Sớm ban hành quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam

Kinh tếThứ Sáu, 13/12/2019 08:04:00 +07:00

Đây là một trong những nội dung có tại Nghị quyết số 100/2019/QH14 vừa được ban hành về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Theo Nghị quyết, Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

quoc-hoi-quan-nhan

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.

Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; rà soát quy mô, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, gắn với nhu cầu thị trường; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đầu tư vào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chú trọng phát triển thị trường trong nước, duy trì và phát triển thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng; tích cực triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, trái cây và một số nông sản chủ lực khác...

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 (giai đoạn 2008-2018) và định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thúc đẩy phát triển ngành Chăn nuôi bền vững; kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là Dịch tả lợn châu Phi; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ chống dịch bệnh, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ chính sách; làm tốt công tác tái đàn sau dịch bệnh...

Các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững; ban hành Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh khai thác xa bờ, cơ cấu lại hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; hiện đại hóa đội tàu cá, tàu hậu cần nghề cá xa bờ và công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm; tập trung quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản, chú trọng phát triển nghề nuôi biển; tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng ngành Thủy sản, đặc biệt là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và hạ tầng phục vụ nuôi biển. Sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong hỗ trợ đóng tàu; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ chính sách. Tăng cường ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp.

Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt

Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội đề nghị các đơn vị triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng, ban hành Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2020-2030; tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ xử lý kịp thời các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; tiếp tục đàm phán, ký kết, tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Chính phủ, Bộ Công Thương có trách nhiệm khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh; rà soát, tổng kết, đánh giá, hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sớm ban hành quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho gian lận thương mại; quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh trên mạng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp...

Năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Điện lực, bảo đảm phát triển cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, giữa nguồn và lưới điện; khẩn trương rà soát, xử lý những bất cập trong quy hoạch, đầu tư, vận hành các dự án điện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời; đề xuất cơ chế, giải pháp để sớm đưa vào vận hành các dự án điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 bị chậm tiến độ, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt...

Ngành Công Thương cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển cơ khí chế tạo; phát triển và nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện, máy nông nghiệp, sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn