Siêu lừa Huyền Như: 'Vay vì sợ bị giang hồ đập vỡ mặt'

Pháp luậtThứ Ba, 07/01/2014 12:31:00 +07:00

(VTC News) – Siêu lừa Huyền Như trả lời rành rọt do sợ chủ nợ đập vỡ mặt vì thiếu tiền quá nhiều, nên mới ‘nhắm mắt’ đi vay tiền.

(VTC News) – Siêu lừa Huyền Như trả lời rành rọt do sợ chủ nợ đập vỡ mặt vì thiếu tiền quá nhiều, nên mới ‘nhắm mắt’ đi vay tiền để trả.

Sáng 7/1, phiên tòa xét xử ‘đại án’ Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đối tượng đồng phạm tiếp tục với phần thẩm tra, xét hỏi các bị cáo.

Trong cả trọn buổi sáng, Chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu đã dành thời gian để thẩm vấn bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như – chủ mưu của đại án lừa đảo đến 4.000 tỷ đồng.

Khai báo trước tòa, Huyền Như cho biết: Vào thời điểm xảy ra vụ án, Như đã đi vay tiền với lãi suất từ 0.4 đến 1% mỗi ngày, nếu không có tiền để kịp theo thời hạn ấn định của chủ nợ, thì số tiền vay sẽ bị nhân lên thêm từ 3 đến 5%/ngày.

chiếm đoạt, tài sản, tiền.
Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu đang thẩm vấn chủ mưu Huỳnh Thị Huyền Như (Ảnh: N.D) 
Cứ 10 ngày một lần, Huyền Như phải trả tiền lãi cho chủ nợ. Nếu trả không kịp thì số tiền phạt sẽ bị nhân thêm gấp nhiều lần. Ban đầu, Như chỉ vay có 2 tỷ đồng, sau đó vì chuyện này mà Như phải vay thêm 100.000 USD, có lúc 10, 20, 40 tỷ đồng… để trả nợ.

Khi cả số tiền vay và lãi đã bị nhân lên thành một con số khổng lồ, Như nói mình đã bị lâm vào tình trạng vỡ nợ, bối rối mà không biết kiếm đâu ra tiền để trả. Trong khi đó, các chủ nợ như Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thiên Lý (bị truy tố trong cùng vụ án với Như) ngày đêm đòi tiền.

Hai bị cáo Lành và Lý nói rằng, nếu Như không chuẩn bị tiền để thanh toán kịp thời, thì sẽ lên cơ quan của Như làm để quậy. Bản thân Như đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu và bất động sản, nhưng vào thời điểm đó, cả hai loại hình kinh doanh này đều bị ‘đóng băng’, ngưng trệ nên Như lại càng trở nên rối rắm hơn.

Vì sợ chủ nợ làm lớn chuyện, cho giang hồ đập vào mặt nên Huỳnh Thị Huyền Như đã ‘nhắm mắt’ đi vay tiền, làm giả các con dấu, giấy tờ của các ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử rằng: “Khi số tiền nợ đã lên quá nhiều, tại sao bị cáo không tuyên bố phá sản”, Như đã chia sẻ: “Do lo sợ ảnh hưởng đến cơ quan đang làm việc, bản thân thấy xấu hổ nên đã cố gắng cầm cự để trả tiền cho chủ nợ”.

chiếm đoạt, tài sản, tiền.
Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương ra về sau phiên tòa (Ảnh: N.D) 
Vào năm 2010, qua một nhân viên môi giới chứng khoán, Như làm quen được với Phạm Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương, cũng bị truy tố trong cùng vụ án). Cả hai người đã cùng gặp mặt nhau để bàn bạc về cách huy động vốn về cho Vietinbank.

Sau khi đã gửi bản hợp đồng, và có nói rõ với Tuấn về lãi suất trên giấy tờ là 10.49%/năm, nhưng lãi suất chênh lệch thêm là từ 1 – 2%/năm, thêm nữa là phải trả khoản tiền mặt ngoài hợp đồng là 0.04%/ngày, được nhân cho số tiền và số ngày vay thực tế.

Hợp đồng vay đầu tiên, Như thực hiện với Thái Bình Dương thông qua một Trần Hoài Trung (nhân viên môi giới chứng khoán). Từ hợp đồng vay thứ hai thì mới làm việc trực tiếp với Phạm Anh Tuấn.

Tổng số tiền mà Như đã tiếp nhận của Thái Bình Dương là 1.500 tỷ đồng, trong đó chỉ có 80 tỷ đồng là số tiền vay gốc được huy động từ nhiều đợt. Như nợ Thái Bình Dương những lúc cao nhất là khoảng 500 – 600 tỷ đồng.

Việc huy động số tiền cao ngất này được thực hiện từ giữa năm 2010 đến giữa năm 2011 thì chấm dứt. Để hợp thức hoá các giấy tờ, chứng từ đi vay, Như đã làm 8 con dấu giả của các đơn vị Vietinbank huyện Nhà Bè, Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, bảo hiểm toàn cầu, An Lộc... nhưng Huyền Như cũng không nhớ rõ là mình đã sử dụng những con dấu giả này bao nhiêu lần để đóng vào các văn bản có liên quan đến việc vay tiền.

Chiều hôm nay, phiên tòa vẫn tiếp tục làm việc.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn