Sở GD&ĐT Hà Nội: Phụ huynh không nên tự ý cho con nghỉ học

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 31/01/2020 14:46:00 +07:00
(VTC News) -

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, phụ huynh chỉ cho con nghỉ học khi nào có khuyến cáo của cơ quan chức năng như Bộ Y tế.

Sáng 31/1, hơn 5.500 đại biểu dự Hội nghị trực tuyến quán triệt công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Hội nghị do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.

Trước việc nhiều phụ huynh đề nghị có nên cho con nghỉ học hay không, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, chỉ khi nào có khuyến cáo của cơ quan chức năng như Bộ Y tế thì mới áp dụng thực hiện, bởi việc cho 2 triệu học sinh nghỉ học không phải đơn giản.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, người dân cần có nhận thức đúng và đầy đủ về công tác phòng bệnh dịch, đề từ đó chống dịch hiệu quả.

Ông Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các trường bố trí nước sạch, xà phòng rửa tay hàng ngày, khuyến khích học sinh dùng bình nước cá nhân, không sử dụng chung. Trường hợp học sinh, giáo viên có biểu hiện sốt, yêu cầu nghỉ không đến trường, không tham gia hoạt động, phối hợp với các gia đình theo dõi sức khỏe và đề nghị đến các trung tâm y tế để khám và điều trị.

Bên cạnh đó, vào 2 ngày cuối tuần, thành phố tổ chức phun khử khuẩn các trường, yêu cầu nhà trường chủ động phân công, cử người phối hợp, nắm bắt lịch với cơ quan chuyên môn, tránh trường hợp nghỉ không tham gia. Trong đó, hiệu trưởng phải trực tiếp có mặt tham gia cùng Trung tâm y tế để tiến hành việc khử khuẩn, đảm bảo môi trường học tập an toàn cho các em học sinh.

 

Sở GD&ĐT Hà Nội: Phụ huynh không nên tự ý cho con nghỉ học - 1

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn các thông tin quán triệt được đến nhanh nhất, đầy đủ nhất để các trường thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dịch trước tính nguy cấp, nguy hại.

Toàn ngành hiện có gần 3.000 trường học, gần 3.000 nhóm trẻ, các trường tư thục, số lượng hơn 2 triệu học sinh, liên quan đến tất cả gia đình. Hiện chưa có trường hợp nào mắc bệnh trong trường học. 

Ông Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, các cơ sở giáo dục cần phối hợp với cơ quan y tế địa phương, dưới sự chỉ đạo của chính quyền thực hiện các biện pháp khử khuẩn trường lớp (với nguyên tắc không khử khuẩn khi học sinh đang học, tiến hành vào thứ bảy, chủ nhật).

Bên cạnh đó, các trường phải thường xuyên làm vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ.

Khu vực khử khuẩn trong trường học bao gồm ngoại cảnh sân chơi, lớp học cầu thang, hành lang, nhà ăn, nhà đa năng, công trình vệ sinh, đồ chơi, học cụ, đồ dùng cá nhân. Các khu vực như sàn phòng học, nhà bếp, vệ sinh phun hoặc lau, để khô tự nhiên; bàn ghế, nắm cửa, tay vịn cầu thang lau bằng dung dịch sát khuẩn, để khô tự nhiên; đồ chơi ngâm trong dung dịch sát khuẩn 30 phút, rửa lại bằng nước sạch, trừ đồ chơi ngoài sân vườn với kích thức lớn.

Ông Tuấn cũng yêu cầu các trường thực hiện việc theo dõi và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên mỗi ngày, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh dịch. Tất cả các trường hợp sốt đều phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học, tuyết đối không được giấu dịch, phải báo ngay với cơ quan quản lý cấp trên và phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát, xử lý ổ dịch theo quy định.

Với các trường có giáo viên, học sinh người Trung Quốc theo học hoặc nghỉ Tết từ Trung Quốc trở lại Việt Nam cần giám sát chặt chẽ, nếu có bất thường về sức khỏe phải báo cáo ngay với cơ quan cấp trên, đồng thời đến trung tâm y tế gần nhất kiểm tra và cách ly ngay theo quy định để giám sát, theo dõi.

Theo PGS.TS Nguyễn Kiều Oanh – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Hà Nội, cán bộ y tế trường học phải là người hiểu biết các biện pháp phòng chống, tuyên truyền cho giáo viên biết về biện pháp phòng, chống, tổ chức truyền thông cho học sinh về phòng chống, vệ sinh môi trường, khử khuẩn thường xuyên.

Học sinh và giáo viên khi có triệu chứng viêm đường hô hấp phải đeo khẩu trang hoặc có yếu tố dịch tễ (đi về vùng dịch, tiếp xúc gần với người được xác định nhiễm, nghi ngờ) lập tức cách ly, khuyến khích giáo viên học sinh đeo khẩu trang trong lớp, phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT về công tác phòng chống.

Trường hợp nghi ngờ bệnh là trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính, với các biểu hiện sốt, ho có thể có khó thở hoặc viêm phổi và một trong các yếu tố dịch tễ sau: Có tiền sử, ở, đi về từ vùng dịch (Trung Quốc) trong vòng 14 ngày, tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc bệnh nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp do corona.

"Các giáo viên cũng cần hướng dẫn các em cách che miệng khi hắt hơi hoặc ho, trường hợp không có khăn giấy, thì không dùng bàn tay che miệng, mà nên che miệng bằng khủy tay, tránh việc cầm nắm vào các đồ vật sẽ làm lây lan virus", bà Oanh khuyến cáo.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn