'Soái hạm' LCC-19 từng ở Đà Nẵng mạnh cỡ nào?

Thời sựThứ Tư, 17/04/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News)- Sau sự xuất hiện của bộ đôi USS Chung-Hoon và USS Preble, tháng 4/2012, Đà Nẵng đón chào sự xuất hiện của "soái hạm" USS Blue Ridge cùng 2.000 quân.

(VTC News) - Tháng 4/2012, TP Đà Nẵng đón chào sự hiện diện của đoàn chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ gồm "soái hạm" USS Blue Ridge (LCC-19), khu trục tên lửa USS Chafee (DDG-90) và tàu cứu hộ USNS Safeguard (T-ARS 50) cùng gần 2.000 sỹ quan, thủy thủ đến thăm hữu nghị.

"Soái hạm" huyền thoại USS Blue Ridge (LCC-19)
Con số kỷ lục gần 2.000 sỹ quan, thủy thủ thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ cùng đoàn chiến hạm đến thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng đánh dấu sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước nói riêng.
Tháng 4/2012, "Soái hạm" USS Blue Ridge (LCC-19) và 2 chiến hạm mang theo gần 2.000 sỹ quan, thủy thủ của Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Đà Nẵng 

Nổi bật trong chuyến thăm lần này là tàu tiên phong USS Blue Ridge mang số hiệu LCC-19. Chiến hạm được mệnh danh là "Soái hạm" của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ.
USS Blue Ridge (LCC-19) được hạ thủy vào tháng 11/1970, tại Nhà máy đóng tàu Hải quân Philadelphia. Từ năm 1972, Blue Ridge được triển khai đến Tây Thái Bình Dương và bổ sung vào biên đội tàu của Hạm đội 7.

Mặc dù được trang bị vũ khí khá khiêm tốn gồm: 2 trực thăng Sikorsky loại SH-60 Seahwk, trang bị 2 súng Phalanx CIWS, 4 pháo 25mm Bushmaster, 8 súng máy .50cal cùng hệ thống radar tiên tiến giúp chiến hạm này có thể tác chiến mạnh mẽ và linh hoạt.
Tuy nhiên, với vai trò là tàu chỉ huy của Hạm đội 7, cung cấp chỉ huy, điều khiển, truyền thông, máy vi tính, hỗ trợ tình báo (C4I) chỉ huy và nhân viên của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, nên USS Blue Ridge được bảo vệ khá nghiêm ngặt bởi các chiến hạm đầy sức mạnh.
Hệ thống rada, thiết bị được trang bị trên "Soái hạm" huyền thoại USS Blue Ridge(LCC-19) 

Với chức năng đó, Blue Ridge được thiết kế với trọng lượng dãn nước 18.400 tấn, chiều dài 194m, sườn ngang tàu 33m, mớn nước 8,2m, động cơ hai nồi hơi và tuốc bin sang số có thể đạt tốc độ trên 23 hải lý/giờ. Và Blue Ridge là tàu thứ 3 trong Hải quân Hoa Kỳ được lấy tên của một ngọn núi trong dãy núi Appalachian miền đông Hoa Kỳ. 

"Hộ vệ" tên lửa USS Chafee 
Trong chuyến thăm cùng soái hạm Chiến hạm USS Blue Ridge, khu trục tên lửa USS Chafee (DDG-90) cũng xuất hiện với vai trò "hộ vệ" tên lửa đi cùng "soái hạm". Đây là khu trục tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke, tiên tiến nhất và mạnh mẽ nhất của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ.

DDG-90 được công ty Bath Iron Works đóng, hạ thủy vào tháng 11/2002 và hoạt động tháng 10/2003. Với sức mạnh đó, khu trục USS Chafee vinh dự mang tên của Thượng nghị sĩ John Lester Hubbard Chafee (1922-1999).
Tàu khu trục tên lửa USS Chafee (DDG-90) xuất hiện trên vịnh Đà Nẵng với vai trò "hộ vệ" tên lửa đi cùng "soái hạm"

Với tính năng linh hoạt, chiến hạm USS Chafee có lượng dãn nước 9.200 tấn, chiều dài 155m, sườn ngang tàu rộng 20,4m, mớn nước 9,3mcó thể mang theo 380 thủy thủ đoàn. Và đặc biệt là được trang bị động cơ 4 tuốc bin gas LM-2500-30 công suất 75MW giúp chiến hạm này có thể đạt tốc độ trên 30 hải lý/h. 
Điều khiến DDG-90 trở thành nổi ám ảnh của các mục tiêu trên biển là hệ thống thiết bị, vũ khí và công nghệ hiện đại, thuộc loại tiên tiến nhất của Hải quân Hoa Kỳ.

