng. Muốn có được khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh cao, công nghệ trong tầm tay như thế này thì hãy hỏi xem khách hàng cần gì, thị trường muốn gì, và doanh nghiệp có thể làm được gì, chứ không đơn thuần chỉ là dán decan khẩu hiệu.

Vì khách hàng mới là người lựa chọn cuối cùng và khách hàng luôn đúng!

*Bài viết được ghi theo ý kiến cá nhân chuyên gia Marketing Nguyễn Phan Anh.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn