Dắt chó đi dạo, phát hiện răng của 'quái vật tiền sử'

Khám pháThứ Ba, 26/05/2020 06:45:07 +07:00
(VTC News) -

Một phụ nữ Mỹ phát hiện ra răng của loài cá mập đã tuyệt chủng khi dắt chó đi dạo trong bảo tồn Eglin, tây bắc Florida.

Chiếc răng trên sau đó được xác định thuộc về Megalodon - một loài cá mập thời tiền sử, kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn từ cuối kỉ Oligocene cho đến đầu kỉ Pleistocene (từ 28 đến 1,5 triệu năm trước)

Dựa trên hóa thạch để lại, các nhà khoa học tin rằng Megalodon dài khoảng 18 m, to gấp 3 lần một con cá mập trắng trung bình. Chúng có hàm răng lớn, do đó tên của chúng có nghĩa đen là "răng lớn".

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, răng của megalodon có thể dài tới 17 cm, tương đương với kích thước của 1 quả chuối. Bộ răng của megalodon có khoảng 276 chiếc răng cỡ này với lực cắn từ 108.514 đến 182.201 Newton (N). Lực cắn của một người bình thường là khoảng 1.317 N, trong khi lực cắn của cá mập trắng lớn là 18.216 N.

Dắt chó đi dạo, phát hiện răng của 'quái vật tiền sử' - 1

Mảnh răng được người phụ nữ nhặt được. (Ảnh: Istock)

Kayla Klatt, người phụ nữ nhặt được chiếc răng của megalodon cho biết nó có niên đại hàng trăm triệu năm tuổi. 

Klatt chia sẻ cô tình cờ phát hiện ra mẫu vật phát lộ một nửa trên đường đất khi dắt chó đi dạo vào tối 11/5. 

"Ánh sáng chiếu đúng vào nó. Tôi nhìn thấy cái răng cửa nhó xíu và nghĩ trông nó thật giống một cái răng", Klatt chia sẻ. 

Bạn của Klatt sau đó đã gửi ảnh cho các chuyên gia về cổ sinh vật học tại Đại học Florida nhờ họ xác định giúp đây là mẫu vật gì. 

Klatt và bạn mình đã hết sức ngạc nhiên khi biết đó là răng của megalodon. 

"Một phần lớn chân răng bị mất ở một bên. Ở phía bên kia của răng, một phần đá gốc bị kẹt vào chân và trung tâm của răng", các chuyên gia cho biết. 

Họ cũng đồng thời kêu gọi người dân khi vô tình bắt gặp các "phát hiện khảo cổ" thông báo lại cho giới chức và tránh có các tác động vào mẫu vật.

Diệu Hoa(Nguồn: Newsweek)
Bình luận
vtcnews.vn