Saxophone Trần Mạnh Tuấn: Nhạc Việt hỗn loạn vì thiếu giáo dục

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 30/09/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn nói nhạc Việt rơi vào hỗn loạn như hiện nay vì thiếu một nền giáo dục âm nhạc.

(VTC News) - Nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn nói nhạc Việt rơi vào hỗn loạn như hiện nay vì thiếu một nền giáo dục âm nhạc.

Tham gia diễn đàn Chấn hưng nhạc Việt, nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn đã chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của anh về nền âm nhạc Việt Nam.

Thiếu giáo dục

- Theo anh, khía cạnh nào có ảnh hưởng sâu sắc đến việc âm nhạc Việt Nam đang có nhiều hỗn loạn như hiện nay?

Theo tôi là giáo dục. Ví dụ như nhạc nhẹ, chỉ có một vài người như tôi được đào tạo bài bản nhưng sự hợp tác của chúng tôi với hệ thống giáo dục còn rất hạn chế.

Một số trường có tư duy mở để đem đến những gì tốt nhất cho sinh viên, còn hấu hết đều bảo thủ, đóng cửa vì không hiểu các vấn đề đương thời.

Sinh viên ra trường trở thành nhạc công, ca sĩ phải chuẩn xác. Hiện tại Việt Nam có bao nhiêu phầm trăm ca sỹ được đào tạo bài bản?

Tôi không đặt nặng vấn đề đào tạo nhưng nếu muốn bật hẳn lên và vươn ra ngoài Việt Nam cần có sự học hỏi chuyên sâu. Các nghê sỹ được đào tạo sẽ đạt đến đỉnh cao hơn những người chỉ có bản năng bình thường.

Trần Mạnh Tuấn
- Nhưng rõ ràng rất nhiều sinh viên trường nhạc sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm?

Bản năng nghệ sỹ chiếm 70% đến 80 % sự thành công. Nếu không có bản năng, bạn cũng chỉ là con số không kể cả có được đào tạo ở nhưng trường nhạc giỏi nhất trên thế giới.

Học chỉ để có nhận thức bài bản về một vấn đề, còn khả năng vốn có mới là điều quan trọng.

 

Tư duy lấy thầy cổ điển sang dạy nhạc nhẹ thì làm sao khá lên được.
 
- Vậy giáo dục chính là nguyên nhân dẫn đến việc âm nhạc Việt Nam đang có quá nhiều bất cập, thưa anh?

Đúng, chúng ta đang dạy và định hướng sinh viên như thế nào? Ví dụ như nhạc cổ điển không có đầu ra.

Cơ hội việc làm khiến họ phải từ bỏ và tìm sang nhạc hiện đại để có thể có công việc ở nhà hàng, quán cà phê… Đào tạo trong khi không có đầu ra thì đào tạo để làm gì?

- Vậy phải làm sao để khắc phục tình trạng đó?

Một số thầy giáo còn không hiểu thì làm sao có thể dạy được trò? Hay tư duy lấy thầy cổ điển sang dạy nhạc nhẹ thì làm sao khá lên được.

Chỉ cần có một cuộc tuyển chọn một nhóm giáo viên giỏi cho nhạc nhẹ: piano, trống, bass, ghi ta, vocal, hoà thanh… thì tự khắc việc đào tạo sẽ được quy củ, bàn bản hơn rất nhiều là một sự lộn xộn như hiện nay.
Trần Mạnh Tuấn
Cơ chế xin – cho

- Theo anh, nguyên nhân khiến các nhạc sỹ không tham gia vào Hội nhạc sỹ Việt Nam là gì?


Hội là nơi đại diện cho nghệ sỹ trên mọi mặt, nhưng ở Việt Nam là cơ chế xin – cho. Làm nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ  nhân dân cũng phải xin. Nếu thấy hay, tốt thì trao bằng danh dự chứ tại sao nghệ sỹ phải đi xin và khai đủ các loại giấy tờ?

Có nhiều người không đi thi, chỉ ngồi chấm giải thì lấy đâu ra huy chương vàng để làm hồ sơ đi xin? Những người như tôi chỉ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chứ đi thi thì tôi thi với ai?

- Vậy là Hội nhạc sỹ không đủ hấp dẫn để khiến mọi người xin làm thành viên?

Vào Hội là thuận lợi, tham gia chẳng có hại. Hội chẳng bắt ai làm gì, chỉ định hướng, có những cuộc phát động về các đề tài.

Tôi nghĩ đó là điều bổ ích, có điều tôi không thích đi xin cái gì cả, và nhiều người cũng như tôi, thích hoạt động độc lập hơn là phụ thuộc vào cơ quan, đoàn thể nào đó.

- Anh nghĩ sao về việc hiện nay có quá nhiều ca khúc không đạt chất lượng đang được tung ra thị trường?

Đó là do cơ quan kiểm duyệt, Cục nghệ thuật biểu diễn, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố… Khó để  xét một ca khúc đạt chất lượng hay không.

Nếu ca từ không đáng chê trách, mỗi tội là nó không hay thì chẳng cấm được. Vấn đề là kể cả được cấp phép thì nó cũng không tồn tại lâu nếu không hay.
Trần Mạnh Tuấn
Nên nhìn lại mình

- Vậy theo anh nguyên nhân nào dẫn đến việc hiện nay không có những ca khúc đi cùng năm tháng như trước nữa?

Các nhạc sỹ nên nhìn lại mình. Tác phẩm viết cho bản thân nhiều, không nhìn ra tính chia sẻ cho người nghe.

Các ca khúc trước đây có giai điệu đẹp, ca từ có chiều sâu để nó tồn tại đến tấn bây giờ. Chính sự hoa mĩ của ngôn từ, chất thơ của giai điệu làm cho bài hát luôn trong tâm trí khán giả.

 

Nhạc sỹ tự cho tác phẩm của mình là cao quý nhưng khán giả mới là người thẩm định điều đó.
 
- Thế nhưng một số nhạc sỹ cho rằng đó là do nhận thức khán giả đang có xu hướng bình dân hoá?

Việc này không đổ tại người nghe được. Khán giả rất đa dạng: cao cấp, bình thường, bình dân… Đôi khi có người còn hiểu biết hơn nhạc sỹ.

Họ không viết được nhưng nhận thức và cách đặt vấn đề của họ cực sâu.

Nhạc sỹ tự cho tác phẩm của mình là cao quý nhưng khán giả mới là người thẩm định điều đó.

Nếu muốn thử nghiệm cho bản thân thì xin mời về nhà đóng cửa viết và gặm nhấm đỉnh cao tự mình vẽ ra.

- Vậy các nhạc sỹ nên làm gì trong thời đại hiện nay, thưa anh?

Trong khi thị trường đang hỗn loạn, tôi vẫn sáng tạo được vậy tại sao người khác lại không? Nhạc sỹ không nên thất vọng, bởi họ chán thì khán giả làm sao thích được.

Cái gì đích thực sẽ sống lâu. Hãy bắt tay vào làm đi chứ đừng nói nữa. Kêu chán mái thì được cái gì, hãy xoat chuyển tình hình bằng sáng tạo và sản phẩm của mình.

Mỗi người đều làm việc của mình thì tự khắc âm nhạc Việt Nam sẽ đi lên mà thôi.

- Xin cảm ơn anh!

Hiếu Cao(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn