Sinh viên cần gì để có mức lương 2.500 USD/tháng?

Giáo dụcThứ Bảy, 15/04/2017 19:32:00 +07:00

Chuyên gia tuyển dụng đã bật mí kinh nghiệm để sinh viên khi ra trường có công việc nhận lương 2.500 USD/tháng.

Những sinh viên xuất sắc nhất cuộc thi lập trình xe không người lái - “Cuộc đua số” năm 2016 - 2017 đã cùng tham dự sự kiện Open Camp tại làng phần mềm FPT Hòa Lạc (Hà Nội) và Tân Thuận (TP.HCM), với chủ đề “Nền tảng hôm nay - Vững bước tương lai”.

Tham gia Open Camp, các sinh viên đã được nghe các diễn giả đến từ các doanh nghiệp công nghệ (FPT, Uber), startup (Sendo), công ty về tuyển dụng (Navigos) chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn và định hướng nghề nghiệp; đồng thời được trang bị những kiến thức nền tảng về công nghệ và kỹ năng mềm để phục vụ cho học tập cũng như trong công việc.

Hinh anh Sinh vien can gi de co muc luong 2.500 USD/thang? 4

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng bộ phận tuyển dụng ngành ICT - Navigos Search Hà Nội chia sẻ với các sinh viên về xu hướng tuyển dụng nhân sự ngành CNTT tại Việt Nam hiện nay và các kỹ năng mà các doanh nghiệp thường đòi hỏi ở các ứng viên.  

Dưới góc nhìn của một công ty chuyên về tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng bộ phận tuyển dụng ngành ICT - Navigos Search Hà Nội đã cung cấp cho các sinh viên bức tranh tổng quát về xu hướng tuyển dụng, mức lương và chế độ đãi ngộ trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay cũng như những kỹ năng mà các công ty công nghệ thường yêu cầu đối với các ứng viên.

Bà Hương cho biết, theo báo cáo Navigos Search trong Quý I/2017, CNTT nằm trong Top 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay. Trong 3 năm từ 2013 đến 2016, số lượng việc làm ngành CNTT đã tăng gấp đôi, từ khoảng gần 7.000 vị trí việc làm đăng tuyển năm 2013 lên con số gần 15.000 vị trí việc làm đăng tuyển năm 2016.

Mỗi năm nhu cầu nhân lực ngành CNTT tại Việt Nam là khoảng từ 80.000 -100.000, trong khi đó số sinh viên CNTT tốt nghiệp ra trường hàng năm chỉ khoảng 30.000 người.

Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 thành phố có nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT cao nhất cả nước. Hai thành phố này cũng nằm trong Top 20 thành phố có nhu cầu dịch vụ IT Outsourcing lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, số lượng nhu cầu tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm chiếm tới 80%. Báo cáo thống kê của Navigos Search cũng cho thấy, 48% nhu cầu việc làm CNTT hiện nay là cho outsourcing và 41% cho product.

Video: Nam sinh Bách khoa lương 60 triệu chia sẻ kinh nghiệm nhận lương 2.000 USD/tháng

Cũng theo bà Hương, về lương và chế độ đãi ngộ của nhân sự ngành CNTT, theo số liệu của Navigos Search, khoảng 50% nhân sự ngành CNTT có mức lương ở trong khoảng từ 251 – 500 USD/tháng.

Đặc biệt, trong ngành CNTT, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng các vị trí nhân sự với yêu cầu ít nhất từ 2 - 3 năm kinh nghiệm. Một số chứng chỉ quan trọng trong tuyển dụng CNTT là Agile, Amazon, Cisco, Microsoft…

Bà Hương cho hay, có tới 70% sinh viên mới ra trường phải đào tạo thêm vì thiếu kỹ năng thực hành, hơn 40% thiếu kỹ năng làm việc nhóm.

“Hiện nay các công ty đã thay đổi, đưa ngoại ngữ lên thành ưu tiên hàng đầu khi tuyển dụng”, bà Hương nói.

Cũng theo đại diện Navigos Search Hà Nội, bên cạnh việc những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp, các bạn sinh viên cũng cần trang bị cho mình các kỹ năng khác như giải quyết vấn đề, thích ứng và cập nhật công nghệ mới, tự học.

Bà Hương chia sẻ thêm: “Theo báo cáo của Navigos thì ở Việt Nam chưa có ai vừa ra trường đã đạt được mức lương 2.000 USD/tháng. Các bạn sinh viên có bằng giỏi, tham gia nhiều cuộc thi, đạt nhiều giải, ngoại ngữ tốt, tôi có thể giới thiệu ngay một vị trí việc làm với mức lương 2.500 USD/tháng”.

 Từ trái qua phải: Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Sàn thương mại điện tử Sendo.vn và bà Phạm Trang Phương Dung - Giám đốc Uber TP.HCM.

Cũng tại sự kiện Open Camp, bà Phạm Trang Phương Dung - Giám đốc Uber TP.HCM đã đề cập đến việc các ứng viên đi theo con đường không phải là thế mạnh của mình, đại diện đến từ Uber TP.HCM cho biết bản thân bà cũng là một người học Toán nhưng lại làm về tài chính và sau đó lại vào làm tại Uber - một công ty công nghệ.

“Các bạn có thể thử nhiều việc nhưng trong quá trình đó bạn sẽ phải tự thay đổi và học hỏi thêm nhiều kỹ năng. Và ngay cả khi các bạn là chuyên gia thì trong quá trình làm vẫn cần phải không ngừng học hỏi, trau dồi thêm các kiến thức, kỹ năng. Khi còn học ở nhà trường, các bạn đừng bao giờ mặc định là mình phải theo con đường nào cả. Quan trọng là bạn thích làm gì và theo đuổi đam mê”, bà Phương Dung chia sẻ.

Giám đốc Uber TP.HCM cũng khuyên các bạn sinh viên trước khi làm thầy thì nên làm thợ.

“Bill Gate đã từng coding lúc 12 tuổi. Các bạn sinh viên nếu muốn đi làm startup thì cũng nên học hỏi đã. Startup không có nghĩa là tự thành lập 1 công ty của mình mà có thể là làm ở 1 công ty startup”.

Với những bạn trẻ đang nung nấu khát vọng khởi nghiệp, ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Công ty Sen Đỏ cũng đã tiết lộ bí quyết khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và làm thế nào để có chỗ đứng trên thị trường trước sự tham gia ồ ạt của doanh nghiệp nước ngoài.

 Tiến sĩ Bùi Kiên Cường, Kiến trúc sư giải pháp của FPT Software đã chia sẻ với sinh viên những kiến thức công nghệ và quá trình phát triển sự nghiệp theo định hướng công nghệ.

Từng làm việc ở Amazon Web Services - công ty chuyên về mảng cloud của tập đoàn Amazon (Mỹ), Tiến sĩ Bùi Kiên Cường, Kiến trúc sư giải pháp của FPT Software đã chia sẻ với sinh viên những kiến thức công nghệ, kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn ở trong và ngoài nước…

Ông Cường khuyên các bạn sinh viên phải luôn luôn học hỏi: “Dù làm nghề gì, khi bạn học và đạt đến đỉnh cao của nó thì cũng sẽ nhận được đại ngộ xứng đáng. Các bạn trẻ nếu có định hướng sẽ trở thành một chuyên gia thì cần phải đi vào chuyên sâu và đặc biệt là phải giỏi tiếng Anh bởi đó là chính là cánh cửa mở ra thế giới”.

Ngoài ra, tại sự kiện Open Camp, các sinh viên xuất sắc nhất cuộc thi “Cuộc đua số” năm 2016 - 2017 còn được thăm quan, khám phá và tìm hiểu về một số khu làm việc của FPT tại Hòa Lạc (Hà Nội) và Tân Thuận (TP.HCM).

“Cuộc đua số” là cuộc thi công nghệ được FPT tổ chức thường niên từ năm 2016 - 2017. Trong năm đầu tiên được tổ chức, cuộc thi “Cuộc đua số” năm 2016 - 2017 có chủ đề “Xe không người lái”. Diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, đây là cuộc thi lập trình điều khiển xe không người lái và đua xe trên sa hình mô phỏng đường phố thật tại Việt Nam.

Cuộc thi đã thu hút hơn 500 thí sinh từ 26 trường đại trên cả nước tham dự. Sau 8 trận thi đấu vòng loại tại các trường đại học trên toàn quốc (từ ngày 9/1 - 18/1), 8 đội thi xuất sắc nhất đến từ ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH FPT, ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM), Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Lạc Hồng đã lọt vào vòng chung kết.

8 đội thi giành quyền vào vòng chung kết “Cuộc đua số” đã được FPT trang bị xe ô tô mô hình, các thuật toán cơ bản… để lập trình xe không người lái. Hiện các đội thi đang gấp rút hoàn thiện giải thuật điều khiển xe không người lái để chuẩn bị cho đêm chung kết toàn quốc dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 5/2017.

Vân Anh
Bình luận
vtcnews.vn