“Sóng gió” ở Đông Á chỉ là trò chơi của Mỹ, Trung Quốc

Tư liệuThứ Hai, 12/07/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Một thành công ngoài cả mong muốn của Nhà Trắng bất luận việc tàu Cheonan có phải do Bắc Triều Tiên đánh đắm hay không.

(VTC News) - Bất cứ một động thái chính trị hay quân sự nào diễn ra đều có nguyên nhân và hệ quả của nó, những sóng gió và biến động trên bàn cờ Đông Á những tháng qua cũng không phải là ngoại lệ. 

USS Ohio, một trong 3 tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ mà Trung Quốc cho là đã có mặt ở Đông Á trước khi Bắc Kinh tiến hành tập trận. 

Hệ thống binh thư, lý luận quân sự Trung Quốc có mệnh đề “phản khách vi chủ” xem ra khá phù hợp trong những tình huống cụ thể mà nếu ta chỉ nhìn nhận nó như một sự kiện độc lập sẽ khó thấy hết được tính đa diện của vấn đề.
 

Đầu mối của mọi biến động trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á trong năm 2010 có lẽ đều khởi đầu từ sự cố nổ tàu Cheonan khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc phải thiệt mạng.  

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ – Hàn vẫn khăng khăng cáo buộc Bắc Triều Tiên bắn ngư lôi làm nổ tàu Cheonan vào đêm 26/3/2010 vừa qua. Bình Nhưỡng đã gửi đề nghị được điều tra nguyên nhân gây nổ tàu Cheonan lên Liên Hợp Quốc vào ngày 29/6, hai lần yêu cầu Nam Hàn cho các chuyên gia Bắc Triều Tiên tiến hành điều tra và đều vấp phải sự từ chối của Seoul. 

Cả Mỹ và Hàn Quốc năm lần bảy lượt thuyết phục Bắc Kinh thừa nhận kết quả điều tra do hai nước này tiến hành nhưng không đi đến đâu. Giới chức quốc phòng Seoul nói thẳng hôm 17/6, Mỹ – Hàn sẽ tổ chức tập trận chung và coi đó như một động thái phản ứng cụ thể đối với Bình Nhưỡng về vụ Cheonan. 

Tàu ngầm hạt nhân USS Ohio. 

Tất nhiên, đến lúc này Trung Quốc không thể ngồi yên, nhưng thay vì gật đầu như mong muốn của cả Mỹ lẫn Hàn Quốc, Bắc Kinh một mặt tổ chức diễn tập bắn đạn thật sớm hơn mọi năm, một mặt liên tục lên tiếng hoạt động tập trận chung Mỹ – Hàn dự kiến diễn ra trên biển Hoàng Hải được cho là quá gần và gây nguy hiểm đến Trung Quốc.
 

Trên một bình diện khác tưởng như chẳng ăn nhập gì đến quan hệ Nam Bắc Hàn, nhưng vụ Cheonan lại đóng vai trò bước ngoặt của sự thay đổi trên chính trường Nhật Bản cũng như chiến lược bố trí sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ. 

Còn nhớ cách đây không lâu cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama phải từ chức mà một trong những nguyên nhân chính là thất hứa với người dân và cử tri đảo Okinawa về việc di dời căn cứ quân sự Futenma ra khỏi đảo này, hơn thế lại chấp nhận để Mỹ tăng cường thêm 12 chiếc F22 trong thời gian nửa cuối năm 2010.  

Thủ tướng Nhật mất chức nhưng Mỹ lại tiếp tục duy trì và tăng cường lực lượng cho căn cứ quân sự này với lý do để bảo đảm an ninh khu vực do lo ngại Bắc Triều Tiên có thể gây ra những hành động quân sự mà họ cho là nguy hiểm, đe dọa đến an ninh khu vực. 

Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Hoa Đông đâuf tháng 7/2010. (Ảnh: Tân Hoa Xã). 

Không chỉ ở Nhật Bản, Mỹ còn thành công ở chính Hàn Quốc khi đã ký kết văn kiện với Nam Hàn về việc lui thời hạn bàn giao quyền chỉ huy tác chiến trong thời chiến cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ 17/4/2012 đến 1/12/2015 với cùng một lý do, đảm bảo an ninh sau khi xảy ra vụ Triều Tiên tấn công tàu Cheonan. 
 

Nói cách khác, nếu xảy ra xung đột quân sự hoặc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, không phải Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chỉ huy tác chiến mà sẽ do Mỹ trực tiếp thống lĩnh và điều khiển. Một thành công ngoài cả mong muốn của Nhà Trắng bất luận việc tàu Cheonan có phải do Bắc Triều Tiên đánh đắm hay không. 

Mặc dù Mỹ – Hàn ra thông báo hoãn tập trận và chờ xem kết quả phản ứng của Liên Hợp Quốc về cáo buộc Mỹ – Hàn đưa ra đối với Bắc Triều Tiên ra sao nhưng có thể thấy rằng, tập trận là một mũi tên bắn trúng hai đích, vừa gây sức ép với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, vừa khẳng định sự hiện diện của Mỹ trên bàn cờ Đông Á, và Mỹ là một đối thủ chính, đối trọng với Trung Quốc.  

Rõ ràng người thiệt mạng là các thủy thủ Hàn Quốc, kẻ bị cáo buộc là Bắc Triều Tiên nhưng hiện nay cục diện bán đảo Triều Tiên gần như nằm cả trong tay Mỹ và Trung Quốc mà thôi.  

Khi thấy căng thẳng chuẩn bị lên tới đỉnh điểm, các bên sẽ tự động điều chỉnh để không gây ra một cuộc chiến, bởi suy cho cùng hiện nay nếu xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ chẳng có bên nào được lợi. 

Tin về tình hình Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á thời gian gần đây



















Hồng Vũ

Bình luận
vtcnews.vn