Soi cách quảng bá cà phê Việt tại Mỹ của ông Phạm Đình Nguyên

Kinh tếChủ Nhật, 22/02/2015 05:05:00 +07:00

Sau khi mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, ông Phạm Đình Nguyên đã có những bước đi vững chắc để quảng bá cà phê Việt tại Mỹ.

(VTC News) – Sau khi mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, ông Phạm Đình Nguyên đã có những bước đi vững chắc để quảng bá cà phê Việt tại Mỹ.

2 thương vụ “khủng”

Trước năm 2012, chưa ai biết Phạm Đình Nguyên là ai. Thế nhưng từ tháng 4/2012, Phạm Đình Nguyên trở thành cái tên “nóng” khi nhiều tờ báo lớn của thế giới liên tục đưa tin doanh nhân người Việt đã chiến thắng trong cuộc đấu giá để "mua đứt" thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ. Đó là Buford thuộc bang Wyoming, miền trung nước Mỹ.

Ông Phạm Đình Nguyên trở thành thị trấn Buford sau phiên đấu giá căng thẳng. Cái giá cuối cùng mà ông Nguyên đặt là 900.000 USD. Ngay lập tức, cái tên Phạm Đình Nguyên và Buford “phủ sóng” khắp các tờ báo, hãng truyền hình lớn nhất thế giới như BBC, CNN, Telegraph.

Vào thời điểm đó, ông Nguyên trở thành tâm điểm của báo giới Việt Nam. Hàng loạt đại gia khác như bầu Đức hay ông Trần Đình Long phải “nhường” vị trí được quan tâm nhất cho vị doanh nhân đến từ Tp.HCM.

phạm đình nguyên
Ông Phạm Đình Nguyên và "tuyên ngôn cà phê Việt" 
Có thể thấy, động thái mua lại Buford đã trở thành thương vụ “khủng” ở cả Việt Nam và Mỹ. Thương vụ “khủng” không nằm ở số tiền giao dịch mà nằm ở tính chất “độc” và “lạ”.

Sau đó, ông Nguyên tạm “lui vào hậu trường” nhưng đến tháng 9/2013, Buford đã “nóng”  trở lại khi ông Phạm Đình Nguyên công bố đổi tên thị trấn thành Buford PhinDeli. Ông Nguyên đổi tên thị trấn để đưa cà phê Việt PhinDeli tới Mỹ.

Với việc đổi tên thành Buford PhinDeli, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ được kỳ vọng sẽ nơi giới thiệu hàng Việt, đặc biệt là cà phê Việt đến với khách hàng Mỹ. chữ "Phin" trong PhinDeli là cái phin để pha cà phê, biểu tượng của cách chế cà phê độc đáo chỉ có ở Việt Nam. "Deli" là chữ viết tắt của "Delicious", nghĩa là ngon. Ghép lại có nghĩa là “cà phê phin ngon”.

Trong tháng 7/2014, ông Nguyên lại một lần nữa làm “nóng” thị trường khi bán một phần PhinDeli cho “vua bánh kẹo” Kinh Đô. Giá trị thương vụ này không được tiết lộ nhưng ông Nguyên khẳng định thương vụ này chỉ liên quan tới công ty PhinDeli và cà phê PhinDeli, chứ không hề liên quan tới Buford PhinDeli.

Hiện ông Nguyên vẫn là thị trưởng của thị trấn nhỏ bé – thị trấn đang dần thành một doanh nghiệp.

Làm gì cho cà phê Việt tại Mỹ?

Ông Nguyên bán chỉ bán một phần (có thể là phần lớn) PhinDeli cho Kinh Đô. Điều đó có nghĩa ông vẫn giữ một phần PhinDeli cho bản thân mình. Vì vậy, quảng bá, marketing PhinDeli tại Mỹ vẫn là nhiệm vụ quan trọng mà thị trưởng Buford PhinDeli hướng tới.

Phindeli
Những nỗ lực của ông Nguyên có khiến Buford PhinDeli trở thành thủ phủ cà phê Việt? 
Hình thức quảng bá đầu tiên mà ông Nguyên nghĩ tới chính là trực tiếp bán cà phê PhinDeli tại thị trấn của mình cho những vị khách ghé qua thị trấn. Để biến Buford PhinDeli thành thủ phủ cà phề Việt trên đất Mỹ, trong giai đoạn 2017-2020, PhinDeli sẽ mở thêm 2 cửa hàng tại 2 thành phố Laramie và Cheyene với chi phí 200.000 tới 250.000 USD cho mỗi cửa hàng.

Tuy nhiên, nếu chỉ dùng hình thức này, PhinDeli khó có thể vươn xa trên đất Mỹ.

Vì vậy, ông Nguyên đã tính tới cách quảng bá tốt hơn. Đó là bắt tay với Wal-Mart, nhà phân phối hàng đầu ở Mỹ và Costco. Tất nhiên, trong hệ thống Wal-Mart, PhinDeli sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm tương tự và chịu sức ép từ chính sách giá của Wal-Mart nhưng ông Nguyên vẫn tự tin vào sức hút của PhinDeli vì sau thương vụ “khủng” mua lại Buford, đã có hàng ngàn bài báo viết về Buford và PhinDeli.

Bên cạnh đó, sau khi bán lại cổ phần cho Kinh Đô, PhinDeli sẽ có mặt trong hệ thống phân phối của Kinh Đô ở cả Việt Nam và Mỹ.

Không chỉ có vậy, áp dụng thương mại điện tử vào kênh phân phối cũng là một điểm quan trọng trong chiến lược mà ông Nguyên xây dựng cho PhinDeli. PhinDeli đã được bán trên Amazon từ ngày 3/9/2013. PhinDeli kỳ vọng đầu tiên khách hàng đến với PhinDeli là do tò mò. Sau đó, khách sẽ được hương vị của PhinDeli giữ chân.

Là “người đến sau” nên ngoài chất lượng sản phẩm, PhinDeli còn phải có giá cạnh tranh. Supereme là sản phẩm cao cấp nhất của PhinDeli nhưng được định giá thấp hơn so với các sản phẩm cà phê cùng loại trên thị trường, chỉ 8,25 USD cho một hộp 250gr.

Chính vì vậy, ông Nguyên đặt ra những mục tiêu vô cùng tham vọng cho PhinDeli. Doanh số kỳ vọng của ông Nguyên là 6 triệu USD cho năm 2014, 30 triệu USD cho năm 2015, 45 triệu USD cho năm 2016 và 105 triệu USD cho năm 2020.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn