Sổ tiết kiệm khống 50 tỉ đồng có giá trị gì?

Pháp luậtThứ Sáu, 17/12/2010 08:51:00 +07:00

Không thể dùng sổ khống để rút tiền nhưng có thể dùng để… vay tiền. Nếu có hậu quả, Ngân hàng SHB phải chịu trách nhiệm.

Ngày 13/12, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê đã có công văn hỏa tốc gửi SHB Chi nhánh Khánh Hòa yêu cầu báo cáo rõ vụ lập sổ tiết kiệm khống 50 tỉ đồng. Hiện ông Vũ Xuân Lai, người đứng tên trong sổ tiết kiệm đang được cơ quan Công an tỉnh Khánh Hòa câu lưu trong khi chờ xác minh vụ việc.

Sổ tiết kiệm mà SHB Khánh Hòa cấp cho ông Vũ Xuân Lai 

Sổ khống nhưng vẫn có thể cầm cố, thế chấp

Sổ tiết kiệm được cấp khống liệu có thể dùng để rút tiền từ SHB. Người đứng tên trong sổ sẽ được lợi gì? Sổ tiết kiệm do kiểm soát viên Chu Thị Hằng Nga ký liệu có giá trị hay không? Hậu quả kinh tế, pháp lý nào có thể xảy ra? Chúng tôi đã đi tìm một số chuyên gia ngân hàng để nghe họ giải thích.

Trao đổi với PV ngày 16/12, ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng Đại Á, nói: “Về nguyên tắc, sổ tiết kiệm một khi có đầy đủ chữ ký của người có trách nhiệm, có dấu mộc của tổ chức phát hành thì có hiệu lực tức khắc ngay trên hệ thống ngân hàng phát hành sổ đó. Sổ này có thể đem cầm cố, thế chấp được.

Thường ở các chi nhánh ngân hàng, giám đốc chi nhánh hay ủy quyền cho kiểm soát viên ký ở đại diện ngân hàng trên sổ tiết kiệm. Vụ việc sổ tiết kiệm khống 50 tỉ đồng xảy ra ở Ngân hàng SHB Chi nhánh Khánh Hòa, theo tôi, cần kiểm tra xem người đứng đầu chi nhánh có giấy ủy quyền cho kiểm soát viên ký thay trên sổ tiết kiệm không”.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Western Bank, thì cho rằng: “Sổ tiết kiệm khống 50 tỉ đồng ở Ngân hàng SHB Chi nhánh Khánh Hòa như báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, theo tôi thì không thể rút tiền trên hệ thống ngân hàng này được. Đơn giản số tiền gửi không có thực vì không có giao dịch và trong hệ thống bút toán ngân hàng này không lưu tài sản nợ với khách hàng. Vấn đề ở đây là người sử dụng sổ tiết kiệm khống này có thể đem sổ trên cầm cố cho cá nhân, tổ chức bên ngoài hoặc cho các ngân hàng khác được. Rủi ro là ở chỗ này!”.

“10.000 tỉ đồng nhàn rỗi” trong 10 năm?

Những người trong nhóm của ông Vũ Xuân Lai khi tiếp xúc với PV báo Pháp Luật TP.HCM vào hôm qua (16/12) tại TP.HCM vẫn cho rằng khoản tiền khổng lồ trên là có thật. Họ cho biết ông Lai là người đại diện cho một tập đoàn tài chính tại VN để đặt vấn đề gửi 10.000 tỉ đồng vào Chi nhánh SHB Khánh Hòa. Họ được ông Lai cho biết đây là nguồn vốn ODA từ một tổ chức phi chính phủ cho vay ưu đãi để thực hiện dự án kinh tế. Trong lúc chờ thực hiện dự án và giải ngân, tổ chức này tìm ngân hàng để gửi số tiền trên với lãi suất 3,5%/năm, thời hạn gửi 10 năm. Đổi lại, nhóm ông Lai đề nghị được hưởng hoa hồng bằng một sổ tiết kiệm trị giá 50 tỉ đồng đứng tên ông Lai.

Những người này cho biết thêm, tại tiệc chiêu đãi ở nhà hàng Phố Biển (Nha Trang) tối 7-12, phía SHB Khánh Hòa không ký hợp đồng do nghi ngờ nguồn tiền không có thật. Còn ông Lai tuyên bố tiền đã chuyển đến địa điểm an toàn và được bảo mật tuyệt đối, có thể chứng minh qua số tài khoản, mã khóa. Sau khi ký hợp đồng chính thức, tiền sẽ chuyển vào SHB Khánh Hòa trong vòng 24 giờ. Tại buổi tiệc này, ông Lai nói sẵn sàng ký quỹ 10 tỉ đồng vào SHB Khánh Hòa, nếu không có 10.000 tỉ đồng thì sẵn sàng mất tiền ký quỹ. Tuy nhiên, phía SHB Khánh Hòa vẫn không đồng ý. Kiểm soát viên Chu Thị Hằng Nga đòi lại sổ tiết kiệm khống đã phát hành và xin gửi lại 20 triệu đồng “đền bù” chi phí đi lại mà nhóm của ông Lai đài thọ cho Nga và kế toán Trúc Kiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau đó việc trả sổ chỉ được tiến hành khi công an mời cả hai bên về làm việc.

Ông LÊ VŨ NAM, Trưởng khoa Luật kiêm Trưởng bộ môn Luật-Tài chính-Ngân hàng-Chứng khoán Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Nếu có hậu quả, Ngân hàng SHB phải chịu trách nhiệm

Theo tôi, sổ tiết kiệm khống 50 tỉ đồng ở Ngân hàng SHB Chi nhánh Khánh Hòa như báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh là lập khống và không có giá trị để rút tiền ở hệ thống ngân hàng này. Tuy nhiên, điều phức tạp ở đây chính là sổ này khi lập ra có con dấu, mộc đỏ và chữ ký của những người có trách nhiệm ở chi nhánh trên nên có thể đem cầm cố, thế chấp nơi khác được. Nếu việc này không bị phanh phui và người nào đó cầm sổ này đi thế chấp cho cá nhân, tổ chức khác thì khi phát hiện ra sổ khống thì về nguyên tắc, Ngân hàng SHB phải chịu trách nhiệm. Còn sau đó Ngân hàng SHB truy cứu trách nhiệm nhân viên của mình ở trách nhiệm dân sự; còn việc truy cứu hình sự hay không thì cơ quan điều tra căn cứ vào hậu quả gây ra. 

Theo Bùi Nhơn - Nguyễn Dũng/Pháp luật TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn