Sếp ngân hàng bức xúc chuyện bị tố 'ăn dày'

Kinh tếThứ Tư, 22/05/2013 11:26:00 +07:00

Các ngân hàng đang “bỏ túi” tới 6% chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra khiến hoạt động của hệ thống thiếu lành mạnh.

Các ngân hàng đang “bỏ túi” tới 6% chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra khiến hoạt động của hệ thống thiếu lành mạnh, lòng tin của doanh nghiệp, người dân vào hệ thống tài chính sụt giảm.

Quan điểm này được TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra tại cuộc họp thông tin về chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước chiều 21/5.
 
Theo TS. Hiếu, trong hệ thống ngân hàng đang tồn tại nghịch lý bất lâu nay là chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện đang quá lớn- tới 6%, trong khi các khoản nợ xấu ngày một “dày” lên trong hệ thống nhà băng.

Chỉ ra nguyên nhân, chuyên gia này cho rằng, là do lâu nay hệ thống ngân hàng đã hoạt động thiếu lành mạnh, “cục máu đông” nợ xấu không những giảm mà đang là mối lo lớn nhất của không chỉ các “ông chủ” nhà băng, còn của cả nền kinh tế. Nếu tiếp tục sử dụng mức chênh lệch này thì các ngân hàng sẽ không tồn tại được lâu. Chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra chỉ khoảng 2%-3% phổ biến ở nhiều nước như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc …
 
“Thực tế có tình trạng các ngân hàng vẫn dành gói tín dụng lãi vay thấp chỉ 5-6%/năm cho các khách hàng “ruột”, còn các đối tượng doanh nghiệp khác lãi vay lại được áp tới 13-15%/năm”- TS. Hiếu phản ánh và cho rằng, chính sự chênh lệch quá lớn và “phân biệt đối xử” giữa các đối tượng doanh nghiệp đã khiến hình ảnh ngân hàng ngày một xấu đi trong mắt công chúng.

ngân hàng
Các chuyên gia cho rằng chênh lệch lãi suất trong hệ thống ngân hàng chỉ ở mức 3% là hợp lý  
Ngay lập tức ý kiến của TS. Hiếu đã nhận được sự phản pháo của lãnh đạo một số ngân hàng.
 
Phó Tổng giám đốc Agribank ông Nguyễn Tiến Đông phân trần, mức chênh lãi suất tới 6% như TS. Hiếu đề cập thực tế không cao như vậy. Hiện dư nợ của Agribank là 470.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ, cho vay và tính toán đầu vào – ra chỉ ở mức 4%.

“Ngân hàng có mơ cũng không có khoản chênh lệch 6%, nói cho vay lãi suất trung bình 12% nhưng ngân hàng chỉ thu được 89% trong số đó, còn lại là phần lãi doanh nghiệp không trả được, thậm chí gốc còn không trả được chứ chưa nói tới lãi.  Mơ cũng không có được khoản chênh lệch 6%”- ông Đông nói.
 
Có phần gay gắt hơn, ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank lên tiếng, không có chuyện ngân hàng đang "ăn dày" lãi suất như vậy mà vẫn kêu khó. Ông phân tích : giả sử một ngân hàng có số dư 10 tỷ đồng thì 9 tỷ đồng là huy động lãi suất 10-12%/năm cách đây 1 năm, thậm chí có ngân hàng còn huy động vượt khung này, tới 14-15%/năm.

Thực tế tính chênh lệch lãi suất bao nhiêu phải theo tỷ trọng huy động và cho vay, ngoài ra phải cộng các yếu tố như chi phí dự trữ bắt buộc, dự phòng thanh toán ….  chứ không phải cứ lấy lãi 14-15% trừ đi lãi huy động 6-7%.

Lãnh đạo LienVietPostBank cho rằng, mức chênh lệch 2,5 - 3% trong bối cảnh hiện nay đã là lý tưởng rồi. Thậm chí, chính nhà băng này còn đang chịu chênh lệch âm khi lãi suất cho vay thấp nhất là 6,8% trong khi huy động bình quân 8-9%.

Còn TS. Cao Sĩ Kiêm cho rằng dù ngành ngân hàng đã rất nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhưng mức lãi suất này vẫn còn cao so với khả năng của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, thêm vào vấn đề quan trọng nữa là khả năng hấp thụ vốn kém của doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng, lúc này nợ xấu là vấn đề lớn nhất, nợ xấu còn đây thì không ai dám xông vào. Phải giải quyết tận gốc vấn đề là cải thiện sức khỏe chất lượng doanh nghiệp, cương quyết “bỏ” những chủ thể không đủ chất lượng ra thị trường”, TS. Cao Sỹ Kiêm nói.

Theo N.Hoài/Infonet

Bình luận
vtcnews.vn