Sau Trung thu, bánh chuột gặm, mốc xanh đầy thị trường

Kinh tếThứ Ba, 02/10/2012 12:36:00 +07:00

(VTC News) - Tại các cửa hàng trên đường Trương Định (Hai Bà Trưng, HN), các quầy bán bánh trung thu siêu rẻ, chuột gặm te tua, mốc xanh vẫn tấp nập người mua.

(VTC News) - Mua bánh về mở ra mới biết mình đã mua phải chiếc bánh trung thu bị chuột gặm và đã hết hạn sử dụng, tuy nhiên khi đem bánh ra nơi mua (tại phố Trương Định) chị Nguyễn Thị Thu đã bị bà chủ quán mắng xơi xơi một hồi đỏ tía mặt.

"Mình cứ tưởng bánh rẻ nhưng không đến nỗi mốc xanh, chuột gặm như thế này nhưng khi mua về mở gói bánh ra mới biết đã bị lừa. Khi đem đến thì bị mắng te tua", khách hàng tên Thu mua phải bánh chuột gặm, mốc xanh cho hay.

Bánh trung thu mốc xanh, nham nhở bị các chủ cửa hàng đánh tráo khi khách không quan sát  

Tìm hiểu theo phản ánh của khách hàng, phóng viên VTC News có mặt tại một số cửa hàng đề biển bán bánh Trung thu hạ giá tại phố Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Quan sát phương cách bán hàng của các chủ cửa hàng tại đây, chúng tôi nhận thấy, một vài quán trên tuyến phố này đều trữ một thúng bánh mốc, khi khách mua từ 4 cái trở lên thì sẽ bị đánh tráo một cái mốc xanh, hoặc bị “khuyết một phần bánh”.


Để kiểm chứng cho việc này tôi đã đến mua ngẫu nhiên 5 chiếc bánh trung thu của  năm thương hiệu khác nhau của một hàng rong đầu Phố Trương Định (đoạn ngã tư giao với Phố Bạch Mai) thì đúng là bị đánh tráo một cái bánh mốc và một vái bị chuột gặm. Trước khi mua thì người mua tha hồ chọn nhưng sau đó sẽ bị đánh tráo lúc bỏ vào túi, hoặc bà chủ quán vờ cúi xuống để đánh tráo chiếc bánh rất nhanh.


Ngoài việc đánh tráo bánh hỏng, ở đây còn có đủ các loại bánh “đội lốt” các thương hiệu, với giá siêu rẻ. Đủ các loại bánh của đủ các loại từ hàng Việt Nam chất lượng cao của các thương hiệu HAIHA – KOTOBUKI, Đồng Khánh, Bảo Ngọc, Hoàng Minh đến các thương hiệu “đội lốt” hàng Hồng Kông, Thái Lan,...
Ma trận các loại nhãn hiệu bánh trung thu từ nội tới ngoại không rõ nguồn gốc được bày bán thành thùng 

Các loại bánh dẻo, bánh nướng rẻ nhất có giá  7.000 đồng 100gr, loại 10.000 đồng/chiếc/130gr. Loại bánh dẻo, bánh nướng 170gr/1 trứng  giá 20.000 đồng/chiếc là cao nhất.

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng bình dân nên các hàng này chỉ nhập bánh trung thu được các cơ sở sản xuất thủ công với giá “siêu bình dân”. Người mua chủ yếu là người dân nghèo, công nhân, sinh viên.

“Trung thu chỉ dám mua một vài cái cho các con chứ không dám mua nhiều. Vì những ngày sau trung thu lượng bánh trung thu tồn lại nhiều, nên các đại lý  bán tháo với giá “siêu rẻ, siêu giảm giá” – chị Nguyễn Thị Thảo xách một túi bánh nặng cười phá nói.

Không cần nguồn gốc, xuất xứ, “rẻ là chén”


Từ chiều 30/9 (15/8 Âm lịch) các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bắt đầu có mặt tại chợ cóc và khu vực hàng rong  với giá khá rẻ, 10.000 – 20.000 đồng chiếc, rẻ hơn phân nửa so với các loại bánh bán tại quầy. Cũng vì lý do này năm nay nhiều quầy bánh trung trung méo mặt vì nhìn khách hàng đi qua hỏi giá rồi bỏ đi.
Cảnh mua bán bánh "đại hạ giá" tại khu phố Trương Định 

Trao đổi với PV VTC News, chị Nga - công nhân công ty may cho biết: Cũng biết hàng Trung Quốc là hàng mất vệ sinh nhưng tiền đâu ra mà đòi “kén cá chọn canh”. Có mà mua là tốt lắm rồi.  Dân tỉnh lẻ lận đận ra Thủ Đô kiếm sống với đồng lương “ ba cọc một đồng” như mình thì luôn chờ những dịp như thế này để có cơ hội phá cỗ.

"Giá một chiếc bánh bán ngoài sạp của các thương hiệu bèo nhất cũng mất một bữa ăn của gia đình. Vậy nên mua cái này cho rẻ", chị Nga chia sẻ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các sản phẩm đang được bán đổ đống ở khu Trương Định này có nguồn gốc từ Việt Nam, trên bao bì ghi sản xuất tại công ty TNHH bánh ngọt Hồng Kông Hoàng Minh có tru sở tại địa chỉ số 33, ngõ 40, Phan Đình Giót, (Thanh Xuân - Hà Nội).

Không khó để thấy các thương hiệu như HAIHA – KOTOBUKI có cơ sở tại số 25, Trương Định, (Hai Bà Trưng – Hà Nội) xuất hiện trên các mặt thúng trên vỉa hè Trương Định với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/chiếc.  

Bài, ảnh: Tài Tiến
Bình luận
vtcnews.vn