Là sinh viên khoa Sử nhưng hiểu biết ngây ngô, nhận thức mơ hồ về lịch sử

Giáo dụcThứ Năm, 13/06/2019 09:33:00 +07:00

Nhiều sinh viên học chuyên ngành Sử ở bậc đại học nhưng lại rất non kém về kiến thức lịch sử, lơ mơ về nhận thức lịch sử là một thực tế đau lòng.

Tôi có rất nhiều anh chị em, bạn bè đồng nghiệp môn Sử ở nhiều trường phổ thông cũng như các trường đại học trên toàn quốc, nên chúng tôi vẫn thường xuyên có sự quan tâm, tương tác và sẻ chia về chuyên môn, đồng cảm với nhiều chuyện vui buồn về Sử.

Chuyện học sinh phổ thông nhiều năm nay có những hiểu biết ngây ngô về lịch sử trong các cuộc thi và sân chơi truyền hình không còn xa lạ. Nhưng việc có nhiều sinh viên học chuyên ngành Sử ở bậc đại học nhưng lại rất non kém về kiến thức lịch sử, lơ mơ về nhận thức lịch sử là một thực tế đau lòng.

Một đồng nghiệp môn Sử của tôi đang giảng dạy trong khoa Sử của 1 trường đại học lớn tại thủ đô Hà Nội đã xót xa than vãn thực tế đó mà có lẽ nhiều người khi nghe sẽ rất khó tin. Trong nhiều lần kiểm tra vấn đáp môn Sử cuối kỳ cho sinh viên, đồng nghiệp của tôi ngao ngán trước nhiều câu trả lời mà học sinh phổ thông vẫn có thể trả lời đúng.

Những câu trả lời cười ra nước mắt

Có bạn sinh viên chấp nhận đón nhận điểm 0 môn Sử thay cho phần trả lời câu hỏi với lý do không hề học bài khi phải thi vấn đáp trực tiếp. Với góc độ là một giáo viên Sử thì tôi cho rằng cho rằng bạn sinh viên ấy rất đáng trách vì ý thức học môn Sử quá kém. Hay nói cách khác, bạn ấy dốt Sử vì nhác học và căn nguyên là thuộc về ý thức.

Có bạn sinh viên “nổ” rất trơn tru, “chém gió” rất trôi chảy về các cuộc cải cách ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Đợi bạn ấy trình bày xong, giáo viên hỏi lại là em có thể kể tên một vài nhà cải cách tiêu biểu được không? Bạn sinh viên ấy đã “vò đầu, bứt tai” một hồi rồi hồn nhiên trả lời là nhà cải cách Lê Hữu Trác.

Giáo viên hỏi lại: Em đã chắc chắn có phải đó là câu trả lời đúng? Bạn sinh viên trả lời: Chắc chắn thầy ạ.

Có một bạn sinh viên khi nói về Mặt trận Việt Minh rất hùng hồn. Nhưng khi giáo viên hỏi: Em có thể nói rõ hơn về thành phần tham gia Mặt trận Việt Minh là các giai cấp, tầng lớp nào thì bạn sinh viên ấy trả lời là các văn thân, sỹ phu yêu nước.

Lại có sinh viên nói rất hùng hồn về 2 phe "chủ chiến" và “chủ hòa” sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Khi giáo viên hỏi lại bạn sinh viên ấy: Em hãy kể tên một vài người tiêu biểu cho phe “chủ chiến”, bạn ấy trả lời là Phan Bội Châu và Phan chu Trinh.

Lại hỏi và nói về 2 phe “chủ chiến”, “chủ hòa”, một bạn sinh viên đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: các quan văn nhiều chữ thuộc phe “chủ hòa”, các quan võ kế thừa truyền thống nên thuộc phe "chủ chiến".

Khi giáo viên hỏi đến phần kiến thức về các chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có bạn sinh viên đã trình bày rằng: Sự phân hóa giai cấp xã hội ở Việt Nam sau 2 đợt khai thác thuộc địa đó là sự của giai cấp văn thân, sỹ phu và trí thức.

Một sự kiện lịch sử nổi bật trong tiến trình lịch sử Việt Nam thời cận đại mà tất cả các học sinh từ tiểu học, đến THCS lên THPT đều được học, đều được biết và thường nhớ là năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Vậy mà có bạn sinh viên khoa Sử vẫn cứ hồn nhiên “mặc định” mốc thời gian là Pháp xâm lược Việt Nam từ thế kỷ XVI.

Trong phần Lịch sử Việt Nam hiện đại của chương trình và nội dung sách giáo khoa phổ thông hiện hành cũng như giáo trình đại học hiện nay, một kiến thức lịch sử nổi bật gắn liền với một nhân vật lịch sử nổi bật là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với quá trình hoạt động cách mạng và công lao to lớn của Người với dân tộc.

Cùng với kiến thức sách vở được học trên ghế nhà trường là các ngày lễ kỷ niệm được đề cập, tuyên truyền qua rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng như: Ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra nước ngoài tìm đường cứu nước ( 5/6/1911); ngày thành lập Đảng CSVN( 3/2/1930); ngày Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài (1911-1941); ngày Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” 2/9/1945... 

Tuy nhiên, khi được giáo viên kiểm tra vấn đáp về Nguyễn Ái Quốc, vẫn có bạn sinh viên “nổ” rằng: Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1931 và 1936-1939.

Sinh viên khoa Sử nhác Sử hay dốt Sử?

Xâu chuỗi nhiều sai sót của các sinh viên chuyên ngành Sử từ thông tin của các đồng nghiệp, tôi thấy các em thường mắc lỗi xoay quanh 3 vấn đề nổi bật: Thời gian và không gian của sự kiện, nhân vật lịch sử của sự kiện và khái niệm lịch sử.

Thiết nghĩ, nếu bây giờ các đồng nghiệp môn Sử của tôi đang giảng dạy các khoa Sử (nhiều trường đại học hiện nay không còn tên khoa Lịch sử, mà được "hóa thân" vào 1 ngành tổng hợp các bộ môn khoa học xã hội) khi kiểm tra, đánh giá sinh viên bằng hình thức kiểm tra, thi vấn đáp cuối kỳ, cuối năm thì sẽ phát hiện rất nhiều sinh viên chuyên ngành Sử nhưng kém Sử.

Sự non kém về kiến thức lịch sử thường được bộc lộ với những câu trả lời “cười ra nước mắt” bởi sự “sáng tạo” ra những kiến thức lịch sử “mới” sẽ không phải là cá biệt. Có nhiều kiến thức lịch sử rất phổ thông, rất cơ bản trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông theo “chương trình đồng tâm” được lặp đi, lặp lại nhiều lần từ tiểu học đến THCS lên THPT nhưng nhiều sinh viên chuyên ngành Sử vẫn sai thì đúng là đau lòng. Rõ ràng, chúng ta cần phải xem lại 2 thực tế: Chất lượng đầu vào của sinh viên chuyên ngành Sử của một số trường đại học hiện nay và khả năng học Sử của họ là có vấn đề.

Tôi cho rằng, sai sót về kiến thức lịch sử của sinh viên chuyên ngành Sử là rất nguy hại. Nhưng nếu sai lầm về nhận thức lịch sử sẽ là nguy hiểm hơn nhiều. Sinh viên Sử nhưng lười biếng học Sử, đọc Sử nên yếu kém về Sử cũng là chuyện bình thường. Sinh viên chuyên ngành Sử nhưng học và tư duy khoa học theo kiểu võ đoán, "trắc nghiệm", hay “sáng tạo” ra các sự kiện, nhân vật lịch sử thì “lỗi” này sẽ tạo nên cách hành xử vô tình xuyên tạc, bóp méo nhiều sự kiện lịch sử dẫn đến có "tội" với Lịch sử, với các bậc tiền nhân đã làm nên lịch sử.

Những hiểu biết ngây ngô, những nhận thức mơ hồ và cả sự khẳng định, mặc định một cách rất "hồn nhiên" về kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc nếu không được "phát lộ" thì sẽ tạo nên nhiều hệ lụy tai hại. Trước đây, chủ yếu học sinh phổ thông được kiểm tra, đánh giá chủ yếu bằng hình thức thi tự luận nên đã có nhiều giáo viên phát hiện ra nhiều bài thi lịch sử "cười ra nước mắt". Sinh viên đại học bây giờ nếu sử dụng nhiều hình thức thi vấn đáp môn Lịch sử sẽ càng giúp nhiều giáo viên có năng lực và tâm huyết giáo viên phát hiện ra nhiều câu trả lời của sinh viên cũng "cười ra nước mắt".

Lẽ nào, thế hệ trẻ bây giờ dốt Sử là "chuyện thường ngày ở huyện" và sinh viên chuyên ngành Sử ngày nay kém Sử là chuyện chưa đáng để chúng ta phải trăn trở hay sao?

Hạnh Đức
Bình luận
vtcnews.vn