Số người chết thực tế ở Ấn Độ trong đại dịch cao gấp nhiều lần báo cáo

Thời sự quốc tếThứ Ba, 20/07/2021 16:42:50 +07:00
(VTC News) -

Hôm 20/7, trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) báo cáo số người chết vì COVID-19 thực tế ở Ấn Độ cao gấp 10 lần so với gần 415.000 người được công bố chính thức.

Theo phân tích dữ liệu của CGD từ khi dịch bùng phát ở Ấn Độ đến tháng 6 năm nay, trên thực tế số bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng ở nước này là từ 3,4 triệu đến 4,7 triệu người. Đại dịch rất có thể là thảm họa chết người tồi tệ nhất ở đất nước 1,3 tỷ dân kể từ khi độc lập.

Số người chết thực tế ở Ấn Độ trong đại dịch cao gấp nhiều lần báo cáo - 1

Số người chết vì COVID-19 thực tế ở Ấn Độ cao gấp 10 lần so với gần 415.000 người được công bố chính thức. (Ảnh: Reuters)

Trong những tuần gần đây, một số bang của Ấn Độ đã sửa đổi số liệu về dịch COVID-19, khiến số ca bệnh chết người tăng lên hàng nghìn trường hợp “còn tồn đọng”.

Các chuyên gia, bao gồm cựu cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ Arvind Subramanian, đã xem xét số liệu đăng ký tử vong ở các bang này. Từ đó, ước tính ra "tỷ lệ tử vong vượt mức" - số người chết ngoài số liệu chính thức.

Tuy việc ước tính chính xác tỷ lệ tử vong rất khó, nhưng tất cả kết quả nghiên cứu đều cho thấy rằng số người chết trong đại dịch ở Ấn Độ lớn hơn nhiều so với con số chính thức.

Một nghiên cứu khác do ông Christophe Guilmoto, chuyên gia về nhân khẩu học Ấn Độ tại viện Nghiên cứu Phát triển của Pháp, thực hiện cho thấy rằng số bệnh nhân COVID-19 chết ở Ấn Đô tính đến cuối tháng 5 là gần 2,2 triệu người.

Nhóm của ông Guilmoto kết luận rằng cứ mỗi 7 người chết vì dịch bệnh ở Ấn Độ thì chỉ có một người được ghi nhận.

Tháng trước, Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ trích tạp chí The Economist vì đăng bài viết nói rằng số người chết vì dịch bệnh thực tế ở nước này cao hơn từ năm đến bảy lần so với con số chính thức.

Số người chết trong đại dịch được công bố chính thức của Ấn Độ chỉ hơn 414.000 người, cao thứ ba thế giới sau 609.000 người chết ở Hoa Kỳ và 542.000 người ở Brazil. Các chuyên gia nghi ngờ về con số này trong nhiều tháng, nhưng họ cho rằng thông tin sai lệch phần lớn là do ngành y tế đã quá tải, chứ không phải vì bị cố ý can thiệp.

Trần Trang(Inquirer)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp