Siêu dự án 6 tỷ USD ven sông Sài Gòn chưa được phê duyệt

Kinh tếChủ Nhật, 16/07/2017 10:51:00 +07:00

Bộ Tài chính vừa cho ý kiến về chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị quy mô 117ha tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM.

Đây là phản hồi của cơ quan này sau khi TP.HCM có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về việc chấp thuận đầu tư dự án với quy mô theo tính toán của nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, lên tới 9.232 tỷ đồng. 

Theo Bộ Tài chính, với quy mô vốn đầu tư như đề xuất, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ là cơ quan thẩm định dự án trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Mui_den_do_8730_1500098435_LBWK

Mô hình dự án Mũi Đèn Đỏ tại TP.HCM

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đưa ra một vài ý kiến liên quan đến tài chính và tiến độ thực hiện dự án.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng tiến độ dự án đang chậm so với kế hoạch, nhà đầu tư dự kiến khâu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoàn thành trong quý IV/2016, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại thực hiện quý I/2017, triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án vào quý II/2017, hạ tầng xã hội từ quý IV/2017 đến quý I/2018.

Nhưng đến nay chủ trương đầu tư dự án chưa được phê duyệt, nên Bộ Tài chính đề nghị Sài Gòn Peninsula rà soát, tính toán lại tiến độ dự án cho phù hợp.

Về năng lực nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư với dự án quy mô trên 20ha. Như vậy, vốn sở hữu tối thiểu phải có để Sài Gòn Peninsula tham gia dự án khoảng gần 1.400 tỷ đồng.

Theo nội dung thuyết minh phương án tài chính dự án, nhà đầu tư dự kiến góp vốn chủ sở hữu thực hiện dự án khoảng 6.000 tỷ đồng đủ điều kiện về năng lực tài chính thực hiện dự án.  Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư cần bổ sung phương án cam kết góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ thực hiện, làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện góp vốn.

Về cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động vốn thực hiện dự án, theo hồ sơ dự án Sài Gòn Peninsula sẽ huy động từ 3 nguồn: vốn chủ sở hữu từ nhà đầu tư 6.000 tỷ đồng (chiếm 65% tổng vốn đầu tư), vốn vay dự kiến 3.000 tỷ đồng (chiếm 32,5%) và vốn ứng trước của khách hàng 232 tỷ (chiếm 2,5%).

Đến nay, nhà đầu tư đã ký cam kết tài trợ tín dụng với ngân hàng và nhà băng này cũng đã xác nhận cung cấp tín dụng cho nhà đầu tư thực hiện dự án, nhưng cơ quan quản lý cho rằng hiện chưa rõ số tiền cho vay cụ thể. Do vậy, nhà đầu tư cần tiếp tục cụ thể hóa bằng hợp đồng tín dụng, xác định rõ tiến độ và khả năng huy động, lãi suất, thời hạn vay vốn.

Video: Di dời dân khỏi khu vực sạt lở đất tại Hạ Long

Dự án Saigon Peninsula có quy mô 118 ha đã được TP HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư và đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 với các hạng mục công trình phức hợp, gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn, các khu chức năng khác cùng nhiều hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật. 

Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là liên danh giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 2 nhà đầu tư nước ngoài là Pavilion Group và Genting Group đến từ Malaysia. 

Theo VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn