Siêu bão Utor đổ bộ, Hà Nội sẽ lại ngập nặng

Thời sựThứ Hai, 12/08/2013 07:25:00 +07:00

(VTC News) - Đã có dự báo, nếu bão Utor đổ vào Việt Nam có thể gây ngập lụt nặng cho Hà Nội.

(VTC News) - Nhìn lại tình trạng ngập lụt ở Hà Nội sau bão Jebi và Mangkhut, nguy cơ ngập lụt từ một cơn bão cực mạnh như Utor hoàn toàn có thể xảy ra.

Hồi 01 giờ sáng nay, 12/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Lu – Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Ảnh minh họa 
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km, vượt đảo Lu – Dông (Philippin) và đi vào phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Đến 01 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 01 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 230km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17, có mưa rào và giông mạnh. Biển động dữ dội.

Ngoài ra hồi 01 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 250 km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 01 giờ ngày 13/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có giông

Các trung tâm khí tượng của Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam vẫn chưa có sự đồng nhất khi dự báo đường đi siêu bão Utor sau khi tiến vào biển Đông. Tuy nhiên, đã có dự báo nếu bão Utor đổ vào Việt Nam có thể gây ngập lụt nặng cho Hà Nội.

Nhìn lại tình trạng ngập lụt cục bộ nhiều đường phố, khu dân cư ở Hà Nội sau cơn bão số 5 (bão Jebi) và số 6 (bão Mangkhut), thì nguy cơ ngập lụt lớn từ một cơn bão mạnh như Utor là hoàn toàn có thể xảy ra.




Diệp Vy
Bình luận
vtcnews.vn