SEA Games 29: Điểm danh thành công và thất bại của đoàn Việt Nam

Thể thaoThứ Năm, 31/08/2017 08:32:00 +07:00

Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 29 rất thành công với 58 huy chương vàng, 50 huy chương bạc và 60 huy chương đồng.

Đoàn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đặt ra trước đại hội cả về lượng cũng như về chất. Các đội tuyển mang về số HCV đúng như tính toán của lãnh đạo đoàn (từ 49 đến 59 HCV), trong đó các môn thể thao cơ bản của Olympic và Asiad đều có kết quả tốt.

Tuy vậy, thể thao Việt Nam vẫn có chút tiếc nuối khi một số VĐV trọng điểm được đặt nhiều kỳ vọng lại thi đấu không thành công.

Rực rỡ Ánh Viên và đội tuyển điền kinh

Ngay từ trước ngày lên đường sang Malaysia, lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam đã nhấn mạnh điền kinh và bơi là 2 "mỏ vàng" chủ lực. Kết quả thực tế đúng là như vậy, khi 2 đội tuyển này đã giành tới gần một nửa số HCV của cả đoàn.

"Điền kinh đã làm nên điều kỳ diệu", trưởng đoàn Trần Đức Phấn phát biểu cách đây ít ngày. Các VĐV điền kinh không chỉ vượt chỉ tiêu của bộ môn (11 HCV) mà còn bù lại những huy chương bị "hụt" ở các môn khác.

Tu Chinh 05 22

Lê Tú Chinh thống trị đường chạy cự li ngắn của SEA Games 29.

Ngoài ra, con số 17 HCV (thậm chí có thể lên tới hơn 20 nếu may mắn) cũng đánh dấu lần đầu tiên điền kinh Việt Nam vượt mặt Thái Lan tại SEA Games 29. Theo chia sẻ của ông Trần Đức Phấn, trưởng đoàn của Thái Lan đã phải thừa nhận rằng các VĐV Việt Nam đã làm thay đổi cục diện môn điền kinh ở đấu trường khu vực.

Trong khi đó, đội tuyển bơi tiếp tục giữ vị trí thứ hai chung cuộc đã giành được ở SEA Games cách đây 2 năm. Với 10 HCV, các kình ngư Việt Nam thua xa Singapore (19 HCV) nhưng thành tích này cũng gấp đôi đội tuyển xếp sau là chủ nhà Malaysia (5 HCV).

Nguyễn Thị Ánh Viên đương nhiên là cái tên được truyền thông nhắc đến nhiều hơn cả, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả với truyền thông Malaysia. Với 8 HCV, "Tiểu tiên cá" là VĐV giành HCV nhiều nhất ở SEA Games 29.

Anh vien 400m

Ánh Viên giành tổng cộng 10 huy chương tại SEA Games 29 (8 HCV, 2 HCB).

Không vượt được chỉ tiêu đặt ra (8 đến 10 HCV), Ánh Viên vẫn được coi là đã có một kỳ đại hội thành công. VĐV 20 tuổi này gặp nhiều khó khăn hơn bởi lịch thi đấu dày đặc cũng như áp lực, nhưng vẫn thi đấu tốt để giành được số HCV đúng bằng thành tích ở SEA Games 28, trong đó có 2 lần thiết lập kỷ lục mới.

Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn hay Lê Nguyễn Paul cũng là những gương mặt đáng chú ý. Gác lại những lùm xùm quanh việc thi đấu nội bộ trước giải, Kim Sơn (15 tuổi) và Huy Hoàng (17 tuổi) lần lượt giành HCV và phá kỷ lục SEA Games. Trong khi đó Lê Nguyễn Paul dù không giành HCV nhưng cũng xuất sắc mang về 4 tấm HCĐ ở những nội dung mà Singapore rất mạnh.

Hoàng Xuân Vinh và U22 Việt Nam thua vì áp lực

Trong số những thất bại của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, nỗi buồn lớn nhất đến từ bắn súng và bóng đá nam.

Hoàng Xuân Vinh thất bại thê thảm ở nội dung đầu tiên tham dự, khi anh sớm bị loại khỏi chung kết 50m súng ngắn. Vài ngày sau, xạ thủ này chỉ giành được tấm huy chương bạc 10m súng ngắn hơi, nội dung mà anh đang là nhà đương kim vô địch Olympic.

Hoang Xuan Vinh 10m (2)

Hoàng Xuân Vinh thi đấu không thành công tại SEA Games 29.

Giải thích về thất bại này, cả HLV Nguyễn Thị Nhung và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đều thừa nhận nguyên nhân chính là sự chuẩn bị tâm lý không tốt. Đây là một bài học lớn, không chỉ cho đội tuyển bắn súng, trong việc theo dõi và điều chỉnh các yếu tố về tinh thần cho VĐV sau khi giành thành tích cao ở đấu trường quốc tế.

Cũng thất bại khi được đặt kỳ vọng lớn là đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam. Sở hữu một đội hình được đánh giá rất cao, U22 Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng bảng, trong đó có trận thua khiến người hâm mộ không thể nuốt trôi trước U22 Thái Lan. Sau thất bại này, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã từ chức.

"Thua bóng đá nam, có thắng bóng đá nữ cũng vẫn buồn", trưởng đoàn Trần Đức Phấn chia sẻ. Đây có lẽ không phải chỉ là cảm nhận của riêng ông, mà là của rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn