Sẽ thí điểm chất vấn ở Hội đồng Dân tộc Quốc hội

Thời sựThứ Bảy, 26/11/2011 04:39:00 +07:00

(VTC News) – Sẽ tiến tới thí điểm tổ chức chất vấn tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nói tại phiên bế mạc kỳ họp QH.

(VTC News) – Sẽ tiến tới thí điểm tổ chức chất vấn tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói tại phiên bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2012; Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và một số quyết định quan trọng khác.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: TTXVN) 
Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật: Luật cơ yếu, Luật lưu trữ, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đo lường và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. 


Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát; tổ chức có hiệu quả hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoạt động báo cáo giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, tiến tới thí điểm tổ chức chất vấn tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.


Liên quan đến vấn đề chất vấn, trong sáng 26/11, với tỷ lệ 92,4% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.


Theo đó, Quốc hội ghi nhận một số giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành đã cam kết trước Quốc hội.


Trong đó, về lĩnh vực giao thông vận tải, xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5-10%/năm, giảm mức độ ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lấy  năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông…


Về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lựa chọn các ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2005-2010; phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, hỗ trợ nông dân sản xuất lúa để bảo đảm giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa…


Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, quy định chặt chẽ các điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo từ xa, đào tạo tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học. Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh cấp cơ sở.


Về lĩnh vực tài chính, thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng, dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, có chính sách hỗ trợ phù hợp các đối tượng chính sách.


Lĩnh vực ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, quản lý chặt chẽ thị trường vàng, không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới…


Đưa luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật


Trong sáng nay (26/11), Quốc hội đã thông qua Quốc hội  thông qua Nghị quyết quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII với 94% đại biểu tán thành.


Các đại biểu Quốc hội kiến nghị thêm một số giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.


Theo nội dung Nghị quyết, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 85 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chuẩn bị.


Dự án Luật biểu tình được đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm và đề xuất “đưa vào – bỏ ra” chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII đã được nhất trí đưa vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật của nhiệm kỳ khóa XIII.


Tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, dự án luật này đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định “chúng ta nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình” nhằm thực hiện Hiến pháp (điều 69) quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật.


Theo Thủ tướng, xây dựng Luật biểu tình phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân.


Cũng trong ngày bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua dự án Luật Cơ yếu với 91,8% tỷ lệ đại biểu tán thành.


Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết quyết định giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. 

 Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn