Steve Jobs: Leonardo da Vinci của thời đại số

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 21/10/2011 02:40:00 +07:00

(VTC News) - Sáng tạo ra những sản phẩm định hướng cho cả một tương lai của ngành công nghệ, Steve Jobs xứng đáng được gọi là Leonardo da Vinci của thời đại số.

Bất chấp nhiều năm bệnh tật, cái chết của Steve Jobs hôm 5.10 ở tuổi 56 vẫn khiến thế giới sững sờ khi nhớ lại những thay đổi mà ông tạo ra trong thế giới máy tính, âm nhạc và điện thoại di động về cách thức con người giao tiếp, truy cập thông tin và giải trí.

Steven Paul Jobs sinh tại San Francisco vào ngày 24.2.1955, là con trai của một cặp sinh viên chưa cưới hỏi, Joanne Schieble và Abdulfattah Jandali.

Sau đó, ông được Paul và Clara Jobs, một gia đình thuộc tầng lớp lao động người California nhận nuôi.

Vài tháng sau khi cho ông làm con nuôi, cha mẹ ruột của ông cưới nhau và có sinh một con gái, Mona, người không hề biết mình có một anh trai cho đến khi lớn lên.

Ông được nuôi dưỡng trong ngôi nhà của cha mẹ nuôi ở Thung lũng Silicon, trung tâm của công nghiệp điện tử Mỹ.

Steve Jobs tại buổi giới thiệu iPhone 4 - Ảnh: AFP

Trong khi học tại một trường trung học địa phương, Jobs tham gia làm việc mùa hè ở một nhà máy của hãng Hewlett Packard tại Palo Alto, nơi ông gặp gỡ một học sinh có tên Steve Wozniak.

Ông bỏ học tại trường cao đẳng chỉ sau một học kỳ và đến làm việc cho hãng sản xuất trò chơi video Atari với mục đích gom góp tiền để đi du lịch Ấn Độ.

Jobs trở về từ chuyến du hành đến châu Á với đầu cạo trọc, mang trên mình một bộ đồ Ấn Độ và trải nghiệm những cảm giác sử dụng ma túy tổng hợp LSD. Từ đó, ông là một người theo đạo Phật và ăn chay trong suốt cuộc đời.

Ông quay trở lại làm việc tại Atari và tham gia một câu lạc bộ máy tính địa phương cùng người bạn Steve Wozniak, người đang thiết kế và chế tạo chiếc máy tính riêng của mình.

Vào năm 1976, Jobs bán 50 chiếc máy của Wozniak cho một cửa hàng máy tính địa phương và với một bản sao đơn đặt hàng, ông đã thuyết phục thành công một nhà phân phối hàng điện tử cung cấp trước cho ông những bộ phận lắp ráp.

Ông đã xoay sở trình làng chiếc máy, có tên là Apple 1 mà không phải mượn tiền hoặc chia cổ phần cho bất kỳ ai.

Ông đặt cho công ty cái tên từ loại trái cây mà mình yêu thích. Bằng một sự tình cờ hoặc mánh khóe, cái tên Apple được bảo đảm để xuất hiện trước đối thủ Atari trong danh bạ điện thoại.

Lợi nhuận thu được từ chiếc Apple 1 được sử dụng để sản xuất một phiên bản cái tiến của nó là chiếc Apple II vốn xuất hiện tại một hội chợ máy tính ở California năm 1977.

Việc phát triển chiếc máy mới rất đắt đỏ và Jobs đã thuyết phục Mike Markkula, một nhà đầu tư địa phương, đứng ra bảo đảm cho một khoản vay 250.000 USD. Cùng với Wozniak, ba người thành lập công ty Máy tính Apple.

Chiếc Apple II, không giống các máy tính khác vào lúc đó, nó có thể hoạt động gói gọn trong một chiếc hộp thay vì người mua phải lắp ráp từ nhiều phần khác nhau.

Mẫu máy tính mới đã đạt được thành công ngay tức thì, khởi động một cuộc bùng nổ về thị trường máy tính cá nhân. Có hơn 6 triệu chiếc máy loại này được bán ra trước khi việc sản xuất kết thúc vào năm 1993.

Tuy nhiên, có những lo ngại xuất hiện tại Apple về kỹ năng quản lý yếu kém của Jobs và những giám đốc chuyên nghiệp được thuê về để điều hành công ty.

Một trong những thành viên ban lãnh đạo khẳng định Jobs là “không thể kiểm soát”. “Ông ta có một ý tưởng trong đầu và là nhà sáng lập của công ty, ông ta biến mất và thực hiện nó bất luận điều này rốt cuộc có mang lại lợi ích cho công ty hay không”, người này nói.

Jobs giới thiệu chiếc máy Macintosh vào năm 1984 và được tán tụng nhiệt liệt song đằng sau sự khích động từ buổi giới thiệu là những vấn đề tài chính ở Apple.

Doanh số sụt giảm và sự oán giận từ những nhân viên không hài lòng với phong cách độc đoán của Jobs dẫn đến kết quả là một cuộc đấu đá nội bộ nổ ra và ông bị hất văng ra khỏi công ty.

Vào lúc đó, Jobs có những mối quan tâm khác. Ông sáng lập hãng NeXT Computer vào năm 1985 và một năm sau mua lại tập đoàn Graphics từ đạo diễn của loạt phim Star Wars, Graphics.

Hãng này được đổi tên thành Pixar và sản xuất những phần cứng máy tính dùng cho sản xuất phim hoạt hình cực kỳ đắt đỏ. Những phần cứng này được sử dụng bởi một số hãng phim, bao gồm cả hãng Disney.

Sau đó, Jobs chuyển dịch đường hướng của công ty từ việc sản xuất máy tính sang sản xuất các bộ phim hoạt hình sử dụng công nghệ.

Bước đột phát đến vào năm 1995 với bộ phim Toy Story vốn thu về hơn 350 triệu USD trên toàn thế giới. Nó được theo sau bởi các thành công khác, bao gồm A Bug's Life, Finding Nemo và Monsters Inc.

Một năm sau, Apple trả hơn 400 triệu USD để mua NeXT Computer và Jobs quay trở lại công ty mà ông từng sáng lập và không tốn nhiều thời gian để thay thế giám đốc điều hành của Apple khi đó.

Jobs xử lý con số lợi nhuận ít ỏi của Apple bằng cách loại bỏ một số dự án râu ria và hướng công ty vào thị trường điện tử tiêu dùng đang nẩy nở.

iPod, được giới thiệu vào năm 2001, đã thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc khi đi lại và lập tức trở thành một biểu tượng với thiết kế mượt mà và chiếc tai nghe màu trắng đặc biệt.

Để phát động thiết bị mới, Jobs cũng giới thiệu iTunes, kho nhạc cho phép khách hàng tải nhạc từ Internet và tạo ra danh sách bài hát của riêng mình.

Steve Jobs tại buổi giới thiệu Macbook Air - Ảnh: AFP

Vào năm 2003, Jobs được chẩn đoán ung thư tuyến tụy song ông từ chối phẫu thuật và trông cậy vào vật lý trị liệu.

Ông rốt cuộc được phẫu thuật vào năm 2004 và giữ bí mật về tình trạng bệnh tật của mình với tất cả mọi người trừ một nhóm nhỏ trong Apple.

Vào năm 2005, Disney đã trả số cổ phiếu trị giá 7 tỉ USD để mua lại hãng Pixar từ Jobs. Điều này biến ông trở thành cổ đông lớn nhất của hãng Walt Disney.

Hai năm sau đó, tại một buổi phát động hoành tráng, Jobs giới thiệu chiếc iPhone trước một đám đông khách hàng. Nhiều người trong số đó đã xếp hàng hàng giờ đồng hồ tại các cửa hiệu Apple địa phương.

Vào năm 2008, máy tính siêu mỏng Macbook Air được giới thiệu và Jobs như thường lệ xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo thun đen kín cổ và quần jean.

Vẻ ngoài ốm yếu và hốc hác của ông làm dấy lên nhiều tin đồn rằng bệnh tật của ông đã quay trở lại. Vào đầu năm 2009, Apple thông báo ông nghỉ bệnh sáu tháng để chữa trị điều được gọi là “sự thiếu cân bằng kích thích tố”.

Vào tháng 4 năm đó, Jobs được ghép gan và các bác sĩ tuyên bố tiên lượng bệnh rất tốt. Tháng 4.2010, máy tính bảng iPad được giới thiệu và có 3 triệu chiếc đã được bán trong 80 ngày. Gần 15 triệu chiếc iPad đã được bán trên toàn thế giới vào cuối năm đó và doanh thu hàng năm của Apple tăng lên đến 65 tỉ USD.

Tuy nhiên, vào tháng 1.2011, Apple lại thông báo Jobs nghỉ phép vì lý do sức khỏe. Vào ngày 24.8.2011, Jobs tuyên bố từ chức giám đốc điều hành và trở thành chủ tịch của công ty.

Chưa đầy hai tháng sau, ngày 5.10.2011, hình ảnh của Jobs xuất hiện trên toàn bộ trang chủ của Apple với thông báo về cái chết không nói rõ nguyên nhân của ông.

Theo TNO

Bình luận
vtcnews.vn