Sinh viên lên thư viện theo “mùa”

Giáo dụcChủ Nhật, 03/04/2011 09:00:00 +07:00

(VTC News) – Qua khảo sát nhiều thư viện, tình trạng SV đến thư viện rất không đồng đều, và chủ yếu là các tân SV.

(VTC News) – VTC News đã có bài phản ánh tình trạng vắng SV trong thư viện. Tiếp tục khảo sát nhiều thư viện khác, chúng tôi thấy tình trạng sinh viên đến thư viện hàng ngày rất không đồng đều, và chủ yếu là các sinh viên năm nhất, thứ 2 mới đến thư viện.

Thư viện của sinh viên năm nhất và hai?

Chúng tôi trở lại Phòng phục vụ bạn đọc (PVBĐ) ĐH KHXH&NV - KHTN vào dịp sinh viên chuẩn bị bước vào thời gian thi giữa kỳ. Theo chúng tôi quan sát, so với khoảng nửa tháng trước đó số lượng sinh viên đến thư viện học bài đã bắt đầu có phần tăng lên.

 Chăm chỉ lên thư viện hơn tập trung vào sinh viên năm nhất và hai (Ảnh chụp 10 giờ sáng 31.3 tại Phòng PVBĐ Thượng Đình, trường ĐH KHXH&NV)

Thời gian thư viện đông sinh viên nhất là vào tầm giữa trưa, sinh viên không chỉ tranh thủ để ôn tập thêm bài vở mà còn tranh thủ chút thời gian để nghỉ ngơi bằng vài hộp sữa, chai nước ngọt, bánh mỳ…

Khi chỉ còn khoảng 5 – 10 phút trước giờ vào tiết học buổi chiều (13 giờ), nhiều sinh viên bắt đầu đứng dậy chuẩn sắp xếp sách vở rời khỏi thư viện. Theo khảo sát, chúng tôi ghi nhận đa phần sinh viên thường xuyên lên thư viện hàng ngày này tập trung là năm nhất, năm hai, hiếm hoi một vài sinh viên năm ba và năm tư.

Bắt chuyện với sinh viên Đinh Thị Minh Nguyệt, năm nhất khoa Đông Phương, em cho biết: “Mỗi khi có nhiều bài tập hoặc gần kiểm tra một môn nào đó em hay lên thư viện, nhất là phòng tự học”. Cũng theo Nguyệt, sinh viên chăm chỉ học ở thư viện chủ yếu năm nhất và năm hai, còn hai năm cuối ít hơn nhiều, trừ khi phải tìm tài liệu làm Luận văn, Nghiên cứu khoa học.

Sau vài giờ nghỉ trưa, sinh viên rời thư viện tới giảng đường (Ảnh chụp lúc 12 giờ 50 tại Phòng PVBĐ Thượng Đình, trường ĐH KHXH&NV) 

Hỏi thêm ý kiến một số sinh viên các trường khác, Quốc Hiệu, khoa Toán – Tin, ĐH KHTN cho rằng: “Hai năm đầu sinh viên chủ yếu học các môn đại cương nên nặng nề hơn, cần đọc thêm nhiều tài liệu. Còn năm thứ 3, thứ 4 học các môn chuyên ngành thời gian thực hành cũng nhiều hơn, do vậy không cần thiết lên thư viện nhiều”.

Hiệu cũng nói thêm, hiện các dạng bài tập thầy cô ra khá quen thuộc và có nhiều lời giải sẵn trên mạng. Sinh viên có thể xáo xào một ít vì cho rằng thầy cô sẽ khó phát hiện khi phải chấm một lúc gần 100 bài tiểu luận. Điều này cũng là nguyên nhân khiến sinh viên lười đến thư viện tìm kiếm tài liệu.

Còn với Nguyên Cương, sinh viên năm cuối ĐH Công Nghệ lại nghĩ: “Sinh viên năm nhất, năm hai còn khá chăm chỉ và còn giữ một phần cách học “ghi chép đầy đủ” như hồi ở cấp 3, chưa bị phân tán nhiều bởi các mối quan hệ xung quanh như việc làm, bạn bè… nên các em còn ý thức được việc học và tham khảo tài liệu trên thư viện”.

Mở cửa theo “mùa vụ”

Nhìn nhận lượng sinh viên đến thư viện không đồng đều, nhiều thư viện sắp xếp lịch mở cửa theo ngày, theo tháng phù hợp phục vụ nhu cầu bạn đọc. Trong đó, thư viện ĐHQGHN thời gian phục vụ được phân rõ: lịch mở cửa thường nhật và lịch mở cửa thời gian ôn thi đầu kỳ, cuối kỳ. Đồng thời tăng thêm giờ phục vụ chủ yếu vào các tháng 1, 5, 6 và 12, đây cũng là các tháng cao điểm sinh viên bước vào thời kỳ ôn thi kết thúc môn học.

Nhiều thư viện cũng trong tình trạng vắng sinh viên những ngày thường nhật (Ảnh chụp lúc 9 giờ 30 ngày 28.3 tại thư viện Học viện Báo chí & Tuyên truyền) 
Vào các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, bên cạnh một số thư viện đóng cửa không làm việc vẫn có nhiều trường mở cửa phục vụ sinh viên. Tuy nhiên, các phòng đọc và thời gian mở cửa cũng được hạn chế do lượng sinh viên ít hơn các ngày thường. Ví dụ, Phòng đọc chuyên ngành, thư viện ĐH Bách Khoa từ thứ 2 đến thứ 6 mở cửa từ 8h đến 20h45, thứ 7 và chủ nhật chỉ mở đến 15h45. Phòng PVBĐ KTX Mễ Trì (182 Lương Thế Vinh), chủ nhật chỉ mở buổi sáng từ 8 – 12h.

 Sinh viên đến thư viện không đều đặn, khiến một số nhân viên thủ thư “lơ là” với công việc (Ảnh chụp tại phòng đọc báo và tạp chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lúc 9 giờ 30 ngày đầu tuần 28.3)

Ngày thường, nhiều thư viện chỉ lác đác một vài sinh viên lui tới cũng là một trong những lí do khiến cho một số nhân viên thư viện “lơ là” trách nhiệm của mình. Như phòng đọc báo và tạp chí, Học viên Báo chí và Tuyên truyền, vào thời điểm 9h30 sáng thứ 2 (28/3), trong phòng đọc chúng tôi quan sát được chỉ có 2 – 3 sinh viên đến đọc sách báo. Có lẽ vì đã quen với việc “vắng bóng” cô thủ thư, sinh viên “biết ý” để thẻ bạn đọc bên cạnh tấm biển “Đề nghị xuất trình thẻ sinh viên”.

Ngược lại vào cận kề mùa thi cảnh chen lẫn để có một chỗ ngồi trong thư viện là điều dễ bắt gặp ở nhiều thư viện. Điều này cho thấy, sinh viên hiện nay mới chỉ nhận thức được một phần rất nhỏ tầm quan trọng của các thư viện, sử dụng thư viện chủ yếu để phục vụ cho những ngày thi cử cuối kỳ. Do vậy, để  nâng cao ý thức và dùng thư viện đúng mục đích, ban lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, lãnh đạo thư viện, các thầy cô giáo cần có nhiều biện pháp thiết thực, tạo ra sức ép tự học và nghiên cứu cho sinh viên.

Nguyễn Lê

 

Bình luận
vtcnews.vn