Sinh viên TP.HCM khởi nghiệp với ứng dụng hỗ trợ làm bài tập về nhà

Giáo dụcThứ Hai, 11/11/2019 15:15:00 +07:00

Nguyễn Đăng An cùng các cộng sự xuất sắc nhận được hỗ trợ 100 triệu đồng với ý tưởng khởi nghiệp ứng dụng giúp học sinh làm bài tập về nhà.

Trong buổi trao giải thưởng "Tri thức trẻ vì giáo dục" 2019 mới đây, Nguyễn Đăng An (SN 1996, TP.HCM) và các cộng sự vỡ òa khi nghe ban tổ chức xướng tên nhận giải. SHub Classroom là một trong năm công trình, sáng chế xuất sắc nhất, nhận hỗ trợ 100 triệu đồng để phát triển và hoàn thiện dự án.

Cách đây 2 năm, nhóm các bạn trẻ 10 người đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) có chung đam mê công nghệ, chung ý tưởng tựu lại. Họ cùng nhau thực hiện một số dự án thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo. Họ bắt đầu hợp tác từ 3 dự án nhỏ nhưng đều thất bại, thua lỗ khoảng 50 triệu đồng.

Không nản lòng, Nguyễn Đăng An tự nhủ sẽ phải làm điều gì đó khác biệt, mở lối đi mới cho nhóm. Từ những trải nghiệm khi còn đi học, Đăng An nhận thấy các em học sinh mỗi ngày đến lớp đều phải học kiến thức mới. Song, khi lượng kiến thức chưa được nắm rõ hoàn toàn, thì các em lại phải tiếp tục học thêm những vấn đề mới vào ngày hôm sau. Điều này gây hổng kiến thức, thậm chí là quá tải đối với các em học sinh.

sv 4

 Nguyễn Đăng An (SN 1996, TP.HCM) - Founder của dự án SHub Classroom. 

"Ý tưởng của mình là giúp học sinh có thể tìm được những người trợ giúp làm bài tập về nhà, hỗ trợ những kiến thức còn thiếu, thay vì đi học thêm hay học gia sư. Sự trợ giúp này liên tục và kịp thời hơn thay vì các em phải chờ sang ngày hôm sau hỏi thầy cô", Đăng An nói.

SHub Classroom hoạt động giống với mô hình kết nối của các ứng dụng xe ôm công nghệ. Khi gặp khó khăn trong quá trình làm bài tập, học sinh sẽ chụp màn hình câu hỏi đưa lên hệ thống. Sau thời gian ngắn, hệ thống sẽ tìm kiếm một người cố vấn, giáo viên, gia sư phù hợp. Học sinh và giáo viên đó sẽ liên lạc với nhau và giải quyết vấn đề. 

Đối tượng SHub Classroom hướng đến là các học sinh trung học, bởi các em thuận tiện hơn trong việc sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý là học sinh hoàn toàn có thể trở thành người cố vấn nếu như có khả năng giải đề.

Chia sẻ về những khó khăn trong những ngày đầu thực hiện dự án, Đăng An cho biết, nhóm đều là sinh viên công nghệ thông tin nên thiếu kiến thức kinh doanh. Bên cạnh đó, để phát triển một dự án giáo dục, cần phải có những người chỉ đường, cố vấn có chuyên môn. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của nhóm là vấn đề về tài chính để duy trì và phát triển dự án.

9P5A9591 3

 Nhóm phát triển dự án startup SHub Classroom là những cựu sinh viên, sinh viên trẻ đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Theo dự tính ban đầu của Đăng An, nhóm sẽ phải chi trả 10 triệu đồng/tháng để thuê máy chủ và các nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho vận hành ứng dụng. Nhưng, khi đưa vào hoạt động, số lượng người dùng tăng lên quá nhanh khiến con số này tăng đến 30 triệu/tháng. Không có nguồn thu, để chi trả cho khoản tiền này, các thành viên phải dùng tiền kiếm được, đồng thời kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

Có thời điểm, Đăng An bị stress tới mức bị rơi vào trầm cảm. "Nhưng lúc ấy tự nhủ lòng phải có niềm đam mê đủ lớn, buồn không làm được gì, cần phải cố gắng, nỗ lực hơn. Chính tư tưởng này giúp mình vượt qua quãng thời gian khó khăn", An chia sẻ.

Nghẹn ngào khi nhận được đánh giá cao trong cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019, Đăng An cho hay, nhóm sẽ sử dụng số tiền 100 triệu đồng giải thưởng để phát triển dự án, tái đầu tư sản xuất, chi trả tiền thuê máy chủ và các nền tảng công nghệ cho ứng dụng.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ SHub Classroom, sau 3 tháng triển khai sản phẩm, ứng dụng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng giáo viên, học sinh trên cả nước. Hiện, ứng dụng xếp hạng 22 ứng dụng giáo dục tốt nhất trên App Store, top 4 ứng dụng giáo dục thịnh hành trên Google Play, 90.000 học sinh tham gia. 5.000 giáo viên sử dụng, 150.000 lượt nộp bài từ học sinh.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn