Sổ đỏ ghi đầy đủ các thành viên trong gia đình: Lãnh đạo Bộ TN-MT lý giải

Thời sựThứ Năm, 23/11/2017 18:01:00 +07:00

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ nhằm mục đích cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất đối với lô đất đó.

Ngày 23/11, bên hành lang Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã có trao đổi xung quanh Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ sẽ bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

so do 2

Việc quy định sổ đỏ phải ghi đầy đủ các thành viên trong gia đình khiến dư luận tranh cãi.

Theo vị lãnh đạo này, việc ghi tên như vậy nhằm mục đích cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất đối với lô đất đó, chứ không phải tất cả mọi thành viên trong gia đình.

"Sau này, chủ sở hữu mảnh đất đó sinh con hay một người khác đến ở chung thì con cái hay người đến ở chung đó cũng không có quyền bởi họ không có mặt, không tham gia tạo lập đất", vị này nói.

Vị lãnh đạo Bộ TN-MT cho rằng: "Có thể hiểu là Thông tư này bảo vệ quyền lợi những người có quyền sử dụng đất chứ không bao gồm những thành viên trong khái niệm hộ gia đình".

Cụ thể, vị này lấy ví dụ, trong việc thực hiện đền bù đất, việc ghi tên thành viên nào vào sổ đỏ được xác định là thành viên vào thời điểm mà người ta đền bù, cấp đất.

"Mục đích là phải bảo vệ quyền sử dụng đất của những người có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình đó. Trước đây, luật pháp quy định các điều này lỏng lẻo nên giờ phải cá thể hoá.

Đặt giả thiết chúng ta không cá thể hóa như tôi nói trên mà chỉ cấp sổ đỏ cho ông A. đứng tên chủ hộ thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Những người tại thời điểm cấp đất được sống trong hộ khẩu, hộ gia đình thì làm sao bảo vệ được quyền lợi của họ. Do đó, Thông tư là để bảo vệ quyền lợi những người có quyền sử dụng", vị này phân tích.

Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng nhấn mạnh, những người có quyền sử dụng với mảnh đất là những người tại thời điểm giao đất, đền bù đất có tên trong hộ khẩu và những thành viên này bình đẳng với nhau.

Tuy nhiên, dư luận băn khoăn vấn đề phát sinh là xác định tài sản chung cũng như quyền sử dụng chung sẽ thực hiện như thế nào? Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Bộ TN-MT cho rằng, điều này phụ thuộc vào sự thoả thuận dân sự.

Giả dụ, khi giao đất cho một gia đình bao gồm cha mẹ và con cái, nếu con cái đồng thuận giao toàn bộ quyền sử dụng này cho cha hoặc mẹ thì có thể chỉ ghi tên cha hoặc mẹ trong sổ đỏ.

Ngược lại, nếu khi giao đất mà con cái đủ tuổi thành niên, có chung quyền sử dụng đất mà muốn ghi tên tất cả thì phải ghi tất cả. Trong trường hợp nếu sinh con cái sau thời điểm được cấp sổ đỏ thì con cái không hoàn toàn có quyền với đất.

 Với câu hỏi Thông tư này có khiến các thủ tục liên quan đến đất đai phức tạp hơn không, ông khẳng định:

"Không hề phức tạp hơn và Nhà nước vất vả thêm nhưng những người có quyền hợp pháp được bảo vệ tốt hơn với những người đã được pháp luật thừa nhận quyền lợi. Khi có tranh chấp thì sẽ xem xét bình đẳng và khi đó toà án cũng có cơ sở xử lý".

Với đất đai thừa kế, ông cho biết thêm, sẽ thực hiện theo các quy định hiện có.

Video: Sổ đỏ sẽ có tên đầy đủ các thành viên trong gia đình

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ là cần thiết. Bởi trên thực tế, nhiều vụ việc ra tòa, kiện tụng liên quan tranh chấp quyền sử dụng đất liên tục và rất nhiều.  

“Thậm chí, bản thân tôi cũng đang tiếp nhận một vài vụ việc như vậy. Đó là trường hợp người mẹ bán đất sau khi chồng chết. Bà mẹ ấy có 2 người con, một người đi nghĩa vụ quân sự, con còn lại ở nhà.

Sự việc dẫn đến kiện tụng khi người con đi nghĩa vụ quân sự khẳng định không ký, chữ ký của người con ở nhà cũng đang nghi ngờ đúng hay không, người cha mất không đối chiếu được. Tòa buộc phải xử lý.

Trước diễn biến đất đai phức tạp như bây giờ, việc quy định chặt chẽ đưa vào quy định đưa vào tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp sau này”, đại biểu Hoàng bày tỏ.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau ví dụ, một cô gái về làm dâu, mặc dù tài sản tôi không làm ra trực tiếp nhưng gián tiếp tạo ra khối tài sản trong nhà thông qua việc nấu ăn, chăm sóc con cái, gia đình… Do đó, công sức của người con dâu đó cũng phải được ghi nhận ở trong gia đình.

“Việc liệt kê như thế là cần thiết, sau này hưởng quyền thừa kế, thứ nữa có tranh chấp xảy ra thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đặc biệt nếu vợ chồng, con dâu ly hôn thì đều được hưởng tài sản.

Sau này nếu một thành viên nào đó trong gia đình mang giấy đó đi cầm cố, sang nhượng mà không có tất cả các thành viên trong sổ ký thì việc mua bán đó không có giá trị”, ông Hoàng nói.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn