Số phận những sếp bự gây sốc năm 2013

Kinh tếThứ Hai, 13/01/2014 08:15:00 +07:00

Vì tư lợi, nhiều sếp lớn của các doanh nghiệp đã lao vào vòng tù tội và phải nhận hình phạt thích đáng, tạo nên những chấn động dư luận năm 2013.

Vì tư lợi, nhiều sếp lớn của các doanh nghiệp đã lao vào vòng tù tội và phải nhận hình phạt thích đáng, tạo nên những chấn động dư luận năm 2013.

Dương Chí Dũng (Vinalines)
Vụ án Dương Chí Dũng đang làm nóng dư luận trong những ngày cuối năm âm lịch 2013. Với tội danh tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng và nguyên Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm ở mức cao nhất - tử hình. 
 

Cùng với đó, 17 cán bộ cấp dưới của Vinalines, cán bộ ngành hải quan, cán bộ ngành công an vì muốn được tư lợi riêng đã sa vào vòng lao lý theo ông Dũng với án tù được tuyên từ vài năm đến 20 năm.
Vụ án liên quan đến dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào năm 2007. Từ một chiếc ụ nổi 83M cũ kỹ, hư hỏng nặng có giá hơn 2 triệu USD, những người đứng đầu Vinalines đã phù phép nâng giá lên 19,5 USD.
Con số này tiếp tục tăng lên 24 triệu USD vào năm 2012 mà vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Đến nay, khối tài sản trên chỉ là đống sắt vụn han gỉ, đang gây ô nhiễm môi trường biển.
Trong vụ án này, vốn Nhà nước thiệt hại 366 tỷ đồng, còn ông Dũng và ông Phúc đút túi ăn riêng mỗi người 10 tỷ đồng.
Nguyễn Đức Kiên (ACB)
Giữa tháng 12/2013 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có cáo trạng truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB. 
 

Theo cáo trạng này, bầu Kiên bị truy tố một loạt tội danh như: "Kinh doanh trái phép", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế".
Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, SN 1964) được biết đến là ông bầu lớn trong giới bóng đá Việt Nam. 
Bầu Kiên còn nổi tiếng trong ngành ngân hàng khi từng là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trước khi bị bắt vào ngày 20/8/2012.
Về bóng đá, bầu Kiên không quan tâm tới việc đầu tư bài bản mà thường dùng cách của người đi buôn. Bắt đầu là chuyển đội Đường sắt Việt Nam thành CLB ACB năm 2000; sau đó sáp nhập với Hàng không Việt Nam thành LG.HN.ACB; rồi lại tách một đội thành Hòa Phát Hà Nội. 
Năm 2011, CLB HN.ACB của bầu Kiên trụ hạng nhờ mua lại suất V.League của Hòa Phát Hà Nội. Sau 10 năm chơi bóng đá, bầu Kiên chứng minh không phải là ông bầu giỏi mà còn là ông bầu ki bo. Và những kế hoạch mà bầu Kiên đưa ra để cải tổ nền bóng đá Việt Nam đến giờ vẫn nằm trên giấy.
Về lĩnh vực tài chính, ở Ngân hàng ACB, bầu Kiên đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng, có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị và điều hành Ngân hàng ACB.
Nguyễn Đức Kiên còn thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên của 6 công ty gồm: Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B; Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu AFG; Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội ACBI; Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu ACI và Công ty TNHH Đầu tư Á Châu Hà Nội ACI-HN.
Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 5 công ty B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN dù không có chức năng nhưng vẫn kinh doanh tài chính với số tiền gần 10.000 tỷ đồng.
Nguyễn Hữu Khai (Bảo Long)
Vụ việc ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long bị bắt vào ngày 15/6 gây chấn động dư luận khi ông chủ của một thương hiệu nổi tiếng trong ngành y sa lưới pháp luật. 
 

Ông Khai bị bắt 3 tháng để điều tra về hành vi "sử dụng trái phép tài sản". Trong thời gian từ năm 2011 đến tháng 6/2013, ông Khai đã nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. 
Việc chiếm giữ này gây ra nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài.
Ông Khai từng là tiến sỹ, là thầy thuốc có tiếng trong ngành y dược. Tập đoàn Bảo Long của ông nổi tiếng sở hữu nhiều doanh nghiệp có quy mô với phạm vi kinh doanh rộng như bệnh viện, trường học... 
Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải, dẫn đến nợ nần chồng chất không thể giải quyết được, ông Khai đã chấp nhận đi vay tiền với lãi suất cao. Sau đó, ông Khai tiếp tục huy động vốn dưới hình thức "cổ đông góp vốn" để thu tiền của nhiều cá nhân và tự quản lý ngoài sổ sách kế toán.
Khó khăn nặng nề thêm khiến Tập đoàn Bảo Long phải bán bớt cổ phần. Cụ thể, ngày 3/3/2011, ông Khai đã ký hợp đồng "chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm" cho Tập đoàn Bảo Sơn do ông Nguyễn Trường Sơn làm Chủ tịch HĐQT. Tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Khai cho rằng Tập đoàn Bảo Sơn không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng như: Tập đoàn Bảo Sơn đã quyết định thay đổi giấy phép kinh doanh của Bệnh viện Bảo Long và đổi tên thành Bệnh viện Bảo Sơn, thay đổi toàn bộ thành viên HĐQT của bệnh viện... Ông Khai “tố" Tập đoàn Bảo Sơn còn nợ Tập đoàn Bảo Long 125 tỷ đồng.
Nhưng thực chất việc hợp tác giữa Bảo Long - Bảo Sơn, về danh nghĩa, Bảo Sơn đích danh làm Chủ tịch HĐQT; về tài chính, Bảo Sơn mua nhưng lại chưa trả hết tiền, đồng thời lại cho vay lấy lãi, kèm theo là những cam kết, thế chấp. Còn về phía Bảo Sơn, ông Sơn cho rằng đây là một vụ mua bán đàng hoàng, đúng pháp luật.
Vụ tranh cãi giữa Bảo Sơn và Bảo Long càng ngày càng thêm mâu thuẫn. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc ông Khai bị bắt để điều tra.
Nguyễn Hoàng Long (Vina Megastar)
Thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội tháng 7/2013 rúng động bởi tin Chủ tịch tập đoàn Vina Megastar bị bắt. Ông Nguyễn Hoàng Long, bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng SeABank với giá trị 29,5 tỷ đồng.
 

Ông Long bị bắt liên quan tới hành động dùng 6 hợp đồng thép khống để đảo nợ cho khoản vay đến hạn diễn ra từ năm 2009. Việc làm này có sự đồng thuận của một số cán bộ tín dụng của SeABank.
Việc tạm giam để điều tra bước đầu chưa liên quan tới các dự án bất động sản mà tập đoàn này đang triển khai. Vina Megastar là tập đoàn phát triển lĩnh vực công nghiệp nặng và phát triển đô thị, hiện đang nắm giữ 10 dự án bất động sản với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 50.000 tỷ đồng.
Nguyễn Bi (Vifon)
Tháng 11/2013, vụ án tham nhũng ở Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon) cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Nhân vật được quan tâm hơn cả trong vụ án này là ông Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vifon).
 

Ngày 27/11, sau 1 tuần xét xử và nghị án (diễn ra từ ngày 21/11), TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bi 15 năm tù về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và 7 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt là 22 năm tù. Các bị cáo khác bị tuyên phạt mức án tù từ 7 - 30 năm.
Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường thiệt hại cho các cơ quan hàng chục tỷ đồng, trong đó bị cáo Nguyễn Bi bồi thường cho Vifon gần 2,3 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, các bị cáo Nguyễn Bi và đồng phạm lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản gây thiệt hại cho nhà nước và các cổ đông Công ty Vifon tổng số tiền 18,2 tỷ đồng. Nguyễn Bi đã trực tiếp ký duyệt các phiếu chi, tạo điều kiện cho cấp dưới chiếm đoạt tiền của nhà nước.
Vũ Quốc Hảo (ALC II)
Liên quan đến vụ "đại án" tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), sau 3 ngày xét xử đến ngày 11/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM được ủy quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án tử hình đối với 2 bị cáo. Đó là 2 bị cáo Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc công ty ALC II) và Đặng Văn Hai (Nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Quang Vinh).
 
Ngoài ra, Viện KSND TP.HCM còn đề nghị, buộc bị cáo Vũ Quốc Hảo phải bồi thường 83,8 tỷ đồng cho công ty ALC II.
Theo nhận định của đại diện Viện KSND TP.HCM, cả 2 bị cáo Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai đã thông đồng cùng các bị cáo khác gây ra thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại công ty ALC II. 
Riêng bị cáo Hai bị quy kết cả 4 tội gồm: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hành vi phạm tội của các bị cáo Hảo và bị cáo Hai đều thuộc loại tội phạm nguy hiểm nên bị đề nghị với mức án cao nhất mới tương xứng.
Các bị cáo khác giúp sức cho 2 bị cáo trên thực hiện hành vi của mình nhận mức án từ 6 - 20 năm tù với cùng các tội danh trên.


Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn