Số lao động đang làm việc tại TP.HCM và 3 tỉnh giáp ranh biến động thế nào?

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 22/10/2021 16:07:03 +07:00
(VTC News) -

Sau khi TP.HCM và Bình Dương, Long An, Đồng Nai kêu gọi người lao động quay trở lại làm việc, khiến số lao động ở 4 tỉnh, thành này có nhiều biến động.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM diễn ra hôm 18/10, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XHTP.HCM cho biết, hiện theo thống kê của các khu chế xuất và khu công nghiệp có khoảng 134.850 người lao động trở lại TP.HCM làm việc và rải rác tại các doanh nghiệp trên địa bàn các quận, huyện khoảng trên dưới 5.000 người.

Ông Lâm cũng cho biết, ngày 30/9, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản 3231 quy định phương thức vận chuyển người lao động trở lại thành phố, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động từ các tỉnh, thành về TP.HCM. Người lao động có thể liên hệ lại công ty cũ hoặc đến các Trung tâm giới thiệu việc làm của Sở để được tư vấn, hỗ trợ tìm việc theo nhu cầu.

Số lao động đang làm việc tại TP.HCM và 3 tỉnh giáp ranh biến động thế nào? - 1

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, chiều 4/10, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, tính đến ngày 4/10, tổng số lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ còn khoảng 135.000, con số này bằng 46% so với trước đó.

Trước ngày 1/10, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM có khoảng 288.000 lao động. Trong đó, có 70.000 lao động làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Sau mốc 1/10, con số 70.000 lao động đã giảm xuống chỉ còn 45.000 lao động. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người. 

Chiều 22/10, trả lời VTC News, ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương cho biết, hiện chưa thể thống kê cụ thể con số người dân các tỉnh quay trở lại Bình Dương làm việc, do phần lớn người lao động tự phát về, tự phát quay trở lại bằng phương tiện cá nhân.

Số lao động đang làm việc tại TP.HCM và 3 tỉnh giáp ranh biến động thế nào? - 2

Lao động sản xuất 3 tại chỗ trong một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Ảnh: Thy Huệ)

Theo ông Cường, để không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại, mới đây tỉnh đã có chính sách nhằm hỗ trợ người dân. Trong đó, có 4 lưu ý sẽ được ưu tiên.

Thứ nhất, người dân các tỉnh khi quay trở lại Bình Dương làm việc sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Người chưa tiêm sẽ được tiêm sớm, người đã tiêm mũi 1 sẽ nhanh chóng được tiêm mũi 2.

Thứ hai, các công ty, các cụm công nghiệp sẽ liên hệ với lao động cũ để thông báo, có kế hoạch đón họ quay trở lại bằng các phương tiện phù hợp.

Thứ ba, người dân muốn quay trở lại Bình Dương, nếu gặp khó khăn sẽ đăng ký với Sở LĐTB&XH các tỉnh để phối hợp Sở LĐTB&XH Bình Dương để Bình Dương có kế hoạch thống nhất đón lao động quay trở lại.

Thứ tư, tỉnh đã cho phép các doanh nghiệp tự tổ chức test COVID-19 cho người lao động khi quay trở lại. Sau khi test, doanh nghiệp được quyền cấp giấy xác nhận cho công nhân để họ thuận tiện trong lưu thông. "Người dân tự quay trở lại thì cũng có nhiều rồi, nhưng đã số tự quay lại bằng xe cá nhân nên rất khó thống kê", ông Cường nói.

Ngày 22/10, trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương có 1.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại với khoảng 540.000 lao động, chiếm tỷ lệ khoảng 80%.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai, tính đến 21/10, địa phương đã có gần 740.000 lao động, gồm lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, lao động tự do, hộ kinh doanh, được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Tổng số tiền người lao động được nhận là hơn 1.200 tỷ đồng.

Hiện còn khoảng hơn 76.000 lao động đã được phê duyệt nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Số lao động đang làm việc tại TP.HCM và 3 tỉnh giáp ranh biến động thế nào? - 3

Người lao động rời Đồng Nai hồi đầu tháng 10/2021 được lực lượng CSGT hỗ trợ. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng xét duyệt, chi trả hỗ trợ 1 lần bằng tiền cho 109.409 người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với số tiền trên 263,2 tỷ đồng theo Nghị quyết 116.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Long An cho biết, đa phần người lao động về quê từ trước khi dịch bùng phát mạnh là những người lao động tự do (khoảng 80%), số còn lại là những người lớn tuổi, trẻ em. Những lao động ở lại đều được doanh nghiệp hỗ trợ hàng tháng.

Hiện Sở LĐTB&XH Long An đã đề nghị các tỉnh cùng hỗ trợ đưa người lao động quay trở lại tỉnh để làm việc.

Khó khăn lớn nhất là hiện tại là đa phần lao động về quê chưa được tiêm vaccine COVID-19 mũi nào nên đầu tiên sẽ ưu tiêm tiêm vaccine cho những người này, tiếp đến sẽ hỗ trợ tiền nhà trọ.

“Sở tiếp tục vận động các chủ nhà trọ giảm tiền nhà và vận động doanh nghiệp 1 tháng trả lương 2 lần để người lao động trước mắt ổn định cuộc sống”, ông Tánh nói.

Theo ông Tánh, tỉnh Long An cũng hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, tìm kiếm việc làm… Có chính sách hỗ trợ người lao động tìm nơi ở, đi lại, chi phí y tế khi tham gia các phiên giao dịch việc làm.

“Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động thất nghiệp chưa tìm được việc làm theo chính sách của Nhà nước”, ông Tánh thông tin thêm.

Thế Quang - Thy Huệ - Khuất Nguyên - Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn