Sinh viên nhà giàu Trung Quốc vung tiền ở phương Tây thế nào?

Giáo dụcChủ Nhật, 15/12/2019 11:54:00 +07:00

Mua hàng hiệu như mua mớ rau, ở nhà thuê đắt tiền, chi tiêu xa hoa... là cuộc sống của các sinh viên nhà giàu Trung Quốc đang hưởng thụ ở nước ngoài.

Giữa các con phố, trung tâm mua sắm nổi tiếng của London, Anh toàn là bóng dáng những khách hàng tiềm năng, trong đó có các sinh viên trẻ người Trung Quốc. Đó là những người không tiếc tiền mua sắm đồ hiệu đắt tiền nhờ các khoản phụ cấp khổng lồ từ phụ huynh.

sinhvien3 8

  Đi mua sắm hàng hiệu với sinh viên nhà giàu Trung Quốc là chuyện nhỏ.

Các sinh viên con nhà đại gia Trung Quốc không chỉ nhắm tới các cửa hiệu ở thủ đô nước Anh. Trên các con phố shopping đắt đỏ nhất của Los Angeles (Mỹ), sinh viên Trung Quốc học ở Đại học California Los Angeles, Nam California, Đại học bang California tự tin hòa vào dòng các sao Hollywood đi mua sắm nườm nượp.

Trên bờ biển phía đông Mỹ, các sinh viên đại học Columbia và Parsons ở New York thuê các căn hộ đắt tiền để tiện mua sắm tại các cửa hiệu ngay phía dưới tòa nhà.

Tương tự như vậy ở Melbourne (Australia), Paris (Pháp), Vancouver (Canada) là nơi yêu thích để thuê nhà của rất nhiều sinh viên Trung Quốc nhà giàu. Trong khi đó các sinh viên bản địa ở các thành phố nói trên, đa phần chỉ có một món tiền trợ cấp ít ỏi và chỉ dám mua các thương hiệu bình dân, chứ không phải các nhãn hiệu danh tiếng như sinh viên du học Trung Quốc.

Các sinh viên nhà đại gia Trung Quốc đi du học thường có khoản thu nhập có sẵn từ trợ cấp của bố mẹ, khoản tiền khổng lồ mà với nhiều người chỉ dám nghĩ tới trong mơ. Chính vì thế mà họ dễ dàng vung tay với mọi món đồ hiệu yêu thích.

Cô Annabel Yao, 22 tuổi, sinh viên khoa học máy tính Đại học Harvard và là diễn viên múa ba lê. Cô con gái rượu của người sáng lập kiêm CEO hãng công nghệ Huawei, Ren Zhengfei, sống ở Anh, Hong Kong và Thượng Hải. Với Yao, việc thường xuyên mặc đồ xa xỉ rồi đi chu du khắp thế giới là chuyện "dễ như ăn kẹo".

sv-3 3

Chó cưng được Vương Tư Thông mua đồng hồ thông minh đeo ở chân.

Vương Tư Thông, con trai của một trong những người giàu nhất Trung Quốc, ông Vương Kiện Lâm. Vương Tư Thông học ngành triết học tại UCL ở London, nổi tiếng ở xứ sương mù bởi mua 8 chiếc điện thoại Iphone và đồng hồ Apple mạ vàng cho cún cưng của mình đeo.

Chưa hết, anh này còn bỏ ra 80 triệu bảng Anh (khoảng 2.400 tỷ đồng) mua căn biệt thự ở Kensington, London, Anh để sống cho thoải mái khi tới đây học.

Mỗi năm, trung bình mỗi sinh viên nhà giàu Trung Quốc tốn cho mua sắm là 28.236 bảng Anh (khoảng gần 850 triệu đồng), chưa kể các chi phí điện nước, ăn ở của họ. Mỗi sinh viên nhà đại gia sẽ có khoảng 3 người nhà tới thăm mỗi năm và chắc chắn những người thân của họ cũng sẽ đi mua sắm cùng con.

Vì thế sinh viên và gia đình giàu có của họ luôn là khách hàng mục tiêu của các thương hiệu lớn”, bà Melody Yeh, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Recenting Communications, một công ty có trụ sở tại London chuyên nghiên cứu về bán lẻ Trung Quốc cho biết.

sv-6 5

Vương Tư Thông và căn nhà trị giá hàng nghìn tỷ đồng mua ở Anh.

Sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng 40% sinh viên quốc tế ở Anh, khoảng 33% số sinh viên quốc tế ở Mỹ và Canada.

Cho con đi du học là mục tiêu chính của các gia đình đại gia Trung Quốc và cả các gia đình trung lưu nước này. Một cuộc khảo sát mới đây do quỹ Giáo dục Kai Tak cho thấy, 83% triệu phú Trung Quốc muốn con đi du học nước ngoài – đa số muốn con đi học ở các nước phương Tây.

Ước tính của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, có hơn 100 triệu người Trung Quốc đang ở top 10% người giàu nhất thế giới.

Số lượng sinh viên Trung Quốc đổ dồn sang các thành phố của Mỹ và châu Âu du học tạo ra một ngành công nghiệp nhắm vào tiếp thị hàng hóa và dịch vụ cho riêng họ. Các website như Red Scarf hoàn toàn được viết bằng tiếng Quan thoại để tư vấn cho sinh viên Trung Quốc đang đi du học nơi nào có thể mua hàng.

Anh Tao Liang ra mắt trang bán hàng vào năm 2012 khi còn là một sinh viên ở New York. Nhờ cách tiếp thị nhắm vào sinh viên nhà giàu Trung Quốc mà trang của anh có tăng trưởng phi thường với hơn 3,5 triệu người theo dõi trên weibo, và hơn 850.000 trên Wechat.

Tháng 6 năm ngoái, chỉ trong 6 phút, anh Liang giúp một công ty đồ da Italy bán lượng bán được 3,24 triệu nhân dân tệ tiền túi xách. Năm 2017, trong vòng 12 phút, anh bán được 1,2 triệu tiền túi giúp một công ty xa xỉ phẩm Pháp.

sv-4 3

Nhà giàu Trung Quốc luôn có mục tiêu đưa con ra nước ngoài du học.

“Cách tốt nhất để thu hút sinh viên Trung Quốc là nhắm vào các KOL (người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực nào đó) của Trung Quốc đang sống ở Anh hoặc Mỹ. Những người này có rất nhiều người theo dõi, rất nhiều fan nên khi KOL khen sản phẩm nào, sản phẩm đó sẽ bán chạy.

Điều quan trọng nữa là phải quảng bá hàng hóa trên Weibo, WeChat và Little Red Books, những mạng xã hội mà sinh viên Trung Quốc hay sử dụng hơn là Instagram hay Twitter”, bà Melody Yeh nhận định.

Cách tiếp cận sinh viên Trung Quốc thông qua Weibo, WeChat còn không chỉ giúp các thương hiệu bán chạy ở thị trường trong nước mà còn tăng doanh số của họ ở thị trường Trung Quốc.

Bà Yeh cũng đưa ra lời khuyên cho các công ty, hãy làm nội dung bán hàng, quảng cáo càng bản địa hóa càng tốt khi nhắm vào các thượng đế Trung Quốc. Hãy đẩy mạnh quảng cáo vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày độc thân, Tuần lễ vàng.

“Các sinh viên Trung Quốc du học sống ở Anh hoặc Mỹ nhưng họ vẫn ăn mừng các dịp này nên các chiến dịch bán hàng nhắm vào các sự kiện đó sẽ kích thích họ mua hàng hơn”, bà Yeh nói.

Gia An
Bình luận
vtcnews.vn