Sếp tập đoàn nhận lương bao nhiêu?

Kinh tếThứ Sáu, 06/07/2012 06:27:00 +07:00

(VTC News) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo nghị định quy định mức lương cơ bản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.


(VTC News) -Lương cơ bản của chủ tịch hội đồng thành viên chuyên trách công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu dự kiến từ 23-36 triệu đồng/tháng.


Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo nghị định quy định mức lương cơ bản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo đó, các thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu sẽ là những đối tượng thuộc diện điều chỉnh của nghị định.

Theo nội dung dự thảo, quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý, điều hành được xây dựng trên cơ sở mức tiền lương cơ bản, số lượng và tổng số tháng thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành của của các viên chức quản lý, điều hành trong năm. Trong đó, mức thấp nhất là 15 triệu đồng/tháng, áp dụng cho kế toán trưởng công ty, và cao nhất là 36 triệu đồng/tháng, áp dụng cho chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn.

Lương tối cao nhất của lãnh đạo tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng 
Đối với các chức danh tổng giám đốc, giám đốc, thành viên hội đồng thành viên dao động từ 17 - 34 triệu đồng/tháng.

Theo dự thảo, Quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý, điều hành được xây dựng trên cơ sở mức tiền lương cơ bản, số lượng và tổng số tháng thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành của của các viên chức quản lý, điều hành trong năm.

Mức lương cơ bản của các viên chức quản lý, điều hành làm cơ sở xây dựng quỹ tiền lương kế hoạch gắn với hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước so với thực hiện của năm trước liền kề.

Theo đó, những công ty có hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bằng thực hiện của năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch bằng mức lương cơ bản được quy định theo các mức: chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn 36 triệu đồng/tháng, tổng giám đốc 34 triệu, kế toán trưởng 26 triệu...

Đối với công ty có hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước cao hơn thực hiện của năm trước liền kề thì lương kế hoạch tăng nhưng tối đa không vượt quá 1,2 lần so với mức lương cơ bản.

Công ty có hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước thấp hơn thực hiện của năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch giảm nhưng thấp nhất bằng mức lương được tính trên cơ sở hệ số lương theo hạng công ty, phụ cấp lương (nếu có) và mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định (gọi tắt là tiền lương chế độ), trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường hoặc giá sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước quy định ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Những công ty hoạt động không có lãi, hoặc lỗ thì tiền lương kế hoạch bằng tiền lương chế độ...

Đối với công ty thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ công ích không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm kế hoạch nộp ngân sách nhà nước theo đúng luật định và khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích kế hoạch không giảm so với thực hiện năm trước liền kề thì tiền lương kế hoạch tăng nhưng tối đa không quá 1,2 lần so với mức tiền lương cơ bản để tính quỹ tiền lương kế hoạch, trường hợp công ty bị lỗ (sau khi loại trừ nguyên nhân khách quan) thì tiền lương kế hoạch bằng tiền lương chế độ.

Đầu năm nay, Bộ Công Thương và Kiểm toán Nhà nước đã công bố mức lương tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, thu nhập bình quân tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) là 16,2 triệu đồng/người/tháng; tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 13,7 triệu đồng/tháng tại khối công ty mẹ, toàn tập đoàn là 7,3 triệu đồng/tháng; Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) là 7,7 triệu đồng/tháng...

Riêng tiền lương của lãnh đạo tại các tập đoàn này cũng xấp xỉ 40 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất phương án 2 về Quỹ tiền lương kế hoạch. Theo đó, quỹ được tính theo mức lương bằng 3 lần so với tiền lương chế độ của các viên chức quản lý, điều hành gắn với mức hệ số bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước theo kết quả đánh giá về quản lý, điều hành công ty, đồng thời có khống chế mức tăng tiền lương theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Phương án 1 có ưu điểm từng bước tiếp cận với các chức danh viên chức quản lý, điều hành tương ứng trên thị trường nhưng có khống chế, đồng thời khắc phục sự chênh lệch về tiền lương giữa ngành, nghề có lợi thế và không có lợi thế và tạo điều kiện thí điểm thuê tổng giám đốc (giám đốc). Tuy vậy phương án này có hạn chế là không được điều chỉnh theo tiền lương tối thiểu và bảo đảm mặt bằng so sánh với tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp.

Còn phương án 2 có thuận lợi bảo đảm mặt bằng so sánh với tiền lương với khu vực hành chính, sự nghiệp về tiền lương chế độ nhưng quá thấp so với mặt bằng tiền lương tương ứng trên thị trường và không tạo điều kiện thí điểm thuê tổng giám đốc (giám đốc).

P.V

Bình luận
vtcnews.vn