Sim sinh viên kích hoạt sẵn giá rẻ bán tràn lan

Kinh tếThứ Sáu, 07/10/2016 17:30:00 +07:00

Với giá chỉ từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng, người mua có thể sở hữu thẻ sim gói cước sinh viên mà không cần thêm bất kỳ thủ tục nào khác.

Hiện nay, hầu hết nhà mạng lớn tại Việt Nam như Mobifone, Vinaphone, Viettel, Vietnamobile đều đưa ra gói cước sinh viên - ưu đãi về cuộc gọi, tin nhắn, tặng tiền khuyến mãi và dung lượng miễn phí hàng tháng dành cho những ai đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, cao đẳng… Để có thể sử dụng gói cước này, bắt buộc người dùng phải là sinh viên và phải đến trung tâm của nhà mạng, xuất trình thẻ sinh viên để đăng ký.

Nhưng trên thực tế, việc sở hữu một sim sinh viên hiện không khó, và cũng không cần phải thỏa mãn điều kiện trên. Tại TP HCM, các quầy bán loại sim này tập trung tại các khu công nghiệp, cổng trường đại học…

Một quầy hàng bán sim sinh viên công khai trên đường Trường Chinh.

Một quầy hàng bán sim sinh viên công khai trên đường Trường Chinh.

"Tôi được một người bạn cùng chỗ trọ chỉ cho mua sim sinh viên để nghe gọi. Bạn ấy nói rằng, sim này giá chưa tới 100.000 đồng nhưng có nhiều ưu đãi. Sau khi tham khảo từ người bán, tôi cũng thấy hợp lý và mua để dùng như sim phụ khi cần", Như Ngọc, công nhân một công ty may tại khu công nghiệp Tân Bình, cho biết.

"Được tặng 30.000 đồng mỗi tháng, 35 MB dung lượng 3G mà giá chưa đến 100.000 đồng. Tính ra là quá rẻ", Nguyễn Hân, bạn đi cùng Ngọc, nói thêm.

Hân và Ngọc chỉ là 2 trong số rất nhiều người dùng tìm mua sim sinh viên vỉa hè. Những người này chủ yếu là công nhân, người dân lao động, sinh viên đã đăng ký sim này nhưng muốn có thêm một chiếc nữa cùng mạng để nghe gọi. Theo họ, việc có nhiều ưu đãi hơn so với sim thường, như tặng tiền và dung lượng hàng tháng, đăng ký các gói cước nghe gọi với giá rẻ hơn mà không cần phải làm nhiều thủ tục là yếu tố khiến họ tìm đến các quầy hàng vỉa hè.

Tại những đường như Điện Biên Phủ (quận 3), Trường Chinh (quận Tân Bình), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… không thiếu những quầy nhỏ bày bán công khai sim khuyến mãi, sim sinh viên, bán sim tặng điện thoại. Thậm chí, một đoạn đường ngắn nhưng có đến 2 - 3 quầy, thi nhau mời chào khách hàng mua sim.

Sau khi ngỏ ý muốn mua sim sinh viên, người bán là một phụ nữ đứng tuổi đon đả: "Mua đi chú, sim sinh viên giá rẻ, thời hạn 4 năm tha hồ sử dụng mà giá chỉ 90.000 đồng thôi. Mỗi tháng được tặng 30.000 đồng, tính ra 4 năm là lời rồi". Khi nói rằng mình không phải là sinh viên, người bán nhấn mạnh "sim đã được đăng ký sinh viên sẵn, chỉ việc dùng thôi".

Khi được hỏi về nguồn gốc và lo ngại sim sẽ bị "cắt" (hủy gói cước) sinh viên và trở thành sim thường, người này khẳng định chắc chắn rằng: "chị có người quen làm ở nhà mạng nên yên tâm về chất lượng, chị bán ở đây mấy năm rồi nên nếu có sự cố cứ ra quầy, sẽ được đổi lại".

Theo quan sát, những chiếc sim được bó thành từng bó, phân loại 10 số và 11 số, chủ yếu là sim Viettel, Mobifone và Vinaphone. Không chỉ sim sinh viên, người này còn bán cả sim gói cước học sinh.

Theo người phụ nữ bán sim, sim sinh viên 11 số nhà mạng Viettel có giá từ 120.000 đồng, trong khi sim Vinaphone, Mobifone có giá từ 90.000 đồng. Nếu chọn sim 10 số, khách hàng cộng thêm 20.000 đồng vào giá bán. Còn sở dĩ sim của nhà mạng Viettel đắt hơn là do "làm" (tức kích hoạt gói cước sinh viên) khó hơn so với sim Vinaphone, Mobifone.

Thử mua một sim sinh viên mạng Mobifone kiểm tra tài khoản, số tiền trong tài khoản chính là 0 đồng, tài khoản khuyến mãi sử dụng nội mạng là 30.000 đồng. Khi kiểm tra thông tin qua đầu số 1414, tin nhắn trả về là một người đăng ký chứng minh nhân dân ở An Giang.

Thông tin về một chiếc sim sinh viên sau khi mua.

Thông tin về một chiếc sim sinh viên sau khi mua.

Thực tế, không ít trường hợp người dùng nhận "quả đắng" vì mua sim này. Chị Lệ Phương, một công nhân khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết, cách đây 6 tháng, chị mua một sim sinh viên mạng Viettel về dùng, nhưng chỉ sau 3 tháng, nó đã biến thành sim thường và bị khóa vì hệ thống phát hiện chủ thuê bao không phải sinh viên.

Anh Huỳnh Phi (quận Bình Tân), làm nghề lái xe, kể lại rằng, sim anh mua cũng đã bị cắt gói cước sinh viên và bị khóa với lý do tương tự như trường hợp của chị Phương. Tuy nhiên, anh đã sử dụng thẻ sim này hơn một năm trước khi bị khóa.

Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 25/7 đã có văn bản gửi Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), yêu cầu quản lý chặt thuê bao di động trả trước. Trong đó, Bộ yêu cầu phải đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khi mua sim. Ngoài ra, các công ty viễn thông phải đưa ra phương án, thu hồi toàn bộ sim thuê bao đã đăng ký sẵn thông tin trước ngày 31/12/2016.

(Nguồn: VnExpress)
Bình luận
vtcnews.vn