USS Chafee được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) có khả năng phóng tên lửa Tomahawk và hệ thống phóng tên lửa chống hạm Harpoon Anti-Ship Cruise Missiles.

Ngoài ra tàu này cũng được trang bị hệ thống pháo hạm 127mm tự động, Mark 34 Gun Weapon System và 5”/54 Caliber Gun có chức năng chống hạm và chống máy bay tiêm kích ở cự ly gần.
Hoạt động diễn tập ứng phó sự cố, thảm họa trên chiến hạm USS Chafee (DDG-90) 
Sở hữu 2 trực thăng Sea Hawk SH-60, súng máy loại Mk 45, 2 khẩu Mk 41, súng máy Mk 38 và hệ thống radar tiên tiến giúp USS Chafee có thể mở rộng tầm hoạt động và trở thành nổi ám ảnh của đối phương khi đi vào vùng hoạt động của chiến hạm này. 
Với tính năng chuyên biệt hướng dẫn phóng tên lửa, USS Chafee thực hiện nhiều nhiệm vụ với tầm hoạt động rộng và mạnh mẽ như: chống tàu ngầm, tấn công tầm xa, tiêu diệt mục tiêu bề mặt…với khả năng hoạt động độc lập, liên tục trên biển.
Hoạt động huấn luyện cứu nạn trên tàu cứu hộ USNS Safeguard (T-ARS 50) trong chuyến thăm Đà Nẵng năm 2012 

Trong chuyến thăm này, một lần nữa tàu cứu hộ USNS Safeguard (T-ARS 50) xuất hiện và thực hiện nhiều hoạt động hợp tác phi tác chiến giữa Hải quân hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ như: huấn luyện kiểm soát thảm họa, huấn luyện lặn, cứu hộ, y học dưới nước; trao đổi kỹ năng trong các lĩnh vực điều khiển và bảo trì tàu…

Đặc biệt, lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Hải quân vùng C đã có buổi tham gia huấn luyện cứu nạn với đội thợ lặn SCUBA của Hải quân Hoa Kỳ về cấp cứu y tế khẩn cấp dành cho thợ lặn liên quan đến bệnh giảm áp của thợ lặn và phương pháp phục hồi trên tàu cứu hộ UNSS Safeguard (T-ARS 50).

Và thực hiện các hoạt động huấn luyện kiểm soát thảm họa cùng lực lượng Hải quân Hoa Kỳ trên chiến hạm tên lửa USS Chafee (DDG-90). 
Tàu nghiên cứu khoa học Roger Revelle, thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ trong chương trình “Hợp tác nghiên cứu chung về hải dương học biển Đông Việt Nam và Tương tác Biển-lục địa” đã đến Đà Nẵng 

Tàu khoa học Roger Revelle nghiên cứu hải dương học biển Đông Việt Nam đến Đà Nẵng

Tháng 6/2012, cảng Đà Nẵng đón chào sự hiện diện của tàu nghiên cứu khoa học Roger Revelle, thuộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã cập cảng Tiên Sa.

Chính thức bắt đầu chương trình “Hợp tác nghiên cứu chung về hải dương học biển Đông Việt Nam và Tương tác Biển-lục địa” giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ.

Tàu khoa học Roger Revelle thuộc quyền sở hữu của Hải quân Hoa Kỳ và được vận hành bởi viện Hải hải dương học Scripps, trường Đại học California, San Diego.

Đây là tàu nghiên cứu khoa học hiện đại của Hoa kỳ có tính năng đặc thù phục vụ nghiên cứu khoa học biển với nhiều trang thiết bị hiện đại và là 1 trong 6 con tàu nghiên cứu thuộc các trường ĐH tại Hoa Kỳ.

Đặc biệt, ngoài các hệ thống quan sát, nghiên cứu biển, tàu Roger Revelle sở hữu hệ thống tời cáp khảo sát đáy biển với chiều dài hơn 12km cùng các thiết bị lặn đáy biển,…giúp các nhà khoa học có cái nhìn mới về đáy đại dương cũng như các quan trắc có giá trị.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn