Số lượng trẻ mắc COVID-19 nhập viện tại miền Bắc có xu hướng tăng

Tin tứcThứ Hai, 31/01/2022 12:27:45 +07:00

Nhiều trường hợp trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị khi 5 - 6 ngày tuổi.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trẻ em được nhận định là nhóm ít có nguy cơ diễn biến nặng khi nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, khi số ca mắc tăng nhanh, nước ta vẫn có tỷ lệ nhất định trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị.

Đa phần trẻ nhập viện mắc bệnh nền

Trao đổi với báo chí mới đây, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, phụ trách khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian qua, số lượng trẻ em mắc COVID-19 phải tới điều trị tại cơ sở y tế này đang có xu hướng tăng so với giai đoạn trước.

Số lượng trẻ mắc COVID-19 nhập viện tại miền Bắc có xu hướng tăng - 1

Các y bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Việt Linh)

Các trẻ lớn, có thể tự chăm sóc sức khỏe sẽ không có người thân đi theo. Ngược lại, các trường hợp còn quá nhỏ sẽ cần bố mẹ, gia đình cùng vào bệnh viện với điều kiện cũng đang mắc COVID-19.

Về tình trạng F0 là trẻ nhỏ phải nhập viện tăng, bác sĩ Trường giải thích: "Hiện nay, số bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội cũng như các địa phương ở phía Bắc tăng nhanh. Người lớn hoàn toàn có khả năng lây virus cho trẻ. Mặt khác, một số nhóm trẻ em vẫn chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thực tế này".

Bác sĩ này cũng cho biết, dù trẻ em thường diễn biến nhẹ hơn người lớn khi mắc COVID-19, khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang điều trị các bé phải thở oxy, thậm chí thở máy.

Trong thời gian Tết Nguyên đán sắp tới, bác sĩ Trường cho biết khoa Nhi đã lên kế hoạch để sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị cũng như hậu cầu, qua đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị khi lượng bệnh nhi mắc COVID-19 tiếp tục tăng.

“Khoa đang có 80 giường ICU (hồi sức tích cực) dành cho trẻ em mắc COVID-19, gồm cả trẻ sơ sinh", bác sĩ Trường thông tin thêm.

Lưu ý chăm sóc trẻ mắc COVID-19 ngay tại nhà

Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), khi thấy bé sốt cao liên tục trên 2 ngày, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xác định bệnh. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể trên từng bệnh nhân.

Trong mùa dịch COVID-19, cần phải loại trừ khả năng nhiễm nCoV bằng các xét nghiệm chẩn đoán. Hiện nay, người bệnh COVID-19 vẫn có thể được điều trị ngoại trú nếu không có dấu hiệu nặng cần nhập viện.

Trong quá trình theo dõi tại nhà, phụ huynh lưu ý quan sát cách thở của trẻ: Thở nhanh hơn, thở khó hơn, phập phồng cánh mũi, co lõm hõm ức, co kéo các khoảng liên sườn.

Số lượng trẻ mắc COVID-19 nhập viện tại miền Bắc có xu hướng tăng - 2

Trẻ mắc Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Quốc Vương)

Ngoài ra, trẻ có thể bỏ ăn uống, li bì, lừ đừ, nôn ói nhiều, tiêu chảy mất nước thì cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Trẻ em mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Nếu bé không có bệnh lý nền đặc biệt hay thể trạng thừa cân, béo phì thì có thể an tâm điều trị tại nhà. Với trẻ có các bệnh lý nền như bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan, bệnh nội tiết, huyết học, ung thư, gia đình cần cho trẻ nhập viện sớm để theo dõi.

Ngoài ra, theo Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, khi trẻ nhiễm nCoV được điều trị tại nhà, gia đình cần theo dõi tình trạng dinh dưỡng của con bằng cân nặng và lượng thức ăn trẻ ăn vào.

Nếu trẻ bị sụt cân 1 - 2%/tuần, lượng thức ăn trẻ ăn vào <70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cha mẹ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp và tư vấn cụ thể.

Bộ Y tế cũng đưa ra một số nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ là F0 được điêu trị tại nhà gồm:

Chế độ ăn cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính: lipid (lipid động vật và lipid thực vật), vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate), protein (protein động vật và thực vật). Trẻ phải ít nhất có một bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.

Cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi.

Hàng ngày phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).

Khuyến khích trẻ 1 - 2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600 ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ >2 tuổi là 500 ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).

Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (một calo/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn