Sau Tiếng Việt 1, sách Giáo dục thể chất 1 cũng bị chê 'không phù hợp học sinh'

Diễn đànChủ Nhật, 18/10/2020 06:32:00 +07:00

Ông T.H.T., giảng viên Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao, cho rằng nội dung sách Giáo dục thể chất lớp 1, bộ Cánh diều, quá cứng nhắc, khó dạy hiệu quả.

Sau cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, sách Giáo dục thể chất lớp 1, bộ Cánh diều, cũng bị cho rằng có nhiều điểm bất cập. Sách có 3 phần chính: Kiến thức chung, Vận động cơ bản và Thể thao tự chọn.

Phần Kiến thức chung hướng dẫn trẻ cách vệ sinh sân và chuẩn bị dụng cụ tập luyện.

Phần Vận động cơ bản có 3 chủ đề: Đội hình đội ngũ (4 bài), Bài tập thể dục (7 bài), Tư thế và kỹ năng vận động cơ bản (4 bài).

Ở phần Thể thao tự chọn, trẻ được học 2 chủ đề là Bóng đá mini và Bóng rổ. Mỗi chủ đề kéo dài trong 6 bài, mỗi bài hướng dẫn một kỹ năng khác nhau.

Trên mạng xã hội, tài khoản Bích Nguyễn cho rằng nhiều học sinh lớp 1 chưa phân biệt được bên trái, bên phải. Tốc độ dạy của sách có thể khiến giáo viên và học sinh gặp khó khăn.

Tài khoản Bùi Long nhận xét bộ sách Chân trời sáng tạo cũng có những điểm khó tương tự. Ở 3 tuần đầu, học sinh phải học tập hợp hàng ngang, điểm số báo cáo.

Sau Tiếng Việt 1, sách Giáo dục thể chất 1 cũng bị chê 'không phù hợp học sinh' - 1

Sách Giáo dục thể chất lớp 1, bộ Cánh diều, tập trung về kỹ thuật. (Ảnh: Sachcanhdieu.com)

Nội dung sách quá nặng

Ông T.H.T. cho rằng môn Giáo dục thể chất lớp 1 nên chú trọng về mặt kỹ năng thay vì lý thuyết. Trong tiết học dài 45 phút, giáo viên cần tập trung rèn luyện khả năng vận động, thay vì ép trẻ nạp quá nhiều kiến thức.

Ví dụ, ở những bài đầu tiên, học sinh được dạy cách vệ sinh sân và chuẩn bị dụng cụ tập luyện. Ông T. cho rằng phần nội dung này quá thừa, không cần thiết.

Thứ nhất, trẻ mới vào lớp 1, kỹ năng đọc - hiểu chưa hoàn thiện, rất khó để hiểu hết kiến thức sách truyền tải.

Thứ hai, phần này nên dành cho giáo viên đưa vào giảng dạy. Thêm những bài giảng không cần thiết khiến sách dày hơn, nặng hơn, gây nhiều khó khăn cho trẻ.

Ở phần Bóng đá mini, lý thuyết trong sách khá dài, có nhiều thuật ngữ lạ. Đối với học sinh lớp 1, khối kiến thức này có thể gây khó khăn cho các em.

"Học sinh có năng khiếu có thể học tốt, nhưng học sinh phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn", ông T. nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Nhật Nam, huấn luyện viên bóng đá cộng đồng, nhận thấy phần Bóng đá mini có một số chỗ không phù hợp học sinh lớp 1, trong đó có Bài 18: Làm quen dừng bóng bằng gan bàn chân.

Đối với trẻ nhỏ tuổi, khi học bóng đá, các em chưa cần tập bóng bằng gan bàn chân.

Trong quá trình tìm hiểu sách, ông Nam ngạc nhiên khi thấy học sinh lớp 1 phải học môn bóng rổ. Môn thể thao này đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó, nặng, học sinh lớp 1 rất vất vả để làm quen.

Ông Nam cũng cho rằng đưa bóng rổ vào chương trình giáo dục thể chất lớp 1 là quá sớm, chỉ nên dành cho học sinh cấp hai trở lên.

Sau Tiếng Việt 1, sách Giáo dục thể chất 1 cũng bị chê 'không phù hợp học sinh' - 2

Ông Nguyễn Nhật Nam ngạc nhiên khi học sinh lớp 1 học bóng rổ. (Ảnh: Sachcanhdieu.com)

Đề xuất sửa đổi

Với môn Giáo dục thể chất lớp 1, học sinh cần được cải thiện, rèn luyện kỹ năng vận động. Ông T. đề xuất lồng ghép các trò chơi vận động vào từng buổi học. Phương pháp này giúp nâng cao kỹ năng, sức khỏe và khả năng tương tác giữa các học sinh.

Giáo viên không nên quá rập khuôn theo sách giáo khoa, nhất là ở phần Đội hình đội ngũ. Thầy cô có thể dựa vào tình hình của từng lớp để biến hóa, sửa đổi bài giảng linh động, phù hợp hơn. Như thế, trẻ bớt nhàm chán, hiệu quả học sẽ được nâng cao.

Trẻ lớp 1 cần được thực hành, áp dụng thực tế nhiều, thay vì chỉ ngồi ở lớp học lý thuyết. Các em chưa cần đến sách giáo khoa, sự hướng dẫn, sự đồng hành của thầy cô đóng vai trò quan trọng hơn.

Ông T. nêu rõ trẻ từ lớp 4 có thể dùng sách Giáo dục thể chất để tự học. Ở độ tuổi này, các em có thể đọc, hiểu hết những kiến thức sách truyền tải.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm dạy bóng đá cho học sinh tiểu học, ông Nam cho rằng trẻ lớp 1 chưa cần dùng sách Giáo dục thể chất. Các em cần được rèn luyện thân thể thông qua trò chơi vận động, đồng thời học thêm một số kỹ năng mềm cần thiết như sơ cứu vết thương.

Nói về giáo án cơ bản của môn bóng đá, ông Nam cho rằng thông thường, bài giảng có 3 phần: Mở đầu, nội dung chính và kết thúc.

Ở phần mở đầu, giáo viên cho học sinh khởi động (khởi động chung và khởi động chuyên môn), đồng thời gây hứng thú cho các em trước khi bắt đầu vào nội dung chính.

Việc gây hứng thú đóng vai trò quan trọng trong buổi học. Khi trẻ có hứng thú, các em dễ tiếp thu, tinh thần học sẽ được nâng cao.

Với phần nội dung chính, trẻ luyện kỹ năng thông qua trò chơi đơn giản theo cặp, theo nhóm. Ví dụ, khi học chuyền bóng và nhận bóng, nhiệm vụ của giáo viên là dạy trẻ cách thực hiện thao tác chuyền bóng chính xác với những vị trí chân khác nhau, đồng chời nhận bóng gọn gàng.

Đặc biệt, trong môn học này, giáo viên dạy trẻ phải có tinh thần thể thao, biết chủ động nhặt bóng, không ỷ lại người khác.

Kết thúc bài học, trẻ cần thả lỏng, căng cơ, nghỉ ngơi. Cơ thể của học sinh tiểu học chưa phát triển toàn diện, giáo viên cần giúp các em thả lỏng đúng cách, tránh để chấn thương, ảnh hưởng sức khỏe.

Ông Nam nhấn mạnh, điều quan trọng khi dạy đá bóng nói riêng và thể dục, thể thao nói chung là giúp trẻ hiểu thêm về tinh thần thể thao và có những kỹ năng mềm cần thiết.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn