"Sếp" cảnh vệ bật mí chuyện làm nghề

Thời sựThứ Sáu, 11/01/2013 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Phần tử khủng bố thường lợi dụng các chuyến thăm ngoại giao để gây rối, lực lượng cảnh vệ phải dùng nhiều "chiêu" để triệt phá.

(VTC News) – Thượng tá Phạm Đình Cung, chỉ huy Phòng Bảo vệ mít tinh hội nghị và khách quốc tế (thường gọi là Phòng 7), Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chia sẻ về những chiến công của lực lượng.

Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, số lượng khách quốc tế đến thăm hay chọn Việt Nam là nơi đề tổ chức đàm phán, hội nghị càng tăng. Cũng vì vậy, công tác bảo vệ hội nghị, mít tinh và khách quốc tế đến Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thượng tá Cung cho biết, Phòng Bảo vệ mít tinh hội nghị và khách quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ được thành lập từ năm 2000 với chức năng bảo vệ hoạt động của các đoàn cấp cao từ Bộ trưởng trở lên; các hội nghị quốc tế và trong nước tổ chức tại Việt Nam, các cuộc hội họp cấp nhà nước có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước.

Bảo vệ tiếp cận các hoạt động của các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; Bảo vệ các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại địa bàn các tỉnh phía Bắc từ Đà Nẵng trở ra...
 Thượng tá Phạm Đình Cung, chỉ huy Phòng 7, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Với chức năng đó, hoạt động của Phòng 7 bao gồm cả đối nội và đối ngoại của các nguyên thủ, được ví như “xương sống” của công tác cảnh vệ. "Đây là một công việc vất vả, mang tính chất nghiệp vụ cao" - Thượng tá Phạm Đình Cung nói.

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, đối với mỗi chiến sỹ, ngoài nghiệp vụ của ngành công an, chiến sỹ cảnh vệ cần phải có kiến thức cao về ngoại ngữ, công tác lễ tân đối ngoại… Đồng thời phải am hiểu về thông lệ quốc tế, công tác đối ngoại, phải tìm hiểu nền văn hóa của các nước trên thế giới; Thông qua sứ quán để tìm hiểu tính cách, đặc điểm sinh hoạt của nguyên thủ đấy, ví dụ như nhiều trường hợp họ bị dị ứng nên không bày hoa ở phòng…

Khi nhận kế hoạch bảo vệ, lực lượng bao giờ cũng phải khảo sát, phối hợp với sứ quán để tiền trạm, chuẩn bị nơi ăn nghỉ của nguyên thủ, kiểm tra rà soát tất cả nơi làm việc và thăm, bố trí lực lượng đảm bảo về công tác an ninh. Trong quá trình đó, phòng tiếp tục phối hợp với phòng tham mưu, an ninh, cảnh sát, quân đội, lực lượng khác... để thực hiện nhiệm vụ.

Nói là phối hợp, nhưng nòng cốt vẫn là cán bộ của Phòng 7, có những lúc, cùng một thời điểm diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao, cán bộ chiến sỹ của Phòng phải liên tiếp làm nhiệm vụ, bất kể ngày đêm. “Cán bộ ở đây, chỉ những trường hợp đột xuất mới, hi hữu có thể nghỉ về thăm gia đình” – Thượng tá Cung chia sẻ.

Sự thành công của Hội nghị APEC năm 2006 thể hiện bản lĩnh của lực lượng cảnh vệ Việt Nam.  

Kể công việc của mình, Thượng tá Cung nói đây là một nhiệm vụ vất vả, ví dụ như từ ngày 20/10 đến ngày 23/11/2012, đơn vị tập trung bảo vệ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, cũng trong thời gian này, nước ta có 22 đoàn khách quôc tế, 11 đoàn nguyên thủ sang thăm.

Ngày 6,7/11 vừa qua, nước ta đón đoàn Thủ tướng Đan Mạch, đoàn Tổng thống Bungari quá cảnh ở sân bay, Thủ tướng Nga. Ngày 7/11, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội đàm với Thủ tướng Nga thì đồng thời, đoàn Thủ tướng Đan Mạch lại đi hoạt động ở các điểm khác, phòng đều bố trí lực lượng để bảo vệ.

Tương tự thời điểm trên, thời điểm diễn ra Hội nghị APEC (2006), cùng một ngày lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón 5 đoàn nguyên thủ của các nước lớn. Cùng trong ngày đó, nhiều đoàn ngoại giao cũng hoạt động. "Trong tay mình chỉ huy 300 quân bảo vệ 34 cuộc đón, hoạt động của các đoàn ngoại giao” – người chỉ huy cảnh vệ kể lại.

Công việc liên tục, số lượng người có hạn nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, với các chiến sỹ cảnh vệ âm thầm bảo vệ yếu nhân, đó thực sự là những phút chiến đấy.


Là một chiến sỹ lâu năm trong ngành cảnh vệ, hiện là chỉ huy Phòng 7, Trung tá Lê Hữu Công kể lại kỷ niệm trong lần bảo Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam năm 2000.

 Tổng thống Mỹ Bush chụp ảnh lưu niệm với các sỹ quan cảnh vệ nhân chuyến thăm Việt Nam và dự hội nghị cấp cao APEC 14 từ ngày 12 - 19/11/2006. Ảnh tư liệu.

Trước khi diễn ra chuyến thăm, hai bên đã đàm phán rất nhiều lần về công tác an ninh. Phía họ yêu cầu rất cao, lực lượng sang tiền trạm an ninh của họ ở Việt Nam lên đên 500 người, ngoài ra còn các phương tiện khác như xe hơi, máy bay… Tuy nhiên phía ta từ chối và chỉ sử dụng lực lượng của ta để đảm bảo an ninh.

Sau khi lễ đón, hội đàm ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống ra thăm Văn miếu Quốc Tử giám, thăm xong Tổng thống ra cửa sau, hàng trăm người dân hiếu kỳ đứng kín phía sau. Trong lúc đó, anh em làm nhiệm vụ đã dự kiến và bố trí người theo sát Tổng thống và người dân khi ông ra bắt tay đề phòng sự cố.

Sau đó, Tổng thống lên tầng 2 nói chuyện với một đoàn sinh viên, thăm đồ lưu niệm và đi ăn phở. Tình huống phát sinh, lực lượng đã linh hoạt bố trí người đi cùng, đảm bảo an toàn cho Tổng thống.

“Đây là đoàn đầu tiên sang Việt Nam và họ không yên tâm vì lần đầu trở lại một nước từng là đối thủ của họ. Kết thúc chuyến thăm, an ninh được đảm bảo, họ đã có nhận thức khác về một Việt Nam yêu hòa bình, mến khách” – Trung tá Công cho biết.

Sau này khi Tổng thống Mỹ Bush sang Việt Nam dự Hội nghị APEC năm 2006, khi đi trên đường Ngài Tổng thống đã hạ kính ô tô, vẫy tay chào Hà Nội. “Đây là hình ảnh thể hiện sự thành công trong công tác bảo vệ của lực lượng” – ông Công nói tiếp.

Theo chỉ huy Phòng 7, đối với các phần tử khủng bố lợi dụng các chuyến thăm của Việt Nam để thực hiện các mục đích của mình. Lực lượng cảnh vệ bao giờ cũng có thông tin trước từ trinh sát và phối hợp với các lực lượng khác, đồng thời sử dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

“Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập mở cửa, khối lượng khách quốc tế đến Việt Nam đông. Nhân dân yêu nước, người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, mến khách nên nhiều sự kiện quốc tế được chọn tổ chức ở Việt Nam, đây là một niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức cho lực lượng công an nói chung, lực lượng cảnh vệ nói riêng” – Thượng tá Phạm Đình Cung chia sẻ.

Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn