Sống lay lắt bên công trình nghìn tỷ đồng ở Thanh Hóa: Doanh nghiệp chây ì đóng thuế, chính quyền lao đao

Thời sựChủ Nhật, 18/03/2018 07:36:00 +07:00

Trong khi người dân sống lay lắt chờ khu tái định cư xây dựng hoàn thiện thì chính quyền địa phương cũng lao đao vì doanh nghiệp chây ì nghĩa vụ đóng thuế.

Kỳ trước:Sống lay lắt bên công trình nghìn tỷ đồng: Nhà hỏng vẫn không dám xây lại

Triển khai thi công từ tháng 3/2010, công trình Thủy điện Hồi Xuân (tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được tính toán khi vận hành thương mại, hàng năm doanh thu đạt khoảng 269,75 tỷ đồng.

Đây là công trình trọng điểm, được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần cải thiện môi trường khí hậu.

Đồng thời, công trình sẽ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 10 xã thuộc vùng dự án, cũng như cắt giảm lũ góp phần đẩy mặn cho hạ lưu sông Mã.

Theo kế hoạch, vào tháng 10/2012, Thủy điện Hồi Xuân chặn dòng lần 1, tháng 10/2013 chặn dòng lần 2, tháng 7/2014 tích nước hồ chứa và tháng 9/2014 phát điện tổ máy số 1.

A1 cong trinh thuy dien HX

 Chậm tiến độ nhiều năm, Thủy điện Hồi Xuân vẫn là công trình dang dở. (Ảnh: Hoàng Dũng)

Đáng tiếc là ngay từ ban đầu công trình lại được ưu ái dành cho một chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (Hồi Xuân VNECO), thuộc Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam.

Đáng nói, trong lúc Hồi Xuân VNECO đang đàm phán vay vốn từ ngân hàng nước ngoài thì dự án đã được “trao về tay” đơn vị này.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán vay 103 triệu USD (vốn vay thương mại) của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trùng Khánh (Trung Quốc) thất bại nên Hồi Xuân VNECO rơi vào tình cảnh khủng hoảng vốn đầu tư cho dự án.

Đến 2014, thời điểm dự kiến công trình Thủy điện Hồi Xuân hoàn thiện và đưa vào hoạt động thì công trình vẫn còn dang dở, Hồi Xuân VNECO chỉ thực hiện được khoảng 10% khối lượng dự án.

Không đủ năng lực tài chính, Hồi Xuân VNECO buộc phải bán công trình Thủy điện Hồi Xuân cho Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông), có trụ sở tại TP.HCM.

A2 vuot song vao Sa Lang

Để vào khu tái định cư Sa Lắng, người dân chỉ có một cách là vượt đò qua sông. (Ảnh: Hoàng Dũng)

Công ty Đông Mê Kông mua lại Thủy điện Hồi Xuân vào năm 2014, với tư cách cổ đông nắm giữ 90% cổ phần để đầu tư dự án. Khi mua được dự án và biến Hồi Xuân VNECO trở thành thành viên của mình, Đông Mê Kông thông tin rằng dự án Thủy điện Hồi Xuân được đối tác là một ngân hàng nước ngoài cho vay 125 triệu USD, được một tổ chức bảo lãnh tài chính quốc tế, thuộc thành viên của ngân hàng thế giới (WB) đứng ra bảo lãnh khoản vay này.

Đông Mê Kông cũng cam kết công trình Thủy điện Hồi Xuân sẽ hoàn thành vào quý II/2018 theo giấy chứng nhận đầu tư cấp năm 2014.

Tuy nhiên, vào 4/3/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa lại nhận được Báo cáo số 519/VHX-KHVT của Hồi Xuân VNECO về tình hình thực hiện dự án Thủy điện Hồi Xuân và đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án đến tháng 3/2019.

Việc công trình Thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ, kéo dài trong nhiều năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng của dự án.

Như VTC News đã nêu ở bài viết trước, người dân bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa đang phải sống cuộc sống vô vàn khó khăn, vất vả khi khu tái định cư chưa hoàn thiện.

Không chỉ có người dân, chính quyền huyện Quan Hóa cũng đang đứng trước nguy cơ mất cân đối thu chi trong hoạt động khi chưa thu được tiền thuế mà theo luật Hồi Xuân VNECO phải đóng góp cho địa phương.

A4 huyen Quan Hoa thuc giuc HOI XUAN VNECO nop thue 3

Văn bản UBND huyện Quan Hóa thúc giục doanh nghiệp nộp thuế để lấy tiền hoạt động. (Ảnh: Hoàng Dũng)

Mới đây, UBND huyện Quan Hóa vừa có công văn gửi Hồi Xuân VNECO và Đông Mê Kông với nội dung: “Để UBND huyện Quan Hóa không bị mất cân đối chi ngân sách trong quý I và 6 tháng đầu năm mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao thu, UBND huyện Quan Hóa đề nghị Hồi Xuân VNECO làm thủ tục nghiệm thu thanh toán cho Đông Mê Kông để công ty nộp thuế cho huyện Quan Hóa.

Là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn về ngân sách, nếu công ty Đông Mê Kông không nộp thuế thì huyện không có tiền chi lương cho cán bộ và chi cho nhiệm vụ chung của huyện”.

Được biết, toàn bộ tiền thuế công trình Thủy điện Hồi Xuân đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cân đối thu chi cho huyện Quan Hóa trong năm 2018, với tổng số tiền là 16 tỷ đồng. UBND huyện Quan Hóa sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nếu không thu được khoản tiền thuế này từ Hồi Xuân VNECO.

Hoàng Dũng
Bình luận
vtcnews.vn