SEA Games 27: Đoàn Việt Nam đáng ra phải là Á quân

Thể thaoThứ Hai, 23/12/2013 08:10:00 +07:00

(VTC News)– Nếu trọng tài không thiên vị, chủ nhà Myanmar không “xin” HCV và các VĐV không thua chính mình, Đoàn thể thao Việt Nam đã có thể xếp thứ 2 toàn đoàn

(VTC News)– Nếu trọng tài không thiên vị, chủ nhà Myanmar không “xin” HCV và các VĐV không thua chính mình, Đoàn thể thao Việt Nam đã có thể xếp thứ 2 toàn đoàn.

Kết thúc SEA Games 27, Đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ ba chung cuộc với thành tích 73 HCV, xếp sau Thái Lan (107 HCV) và Myanmar (86 HCV). Tuy nhiên, số HCV của Đoàn thể thao Việt Nam sẽ không dừng lại chỉ với con số trên, dù nó đã vượt chỉ tiêu… 3 HCV, nếu…
Không mất nhiều “mỏ vàng”
Ngay từ khi nước chủ nhà SEA Games 27 – Myanmar công bố những môn thi đấu thì Đoàn thể thao Việt Nam đã phải ngán ngẩm bởi mất đi hàng loạt những “mỏ vàng” như Thể dục dụng cụ, Đấu kiếm, Canoeing… Điều đáng nói ở đây là những môn thi đấu trên đều thuộc hệ thống thi đấu Olympic. 
Thể dục dụng cụ luôn được coi là 'mỏ vàng' của Việt Nam ở SEA Games 
Theo tính toán của các nhà chuyên môn dựa trên cơ sở số huy chương tại SEA Games 26 cùng trình độ của những VĐV vượt xa tầm khu vực Đông Nam Á, với việc bị cắt hàng loạt môn thế mạnh như vậy, Việt Nam đã mất không dưới 40 HCV. Chỉ tính riêng ở môn Thể dục dụng cụ, ở SEA Games 26, bộ môn này đã mang về cho Đoàn thể thao Việt Nam tới 11 tấm HCV.
Bên cạnh đó, Myanmar còn đưa ra những luật lệ mới hết sức ngặt nghèo, ví dụ như ở Cử tạ, mỗi nước chỉ được quyền đăng kí một VĐV ở mỗi hạng cân chứ không phải hai VĐV như thường lệ. Chính điều này đã khiến một trong những đô cử hàng đầu Việt Nam, Trần Lê Quốc Toàn phải ngồi nhà để nhường chỗ cho đồng đội Thạch Kim Tuấn ở hạng cân 56kg.

Nếu như Quốc Toàn được đôn lên hạng cân 62kg thì Cử tạ Việt Nam lại phải hi sinh Quốc Trung – đô cử dạn dày kinh nghiệm, thành tích hơn ở hạng cân sở trường. 
Không “chia sẻ” HCV cho chủ nhà
Chuyện nước chủ nhà SEA Games đòi “chia chác” huy chương đã không còn là chuyện hiếm thấy ở Đông Nam Á. Ở những bộ môn có nội dung thi đấu biểu diễn, việc nước chủ nhà "vét sạch" HCV là điều không quá khó hiểu bất chấp môn thể thao đó chưa bao giờ là thế mạnh của họ. 
 Myanmar đã công khai đòi HCV ở môn Vovinam
Điển hình nhất là ở môn Vovinam, để có mặt tại sân chơi  SEA Games lần này, Vovinam Việt Nam phải chấp nhận nhường bớt HCV cho Myanmar và thậm chí là cả Singapore, nếu không, Singapore sẽ không đưa môn vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 2015 tổ chức tại nước này.
Thực tế thì Myanmar đã đòi phải giành được 7 trong tổng số 18 bộ HCV. Nói là làm, nước chủ nhà đã gặt hái 6 HCV và chỉ “chừa lại” cho Việt Nam 6 chiếc HCV, chủ yếu giành được ở những nội dung thi đấu đối kháng. 
Bên cạnh việc công khai “đòi” chia sẻ HCV, Myanmar còn gây sức ép buộc các trọng tài phải thiên vị cho những VĐV của mình trong các môn thi đấu. Cụ thể, không tính những nội dung biểu diễn thì trong những trận đấu đối kháng ở các môn võ như Boxing, Karatedo, Judo hay Muay Thái… Việt Nam đã mất khoảng hơn 10 chiếc HCV vì những lần “đổi trắng thay đen” của các vị trọng tài. 
Như vậy, nếu không bị buộc phải chia sẻ, nhường HCV cho nước chủ nhà, Đoàn thể thao Việt Nam đã có thể giành thêm được ít nhất 20 HCV nữa. 

Không thắng được chính mình
Bỏ qua hết những yếu tố khách quan, công bằng mà nói SEA Games 27 chưa thực sự là kì Đại hội thành công của thể thao Việt Nam. Bỡi lẽ, những VĐV của chúng ta đã để thua một cách “lãng xẹt” ở một số nội dung được coi là thế mạnh, thậm chí còn đang vượt xa tầm Đông Nam Á. 

Quý Phước và Ánh Viên chưa đạt phong độ tốt nhất 
Phải kể đến đầu tiên đó là bộ môn Bơi lội với những cái tên được kì vọng nhất. Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Ánh Viên dù đã mang HCV về cho Việt Nam nhưng cũng đã để mất những tấm HCV đáng tiếc. Tính ra, lần lượt Quý Phước và Ánh Viên còn có thể giành thêm 4 tấm HCV nữa nếu như cả hai có được tâm lí vững vàng cùng sự tập trung cao độ cần thiết. 
Cụ thể, với sở trường bơi ở những cự li ngắn rất tốt, đáng lí ra Quý Phước còn có thể làm được hơn vị trí thứ 8 (đứng chót ở chung kết) và HCB ở hai nội dung 50m và 100m tự do nam. Còn Ánh Viên lại thất bại do sai lầm cá nhân nên chỉ nhận 2 HCB ở nội dung 100m ngửa và 200m tự do.
Đáng trách nhất phải kể đến Rowing Việt Nam. Bởi, từng giữ ngôi vị số một toàn đoàn tại SEA Games 26 năm 2011, nhưng chỉ 2 năm sau, đội tuyển Rowing Việt Nam đã chia tay SEA Games 27 với chỉ 1 HCV duy nhất.
Và lí do thất bại của Rowing được nêu ra lại không thực sự hợp tình hợp lý khi đổ hết lỗi cho chủ nhà Myanmar cố tình đặt vị trí thi đấu không… hợp hướng gió quen thuộc mà các VĐV Việt Nam tập luyện. Cụ thể, Myanmar đã thiết kế vị trí thi đấu có hướng gió ngang chứ không phải ngược hay xuôi theo hướng thuyền đua!?!
Không tỉnh táo, bóng đá nữ đánh mất ngôi Hậu 
Bên cạnh những tấm HCV hụt của Bơi lội và Rowing, Đoàn thể thao Việt Nam còn đáng tiếc bị mất thêm 2 tấm HCV ở Bóng đá nữ, Cầu lông của Tiến Minh, Cầu mây nữ và nhiều môn khác nữa.
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, những thất bại đáng tiếc trên đa phần đến từ tâm lí thi đấu không thực sự vững vàng, dễ xao động – điều rất thường xuyên gặp ở những VĐV Việt Nam.

Chính vì thế, thể thao Việt Nam cần gấp rút đề ra những kế hoạch giúp các VĐV nâng cao thêm về khả năng chịu áp lực khi mà nhưng tâm lí, tinh thần thi đấu mới chính là vũ khí quan trọng nhất trong thể thao bên cạnh trình độ chuyên môn để có thể tiến xa hơn nữa.  

Hoàng Tùng 
Bình luận
vtcnews.vn