Sẽ tổ chức thi THPT thành nhiều đợt trên máy tính từ sau năm 2020

Giáo dụcThứ Tư, 25/09/2019 13:05:00 +07:00

Đây là dự kiến của Bộ GD&ĐT được đề xuất tại cuộc họp với Ủy ban giáo dục quốc gia bàn về phương án thi THPT quốc gia thời gian tới.

Tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 sáng 25/9 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2020, Bộ tiếp tục tổ chức ổn định kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019. Phương thức thi vẫn là trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ công bố trước một năm để phụ huynh và học sinh chủ động ôn tập, chuẩn bị tham gia kỳ thi.

Những thí sinh chọn hình thức thi trên máy tính có thể tham dự một số đợt thi trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT, sau đó lựa chọn kết quả cao nhất để xét công nhận tốt nghiệp THPT, và sử dụng để đăng ký tuyển sinh tại một số cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nếu có nhu cầu.

IMG_9423

Cuộc họp với Ủy ban giáo dục quốc gia về vấn đề bàn phương án thi THPT quốc gia thời gian tới.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập như ETs, ACT...

Tại Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Trong giai đoạn sắp tới, 2021-2025, kỳ thi không có sự thay đổi lớn so với năm 2019 nhưng được điều chỉnh phù hợp với thực tế. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, tập trung vào năm lớp 12.

Các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình, giảm số câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp.

Bài thi dần được hoàn thiện theo hướng trở thành thành bài thi tích hợp, phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm sẽ chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, thay vì 4 đầu điểm (3 đầu điểm cho 3 môn thi thành phần và 1 đầu điểm của cả bài thi) như hiện nay.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn