'Sếp công ích' lương khủng: Tiền đổ nhà giàu

Thời sựThứ Sáu, 30/08/2013 08:28:00 +07:00

Khoác trên mình chiếc áo “công ích”, hàng năm, mỗi DNNN hoạt động trong lĩnh vực này được ngân sách rót xuống từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Khoác trên mình chiếc áo “công ích”, hàng năm, mỗi DNNN hoạt động trong lĩnh vực này được ngân sách rót xuống từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những công ty cũng được phép hoạt động kinh doanh thu lợi. Theo trần tình của một số giám đốc công ty công ích tại TP.HCM thì chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh năm 2012 công ty lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng.

Phải chăng đã đến lúc cần có cách nhìn nhận lại về sự “ưu ái” trong chính sách dành cho các công ty công ích?

Những con số biết nói

Theo kết quả thanh tra mới đây, mức lương của các giám đốc, viên chức quản lý tại 4 doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP.HCM khiến dư luận được phen “choáng váng”.

Giám đốc Công ty thoát nước đô thị có mức lương 2,6 tỷ đồng/năm (khoảng 216 triệu đồng/tháng), kế toán trưởng tại công ty này cũng có mức lương cao ngất là 1,67 tỷ đồng/năm (trung bình 140 triệu đồng/tháng). Tương tự, tại 3 công ty còn lại các vị lãnh đạo, quản lý cũng có mức thu nhập cao ngất ngưởng.

 Trong khi các giám đốc doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng”, người lao động chỉ được hưởng khoản lương đủ ăn, không tương xứng.
Trong khi các giám đốc doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng”, người lao động chỉ được hưởng khoản lương đủ ăn, không tương xứng. Ảnh: Đăng Biên 

Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam mới đây đã khẳng định mức lương của Thủ tướng theo quy định không quá 14 lần hệ số lương cơ bản, theo hệ số mức lương tối thiểu mới điều chỉnh là 1.150.000 đồng thì tính ra lương Thủ tướng cũng chỉ dưới 15 triệu đồng/tháng.

Như vậy, tính ra mức lương trung bình của Giám đốc công ty thoát nước đô thị TP.HCM cao xấp xỉ gấp 14,5 lần lương Thủ tướng.

Tại sao lại có sự chênh lệch trên? Giải thích về lý do thu nhập cao bất thường, hầu hết lãnh đạo các công ty này cho biết sở dĩ có thu nhập cao là nhờ tinh thần sáng tạo, làm việc nhiệt tình của công nhân viên trong doanh nghiệp.

Giám đốc công ty thoát nước cho biết chỉ tính riêng năm 2012, công ty đã kinh doanh có lãi cả trăm tỷ đồng. Đó là những khoản thu ngoài ngân sách Nhà nước và công ty đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước theo quy định.

Nói là thế, nhưng nếu vậy thì việc mỗi năm rót ngân sách hàng trăm tỷ đồng xuống cho các doanh nghiệp công ích liệu có cần thiết? Đất nước phát triển đồng nghĩa với việc người dân được hưởng lợi từ những dịch vụ công ích (chất lượng đường sá tốt hơn, môi trường xanh sạch đẹp hơn…). Đó là điều hiển nhiên. Và có lẽ cũng từ mong muốn vì nhân dân nên số vốn cấp cho các hoạt động công ích cũng ngày càng tăng cao.

Theo thông tin trên một tờ báo thì những năm gần đây vốn ngân sách thành phố cấp cho các hoạt động như duy tu cầu, đường, công viên cây xanh, thoát nước, chiếu sáng liên tục tăng.

Năm 2011 là 1.516 tỷ đồng thì năm 2012 đã tăng lên 2.394 tỷ đồng (tăng 58%) trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhu cầu tăng, công việc nhiều thì vốn ngân sách cấp phải tăng là đương nhiên.

Thế nhưng, thực tế số tiền trên được các doanh nghiệp sử dụng như thế nào lại là điều cần phải xét để tránh tình trạng bội chi ngân sách nhưng hiệu quả đạt được không cao.

Tiền đổ “nhà giàu”!

Nói về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của công ty, ông Trần Thiện Hà – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên công viên cây xanh cho biết: năm 2012 vốn ngân sách thành phố cấp cho doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích là 300 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động công ích, công ty còn các hoạt động kinh doanh, ký kết hợp đồng kinh tế với nhiều đối tác như nhận chăm sóc bồn hoa cây cảnh tại các khách sạn, tòa nhà, cho thuê sân khấu, thi công công trình. Chỉ tính năm 2012, các hoạt động này đã thu lợi khoảng 70 tỷ đồng sau khi trừ chi phí và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.

lương khủng, công ích, thoát nước, lợi nhuận, ngân sách
Ảnh: Đăng Biên 

Như vậy, với vị thế độc quyền góp phần kinh doanh có hiệu quả, lại được ngân sách cấp khoản tiền không nhỏ nên xem ra tiền cấp vào các công ty công ích không khác nào “của đổ nhà giàu”. Trong khi đó, tình trạng khó khăn còn tồn tại trong rất nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội như giáo dục, y tế, tình trạng trường học xuống cấp, lương giáo viên thấp...

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp công ích được rót vốn nhiều là do bộ định mức áp dụng đối với các doanh nghiệp này hiện không còn phù hợp. Nếu áp dụng theo thì quả thật quá “ưu ái” cho doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng với Công ty TNHH một thành viên công viên cây xanh, số lao động theo bộ định mức với khối công việc thực hiện năm 2011 là 4.439 người, năm 2012 là 4.458 người. Trong khi đó, trên thực tế doanh nghiệp này năm 2011 chỉ sử dụng hết 1.523 người và năm 2012 là 1.634 người chưa kể một số ít lao động thời vụ.

Tính một phép tính đơn giản thì năm 2011 ngân sách chi thừa lương cho gần 2.900 lao động và năm 2012 là gần 2.800 người. Như vậy, số lao động định mức (nhà nước cho phép) và số lao động thực tế sử dụng tại công ty chênh lệch rất lớn (34%).

Điều này làm cho việc xác định hao phí lao động (cơ sở xác định giá dự toán chi phí nhân công từ ngân sách) cao hơn rất nhiều so với hao phí lao động thực tế cần thiết.

Vậy, số tiền ngân sách đã cấp dự toán thừa cho hàng ngàn lao động tại doanh nghiệp này đã đi đâu trong khi theo báo cáo tài chính của công ty này thì quỹ lương hiện còn không đáng kể (vì quỹ lương kế hoạch sát với quỹ lương doanh nghiệp báo cáo đã thực chi trong năm). Phải chăng đó là một trong những nguồn tiền giúp các giám đốc nhận “lương khủng”?

Nên chăng cần tạo ra một cơ chế mới, một môi trường cạnh tranh với những doanh nghiệp này để làm sao người dân hưởng lợi thật nhiều từ công ích mà nhà nước vẫn tiết kiệm được chi phí?

Xung quanh vấn đề trên, ngày 29/8, PV đã liên hệ với ông Trần Trọng Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Chiếu sáng công cộng TP.HCM.

Ông Huệ xác nhận doanh nghiệp thừa nhận những sai phạm theo kết luận thanh tra. Ban giám đốc công ty cam kết sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo của UBND TP. Về việc nhận “lương khủng”, ông Huệ nói không muốn chia sẻ hay bình luận gì thêm.

Cùng ngày, đại diện Công ty thoát nước cho biết ngày 27/8, công ty đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong Ban quản lý điều hành công ty để giải quyết những kết luận thanh tra. Qua đó, công ty đã tiến hành khắc phục ngay những hậu quả và sai phạm đã gây ra. Cụ thể: nhanh chóng khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho hơn 500 người lao động của công ty, tiến hành ngay việc thu hồi toàn bộ số tiền chi tiền lương, tiền thưởng đối với 7 viên chức quản lý sai quy định trong năm 2011 và 2012.



Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn