Sơn tường, nấu nướng, gãi đầu gây bụi nguy hại cho sức khỏe?

Sức khỏeThứ Ba, 08/10/2019 12:20:00 +07:00

Theo nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, có rất nhiều hoạt động trong nhà như sơn tường, nấu nướng gây bụi, ảnh hưởng sức khỏe con người.

Không chỉ ô nhiễm ngoài trời mới gây ra nguy hại cho sức khỏe, mà theo nhiều chuyên gia các hoạt động trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho con người.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trường Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, có 2 loại ô nhiễm không khí là ô nhiễm ngoài trời và ô nhiễm trong nhà (indoor pollution). 

“Nhiều hoạt động trong nhà tưởng không có tác hại gì nhưng những hoạt động đó lại gây bụi. Tuy nhiên, hiện chúng ta nói nhiều tới bụi ngoài trời, còn bụi trong nhà chưa có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam”, ông Tùng nói.

TS Hoang Duong Tung

 TS. Hoàng Dương Tùng. (Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường).

TS Tùng dẫn một số hoạt động đã có những nghiên cứu chứng minh gây bụi trong nhà như hút thuốc trong phòng, rang lạc, đun nấu, sơn tường… Ví dụ, nhiều loại sơn có chì rất độc hại đối với sức khỏe con người, trên thế giới từng có chiến dịch chống chì trong sơn. 

Thậm chí, một nghiên cứu trong lớp học của các nhà khoa học Tây Ban Nha cũng chỉ ra, gãi đầu, gãi da người cũng gây bụi. Theo ông Tùng, nhiều hoạt động trong nhà có bụi phát sinh nhưng ở mức độ nào, ảnh hưởng sức khỏe con người ra sao còn tùy từng hoạt động.

Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe, chuyên gia khuyến cáo người dân nên có biện pháp tự bảo vệ mình như thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, hạn chế sử dụng những sản phẩm gây ô nhiễm, thiếu thân thiện môi trường. Hoặc, người lớn nên tránh để trẻ em tiếp xúc gần nơi đang nấu ăn; sử dụng thiết bị hút khói bếp...

Tại một hội thảo về chất lượng không khí Hà Nội được tổ chức vào tháng 8 mới đây của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, một nghiên cứu về không khí trong nhà và ngoài trời chỉ ra nhiều thông tin đáng lo ngại.

Nhóm nghiên cứu chọn 6 điểm đo ở ngoài trời và 6 điểm đo ở trong nhà là các căn hộ chung cư tại Hà Nội. Kết quả, tại 6 điểm đo ngoài trời, nồng độ bụi siêu mịn trong giờ cao điểm lên tới 27.000-31.000 hạt/cm3. Tương đương với ô nhiễm ngoài trời, hàm lượng bụi siêu mịn trong nhà ở 6 điểm đo bằng khoảng một nửa so với ngoài trời, tùy thuộc vào địa điểm.

“Chúng ta dành phần lớn thời gian trong nhà, đặc biệt là người già và trẻ em nên nguy cơ phơi nhiễm do ô nhiễm không khí rất cao”, PGS. TS Trần Ngọc Quang, Đại học Xây dựng nói. Bên cạnh nguyên nhân do bụi từ bên ngoài, bụi trong nhà còn phát sinh từ hoạt động của gia đình như nấu ăn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà được đánh giá là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng vì có tới 80% hoạt động của con người diễn ra trong nhà.

Thống kê năm 2012 của WHO cũng chỉ ra, mỗi năm có 4,3 triệu người thiệt mạng sớm do ô nhiễm không khí trong nhà, gây ra bởi việc sử dụng không hiệu quả các nhiên liệu rắn trong khi nấu ăn. Do đó, các hành vi tưởng như vô hại như lau chùi sàn nhà bằng nước lau sàn, hút bụi, rán nấu thức ăn vô tình lại tạo ra nơi trú ngụ cho các mầm bệnh.

Ngoài ra còn có các mối nguy hiểm tiềm ẩn tới từ nguyên tố phóng xạ Radion, khí phát ra tự nhiên từ đất trong các ngôi nhà hiện đại ít sự thông thoáng. Khí này sẽ dần tích tụ trong ngôi nhà của bạn, gây nguy hại cho người ở. Bên cạnh đó là chất Amiăng có trong hợp chất của mái tôn hoặc mái pro ximăng, gây ra bệnh ung thư do các hạt này rất nhỏ, có thể lọt vào cơ quan nội tạng của người chỉ qua trao đổi khí bình thường.

Nguyễn Huệ - Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn