Sóng thần được hình thành như thế nào?

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 23/12/2018 17:03:00 +07:00

Động đất cùng những dịch chuyển địa chất, núi lửa phun và va chạm thiên thạch đều có khả năng gây ra sóng thần.

Sóng thần là gì?

“Sóng thần” bắt nguồn từ tiếng Nhật, có tên gọi thuật ngữ khoa học là “tsunami” do từ “bến” (tsu) và từ “sóng” (nami, tiếng Hán gọi là “ba”) kết hợp mà thành.

Theo các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu địa cầu và Viện Khoa học và Công nghệ, sóng thần là sóng trọng lực, dao động của toàn bộ cột nước biển được lan truyền đi với tốc độ của máy bay, đổ vào bờ nhiều đợt. 

Sóng thần được tạo ra bởi những trận động đất lớn ngoài biển khơi, có cơ chế nguồn kiểu trượt chờm hay trượt thuận, gây nâng hay hạ đột ngột đáy biển trên diện tích rộng với biên độ  lớn. 

Theo nghiên cứu của giới khoa học, chỉ có động đất mạnh hơn 6,5 độ richter mới có khả năng gây sóng thần nguy hiểm. Ngoài ra, các vụ phun trào núi lửa lớn, các vụ trượt đất lớn dưới đáy biển hay ven bờ cũng có thể gây sóng thần nguy hiểm. Do có năng lượng lớn, tốc độ cao, sóng thần có sức tàn phá ghê gớm khi đổ vào bờ. 

songthan

Cơn sóng thần tối 22/12 phá hủy nhiều nhà cửa ở Indonesia, hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Cơ chế hình thành sóng thần

Theo nghiên cứu, sóng thần có thể hình thành khi đáy biển đột ngột bị biến dạng theo chiều dọc, chiếm chỗ của lượng nước nằm trên nó. Sự di chuyển lớn theo chiều dọc của vỏ Trái Đất có thể xảy ra tại các rìa mảng lục địa.

Những trận động đất do nguyên nhân va chạm mảng đặc biệt hay tạo ra các cơn sóng thần. Khi một mảng đại dương va chạm với một mảng lục địa, đôi khi nó làm rìa mảng lục địa chuyển động xuống dưới. Áp suất quá lớn tác dụng lên rìa mảng khiến nó nhảy giật lùi lại (snaps back) tạo ra các đợt sóng chấn động vào vỏ Trái Đất, làm xảy ra cơn địa chấn dưới lòng biển, được gọi là động đất tại đáy biển.

Bên cạnh đó, những vụ lở đất dưới đáy biển (do động đất) hoặc những vụ sụp đổ của núi lửa cũng có thể làm chấn động cột nước khiến trầm tích và đá trượt xuống theo sườn núi rơi xuống đáy biển.

Ngoài ra, hiện tượng phun trào núi lửa mạnh dưới biển cũng có thể tạo nên một cột nước lớn để hình thành sóng thần. Các con sóng được hình thành là do khối lượng nước bị dịch chuyển vị trí chuyển động dưới ảnh hưởng của trọng lực để lấy lại thăng bằng và tỏa ra trên khắp đại dương như các gợn sóng trên mặt ao.

Video: Sóng thần được hình thành thế nào?

Cách hạn chế thiệt hại do sóng thần

Theo chuyên gia, nếu nghe thấy cảnh báo sóng thần thì người dân trong vùng phải sơ tán xa bờ biển ít nhất 300m hoặc tìm đến những nơi có độ cao hơn độ cao mà sóng thần có thể vươn tới.

Những vùng có khả năng xảy ra sóng thần, khi tiến hành xây dựng các công trình nhà ở, khu công nghiệp, ... mọi người cần phải tính toán đến độ cao của sóng nếu sóng thần xảy ra.

 >>> Đọc thêm: Sóng thần Indonesia: 168 người chết, hơn 700 người bị thương, hàng chục người mất tích

 

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn