Sống với đam mê hay 'sống cho' bố mẹ?

Giáo dụcThứ Hai, 19/12/2016 14:38:00 +07:00

Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và nhà báo Trần Lệ Thùy đã gây ra nhiều tranh cãi về việc sống với đam mê hay sống cho bố mẹ trong buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh/sinh viên Hà Nội.

Trong chương trình định hướng nghề nghiệp “Finding Yourself”, đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh và nhà báo Trần Lệ Thùy đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị với học sinh, sinh viên Hà Nội.

DSC_1700

Chương trình “Finding Yourself” nhằm giúp sinh viên chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân.

Để minh họa cho băn khoăn của người trẻ về việc lựa chọn nghề nghiệp đúng theo đam mê của mình hoặc nghe theo sự định hướng của bố mẹ, chương trình đã đưa ra một ví dụ có thật của sinh viên trường Luật đam mê hiphop nhưng bị gia đình phản đối. 

Đạo diễn trẻ gây hiện tượng cháy vé buổi biểu diễn nhạc kịch Đêm hè sau cuối Phi Phi Anh chia sẻ: “Lựa chọn như thế nào thì phải phụ thuộc vào từng người, từng hoàn cảnh khác nhau. Mình làm trong nghề nên biết nhiều bạn yêu nghệ thuật, làm ra rất nhiều tiền: hát hò, triển lãm. Mình hãy cho bố mẹ thông tin về điều này.

Nhưng bên cạnh đó, mình cũng phải kiếm được tiền, để khoe và thuyết phục bố mẹ cho con đi theo đam mê. Còn chưa kiếm được tiền, thì cứ tiếp tục học Luật”.

Anh cảm giác rằng người lớn suy nghĩ rất logic và thực tế, họ không bay bổng như trẻ con, đủ hiểu để nuôi một đứa trẻ trong một gia đình là trách nhiệm cực kì lớn và không kiếm được nhiều tiền thì không làm điều đó được, nên chỉ muốn con mình làm nghề gì đó nhiều tiền. Theo anh, đam mê không thể nuôi nổi 4 miệng ăn.

“Nếu nói về lời khuyên, mình nghĩ muốn làm gì phải chứng tỏ cho người khác là bản thân làm được, chứ nói suông thì không thể thuyết phục, chứng tỏ với ai được hết. Càng lớn, mình càng cảm thấy trẻ con không bằng người lớn được đâu, trong việc biết cuộc đời có những gì.

Đương nhiên xã hội đang thay đổi, cuộc sống của mình sẽ khác với thế hệ trước, nhưng những điều khó khăn thì sẽ còn vô vàn. Đừng nghĩ rằng tôi thích hiphop và sống giữa cuộc đời này với đam mê đơn thuần như thế”, anh Phi Anh nói.

Anh cho biết, giờ đây mình không còn dựa dẫm vào bố mẹ, hoàn toàn lo được cuộc sống của mình, và có thể lo được cuộc sống của người khác. Và càng ở thời điểm này, anh càng hiểu không có gì là ổn định hết. Hôm nay mình có thể kiếm ra rất nhiều tiền nhưng ngày mai mọi việc không còn như thế nữa.

“Câu chuyện ở đây không chỉ là đam mê mà là làm sao để tồn tại được trong nhiều năm thì mình phải biết rất nhiều thứ. Mình thậm chí có khi năm sau còn bỏ nghề đạo diễn. Các bạn có thể nghĩ mình đam mê hiphop, song các bạn chắc chỉ đam mê đến năm 27 tuổi là cùng.

Đến năm 28 tuổi, các bạn sẽ nghĩ rằng người mình cũng mệt rồi, chẳng thể ra ngoài đường nhảy nhót lăn lộn được mãi. Thì lúc đó, làm sao để sống tiếp?”.

Phi Phi Anh

 Đạo diễn trẻ Phi Anh chia sẻ trong chương trình “Finding Yourself”.

Anh Phi Anh cho rằng, người lớn luôn nhìn được cái xa hơn là những thứ trước mắt, do đó, có nên theo đuổi đam mê hay không, phải nghe từ nhiều hướng.

Song, trái ngược với quan điểm của Phi Phi Anh, nhà báo Trần Lệ Thùy lại thường lựa chọn các cơ hội theo bản năng. Chị từng từ chối nhiều cơ hội tốt với mức lương cao, đãi ngộ lý tưởng chỉ vì cảm thấy không được thỏa mãn cái mà chị muốn làm. Và chị đã quyết định đi theo con đường có độ thử thách cao hơn mà chưa ai đi.  

Trong một lần tham gia buổi gặp mặt đồng sáng lập TwitterJack Dorsey dưới trướng là rất nhiều tờ báo lớn của Mỹ, chị nhận ra truyền thông và công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, nếu mình vẫn chấp nhận trở thành nhà báo viết bài hay thôi thì không đủ. Chị quyết định từ bỏ công việc rất tốt, sang Anh theo học hệ thạc sĩ trường Đại học Oxford. 

“Chị hơi bản năng trong việc lựa chọn con đường chông gai hơn để đáp ứng được mong muốn phát triển hết năng lực của mình. Chị không nghĩ đây là lời khuyên hay, nhưng vẫn muốn có thể chia sẻ cùng các em”, chị bộc bạch. 

Sự kiện Finding yourself – Tìm lại chính mình đã mở ra một không gian tương tác mở, để các bạn trẻ có cơ hội lắng nghe, đồng cảm và tìm kiếm câu chuyện của chính bản thân mình từ những chia sẻ của các khách mời.

Đồng thời tại đây, các bạn cũng có cơ hội chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của bản thân và lắng nghe lời khuyên, sự định hướng từ các khách mời giàu kinh nghiệm, có tâm và có tầm trong nhiều lĩnh vực.

Sau khi tham dự sự kiện mở màn Finding yourself, các bạn trẻ đã phần nào hiểu được tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp, những yếu tố, kĩ năng và kiến thức cần thiết để theo đuổi con đường nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Quan trọng hơn cả, các bạn trẻ Việt đã được truyền cảm hứng từ những cá nhân thành công đến từ các lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm đông đảo hiện nay.

Video: 19.000 sinh viên ra trường thất nghiệp: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận lỗi.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn