Sổ đỏ ghi đầy đủ các thành viên trong gia đình: Giải quyết hàng loạt vụ kiện tụng, tranh chấp đất đai

Kinh tếThứ Năm, 23/11/2017 14:27:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ là cần thiết để giải quyết các vụ kiện tụng, tranh chấp sở hữu đất.

Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

so do 3

 Kể từ ngày 5/12, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ), sẽ bổ sung trường hợp ghi đầy đủ những thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, việc ghi tên các thành viên trong sổ đỏ là cần thiết. Bởi trên thực tế, nhiều vụ việc ra tòa, kiện tụng liên quan tranh chấp quyền sử dụng đất liên tục và rất nhiều.  

“Thậm chí, bản thân tôi cũng đang tiếp nhận một vài vụ việc như vậy. Đó là trường hợp người mẹ bán đất sau khi chồng chết. Bà mẹ ấy có 2 người con, 1 người đi nghĩa vụ quân sự, con còn lại ở nhà.

Sự việc dẫn đến kiện tụng khi người con đi nghĩa vụ quân sự khẳng định không ký, chữ ký của người con ở nhà thì cũng đang nghi ngờ đúng hay không, người cha mất không đối chiếu được. Tòa buộc phải xử lý.

Trước diễn biến đất đai phức tạp như bây giờ, việc quy định chặt chẽ đưa vào quy định đưa vô tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp sau này”, đại biểu Hoàng bày tỏ.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau ví dụ, một cô gái về làm dâu, mặc dù tài sản tôi không làm ra trực tiếp nhưng gián tiếp tạo ra khối tài sản trong nhà thông qua việc nấu ăn, chăm sóc con cái, gia đình… Do đó, công sức của người con dâu đó cũng phải được ghi nhận ở trong gia đình.

“Việc liệt kê như thế là cần thiết, sau này hưởng quyền thừa kế, thứ nữa có tranh chấp xảy ra thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đặc biệt nếu vợ chồng, con dâu ly hôn thì đều được hưởng tài sản.

Sau này nếu một thành viên nào đó trong gia đình mang giấy đó đi cầm cố, sang nhượng mà không có tất cả các thành viên trong sổ ký thì việc mua bán đó không có giá trị”, ông Hoàng nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trong cuộc sống hiện nay, nhiều vấn đề có khả năng xảy ra. Do đó, đây là cách nên làm nhưng mà cũng phải tránh tình trạng khi thông tư ra đời làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính, chi phí cho người dân.

Khía cạnh thứ hai, theo ông Hoàng, việc yêu cầu các thành viên đều đứng tên trong sổ đỏ cũng là cách góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bởi, việc này cũng là một cách để kiểm kê tài sản của những người cần phải kê tài sản.

“Chẳng hạn như tuổi tôi giờ, nhiều người lên chức, vì lý do này lý do này kia muốn tài sản không liên quan đến mình thì cho con đứng tên. Rõ ràng với quy định này cần thiết để ngăn chặn lợi dụng kẽ hở hiện nay nhằm tẩu tán tài sản, không kê khai hoặc cố tình không kê khai tài sản", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nói.

“Mong làm sao, Thông tư mới này nếu như dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của những thành viên trong gia đình liên quan, thứ hai để góp phần trong công tác phòng chống tham nhũng nghĩa là cần thiết. Tuyệt đối không làm phát sinh thêm tủ tục, mất thời gian, tăng chi phí cho người dân”, đại biểu Trương Minh Hoàng nhấn mạnh.

Minh Đức
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn