Sơ hở nào khiến Ngân hàng ACB bị chiếm đoạt 719 tỷ đồng?

Pháp luậtThứ Sáu, 23/05/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) – HĐXX tiếp tục cách ly bầu Kiên, yêu cầu Huỳnh Thị Huyền Như trả lời thẩm vấn trong phiên xử sáng 23/5.

(VTC News) – HĐXX tiếp tục cách ly bầu Kiên, yêu cầu Huỳnh Thị Huyền Như trả lời thẩm vấn trong phiên xử sáng 23/5.

Trong phiên xử sáng 23/5, HĐXX đã tiếp tục cách ly bị cáo Kiên để thẩm vấn những người khác, làm rõ tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà Viện Kiểm sát nhân dân đã truy tố đối với các bị cáo.

Nhân viên ACB không biết Huyền Như

Mở đầu phiên xử, Tòa đã hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu một số vấn đề về Luật Tổ chức tín dụng.

“Theo luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, ngân hàng thương mại được quyền ủy thác và nhận ủy thác.
Những văn bản trái với luật này thì phải dừng và không được thực thi” – đại diện Ngân hàng Nhà nước nói.

Liên quan đến việc đem tiền đi gửi tiền vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao hơn, mà cụ thể là ACB, Ngân hàng Nhà nước đã nói rất rõ với cơ quan điều tra là vi phạm điều 106 Luật các TCTD, đại diện cơ quan này khẳng định “Chúng tôi giữ nguyên quan điểm này”.

Các bị cáo trước vành móng ngựa. 

Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải nhắc lại về nghị quyết của HĐQT ACB ngày 22/3/2012 chủ trương ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi tiết kiệm tại Vietinbank. Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà là người trực tiếp điều hành nhân viên thực hiện và báo cáo lại với ông Hải.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa, Kế toán trưởng Ngân hàng ACB cho biết, chính mình là người ký hợp đồng ủy thác cho các nhân viên. Trong đó Huỳnh Thị Bảo Ngọc được giao toàn quyền là người liên hệ với Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh và các ngân hàng khác để tìm kiếm “mối” có hoa hồng tiền gửi cao. ACB đã thực hiện chuyển tiền cho nhân viên qua tài khoản. Người đã có tài khoản thì chuyển tiền vào rồi ký hợp đồng ủy thác, người chưa có thì chuyển tiền vào rồi mở tài khoản sau.

Ông Hoà không biết Huyền Như, chỉ biết bà này khi bị bắt và cho biết, việc mình thực hiện các thủ tục ứng tiền và gửi tiền là đúng quy định, việc thu và trả phí hoa hồng tiền gửi cũng là một nghiệp vụ của ngân hàng tuy không biết có quy định trong văn bản pháp luật nào không.

Truy xét về việc ủy thác tiền gửi của Ngân hàng ACB tại Ngân hàng Vietinbank, tòa mời bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc – Phó phòng quản lý quỹ ACB.

Tại tòa, bà Ngọc cho biết, khi được chỉ đạo việc thực hiện ủy thác tiền gửi, bà lên mạng tìm kiếm và liên hệ với Vietinbank. Tổng đài viên bảo gặp Huỳnh Thị Huyền Như. Sau đó hai người có trao đổi qua mạng. Bà Ngọc gặp Huyền Như để liên hệ về lãi suất tiền gửi, kỳ hạn. “Còn việc ký hợp đồng thì không phải Huyền Như trực tiếp ký”, bà Ngọc nói.

Bà Ngọc nói thêm: Sau khi gửi tiền, lãi suất, giá trị hoa hồng, đều báo cáo ông Hòa biết. Theo bà Ngọc, hợp đồng ký ủy thác cho 19 nhân viên là ông Hòa ký. “Tôi chỉ đạo, hướng dẫn nhân viên mở tài khoản ở Vietinbank”.

Đối với lời khai của nhân viên Nhật Cường (1/19 nhân viên đi ủy thác tiền gửi) tại cơ quan điều tra, là đã ký hợp đồng mở tài khoản, trong khi tiền đã được chuyển trước, bà Ngọc cho rằng, việc làm này không sai, vì vẫn có thể linh động.

Ông Nguyễn Văn Hòa kế toán trưởng của Ngân hàng ACB cũng nói rằng: Thực tế hoạt động ngân hàng, để thuận tiện cho khách hàng, cho thông tin, gửi tiền trước và mở tài khoản sau.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được cách ly để thẩm vấn trong phiên xử sáng 23/5.  

Đối với quy trình tiền gửi, tại tòa đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy trình dựa trên nền tảng quy định 1284. Theo bà Ngọc, quy trình gửi tiền, đối chiếu thực tế, có sai sót.

Trước lời khai này, HĐXX viện dẫn Công văn 1060, quy định về thủ tục gửi tiền, đồng thời công bố lời khai của các nhân viên. Theo lời khai, nhân viên đưa chứng minh thư cho bà Ngọc để ngân hàng Vietinbank mở tài khoản.

Biện minh vấn đề này, bà Ngọc nói rằng, bà lấy chứng minh thư của nhân viên để gửi cho Vietinbank nhằm cung cấp thông tin. Việc các nhân viên đến gửi tiền ở Vietinbank là với tư cách của một người dân chứ không phải là nhân viên ngân hàng.

Chiếm tiền từ sơ hở của ACB

Trả lời câu hỏi của HĐXX, Huỳnh Thị Huyền Như, người đã chiếm đoạn gần 719 tỷ đồng do ngân hàng ACB gửi, tham dự tòa với vai trò người có nghĩa vụ liên quan cho biết mình không có quan hệ với bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Việc hai người liên hệ với nhau từ khi bà Ngọc liên hệ với Huyền Như tham khảo về lãi suất.

Do quy định của Ngân hàng Nhà nước thông báo, ngân hàng không được vượt trần lãi suất 14%, trong khi khách hàng muốn lãi suất cao, Huyền Như không thông báo cho chi nhánh mà lấy tiền túi bù vào tiền gia tăng lãi suất, tiền hoa hồng…Theo Huyền Như việc bỏ tiền túi ra là đã có mục đích chiếm đoạt số tiền này từ trước.

Huyền Như cũng cho biết, đến khi bị bắt mới gặp bà Ngọc vì chủ yếu liên hệ quan mạng và điện thoại. Cũng theo Huyền Như, việc lập, mở tài khoản đều không có sự gặp mặt giữa nhân viên Vietinbank với người mở tài khoản (nhân viên ACB). Chính điều này tạo điều kiện cho Huyền Như dùng thủ thuật chiếm đoạt số tiền trên.

Nhận thức về sai phạm của mình, Huyền Như cho rằng, sai phạm đã rõ, còn đối với lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank hoàn toàn không biết việc này.

Huỳnh Thị Huyền như trả lời các câu hỏi của HĐXX. 

Tòa hỏi Huyền Như, sơ hở nào của ACB có thể tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tiền, Như trả lời:

“Theo quy định 184 về mở tài khoản của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng khi mở tài khoản phải đến trực tiếp ngân hàng để nhân viên ngân hàng đối chiếu thông tin nhưng trong trường hợp này, khách hàng của chị Ngọc không thực hiện đúng điều đó.

Ngoài ra, sau khi ký kết hợp đồng tiền gửi, không có bất cứ phản hồi nào về các hợp đồng tiền gửi mà tôi đã cung cấp. Sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra và quản lý số tiền trong tài khoản và yêu cầu ngân hàng, nếu phát hiện tài khoản bị sử dụng sai mục đích thì phải báo ngân hàng nhưng phía người gửi đã không có động thái đó.

Chị Ngọc không quan tâm tôi trích tiền để làm gì mà chỉ quan tâm đến lãi suất. Đó là các cơ sở để tôi có thể sử dụng số tiền này” – Huyền Như khai và cho biết, động cơ để Như chiếm đoạt số tiền là do các khoản nợ của Như quá nhiều.


Đối chất với lời khai của Như, Huỳnh Thị Bảo Ngọc không thừa nhận những lời Như nói. Huyền Như tiếp tục khẳng định lần nữa về những sơ hở của ACB.

“Có thể do không phải tiền túi của người ta bỏ ra nên người ta mới không quan tâm, tạo điều kiện cho tôi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Về bản thân Vietinbank, do tôi là nhân viên trong đó nên mọi người nghĩ Vietibank có trách nhiệm nhưng như tôi đã trình bày, nếu ngay từ đầu, người gửi tiền có trách nhiệm quan tâm đến khoản tiền của mình thì tôi không thể chủ động thực hiện các việc chuyển tiền mà họ không biết.

Theo tôi, sai phạm của tôi đã rõ từ phiên tòa trước, tất cả số tiền ACB là do tôi có ý định chiếm đoạt từ trước. Tôi cùng nhóm khách hàng bên đó đã thực hiện giao dịch mà không trình báo ban lãnh đạo”.

11h5’, HĐXX tạm nghỉ trưa.

Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn