SCIC: Nâng cao vai trò 'nhà đầu tư' của Chính phủ

Đầu TưThứ Năm, 11/06/2020 07:22:26 +07:00
(VTC News) -

Để hiện thực mục tiêu thành "nhà đầu tư của Chính phủ", SCIC dự kiến giải ngân đầu tư 13.000 - 16.000 tỷ mỗi năm và tập trung vốn vào những lĩnh vực trọng yếu.

Ông Nguyễn Chí Thành – Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – chia sẻ với VTC News như trên về chiến lược đầu tư của SCIC giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ

Theo ông Thành, với mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ”, hoạt động đầu tư là một trong hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của SCIC. Đặc biệt là trong giai đoạn từ 2020 trở đi, sau khi danh mục doanh nghiệp bàn giao về SCIC giảm dần cả về số lượng và giá trị, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn.

SCIC: Nâng cao vai trò 'nhà đầu tư' của Chính phủ - 1

SCIC sẽ giải ngân đầu tư 13.000 - 16.000 tỷ mỗi năm và tập trung vốn vào những lĩnh vực trọng yếu. (Ảnh: H.H)

“Từ kinh nghiệm đã đúc rút sau 14 năm hoạt động và kinh nghiệm của Temasek, SCIC sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư tài chính, kết hợp sức mạnh tài chính với kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực quản lý, vận hành các dự án đầu tư của các đối tác”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, hoạt động đầu tư của SCIC sẽ dựa trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của nền kinh tế, nhằm mục đích sinh lợi dự kiến trên cơ sở lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng phần bù rủi ro ở mức hợp lý.

“SCIC chủ động lựa chọn các lĩnh vực mà pháp luật không cấm mà đem lại hiệu quả, không bị giới hạn bởi 5 lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quản lý quỹ”, Tổng giám đốc SCIC cho hay.

Trước mắt, trong bối cảnh “hậu” COVID-19, SCIC kiến nghị Thủ tướng chấp thuận và phê duyệt cho thực hiện đầu tư vào thị trường chứng khoán đối với các mã chứng khoán cơ bản có tình hình sản xuất kinh doanh tốt, mua trái phiếu tại các tổ chức tín dụng, hoặc mua cổ phần phát hành thêm hoặc được chỉ định tham gia mua lại cổ phần nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.

Theo kinh nghiệm quốc tế, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính, các quỹ đầu tư chính phủ đã phát huy vai trò ổn định kinh tế vĩ mô thông qua hàng loạt thương vụ mua lại đối với các tổ chức tài chính lớn, trở thành nguồn cung vốn quan trọng cho thị trường vào những thời điểm thực sự cần thiết.

Trong giai đoạn 2020 – 2030, SCIC định hướng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đảm bảo đúng định hướng chiến lược của Đảng và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, SCIC sẽ đầu tư vào một ngành, lĩnh vực như công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...), năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án hạ tầng trọng điểm (hàng không, đường bộ, đường sắt...)… và tài chính ngân hàng.

Về quy mô đầu tư, SCIC đặt kế hoạch đến năm 2025, tổng tài sản đạt khoảng 81.800 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. Trong giai đoạn 2020-2025, trên cơ sở mô hình tài chính được tính toán dựa vào quy mô vốn tiếp nhận, giá trị bán vốn tại doanh nghiệp hiện hữu được xác định trên cơ sở danh mục 31/12/2019, nhu cầu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện hữu và dòng tiền tài chính như cổ tức, trái tức, vốn điều lệ SCIC tăng thêm… dự kiến mỗi năm SCIC có thể giải ngân từ 13.000-16.000 tỷ đồng.

“Hiện SCIC đang tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự án trọng điểm của nhà nước có nhu cầu vốn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam, Vietnam Airlines, PVGas, bổ sung vốn điều lệ Vietinbank, đầu tư mua cổ phần trên thị trường chứng khoán, ACV, Vinamilk, MBBank…”, lãnh đạo SCIC cho biết.

Chiến lược kiến tạo, dẫn dắt nền kinh tế

Theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, SCIC được thành lập với mục tiêu trở thành nhà đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, SCIC đã tiếp nhận và đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực mà nhà nước cần nắm giữ chi phối, qua đó tăng cường vai trò chủ đạo, định hướng của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế.

“Trong hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn, SCIC đã đạt những kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”, Phó Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng với vị trí và tiềm lực của mình, SCIC có thể làm tốt hơn nữa. Theo đó, SCIC vừa phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội nhưng vẫn phải kinh doanh có lãi, phát triển được đồng vốn, làm đúng pháp luật.

“Nếu phát triển đúng hướng, có chiến lược đúng, huy động được nhiều nguồn lực theo cơ chế thị trường thì SCIC có thể góp phần cùng với tập đoàn, tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tạo nên sức mạnh của kinh tế nhà nước, tạo cú hích, nguồn lực lớn phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Phó Thủ tướng lưu ý SCIC không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về. Việc quản lý quá nhiều doanh nghiệp sẽ khiến SCIC không quản trị tốt được, trong khi thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khiến bán vốn khó khăn chứng khoán, cổ phiếu dao động, trái phiếu khó phát hành…

“Đặc biệt, SCIC không nên đầu tư quá phân tán mà chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế như công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, chế biến thực phẩm, tài chính, xăng dầu, vận tải hàng không, đường sắt...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, SCIC không cạnh tranh với bên ngoài để làm những việc không cần thiết, thoái vốn khỏi những lĩnh vực kinh doanh thuần túy theo chỉ đạo của Thủ tướng là không đi bán bia, bán rượu, nhưng cũng cần nhạy cảm với thị trường, có thể chủ động trong khuôn khổ Chính phủ cho phép để thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước và chịu trách nhiệm trước nhà nước, sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

“Thương vụ có thể thua, nhưng tổng thể phải thắng, bảo toàn vốn tổng thể. SCIC chọn lựa lĩnh vực để đầu tư, không cạnh tranh với tư nhân, làm những gì mà sinh lãi lớn, chớp thời cơ có thể làm được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động, Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC phấn đấu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ, bảo toàn được vốn và làm ăn có lãi.Trong đầu tư chú trọng vào những lĩnh vực cốt lõi, đa dạng hóa và sử dụng linh hoạt các hình thức đầu tư tùy thuộc vào tính chất của từng khoản đầu tư và tình hình cụ thể, tuân thủ quy định của pháp luật.

“Chiến lược của SCIC cần mang tính kiến tạo, đi vào lĩnh vực mang tính dẫn dắt của nền kinh tế. Đầu tư nhiều nhưng không dàn trải, khi có lãi thì có thể chuyển nhượng lại dự án, thu hồi vốn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn