Sau 'ngọn lửa Hải An', số người đăng ký hiến tạng tăng nhanh, nhiều bệnh nhân nghèo được cứu sống

Cánh én tiên phongChủ Nhật, 10/02/2019 06:04:00 +07:00

Cả nước có gần 20.000 người đăng ký tặng lại bộ phận cơ thể sau khi qua đời, đây được coi là bước tiến mới giúp các bệnh nhân có được một “cuộc đời mới”.

Khởi nguồn từ “ngọn lửa" Hải An

Câu chuyện về bé Hải An thực sự làm lay động trái tim hàng vạn người. Đứa trẻ này đã góp phần không nhỏ cho thành công của những tấm lòng nhân ái đăng ký hiến mô/tạng ngày hôm nay. 

Tháng 9/2017, bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) con gái của chị Nguyễn Trần Thùy Dương (trú tại thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện những dấu hiệu bất thường (méo mồm, hai mắt có hiện tượng song thị) của căn bệnh u não.

Trải qua bao ngày tháng chiến đấu với bệnh tật, tới 15/1/2018, bé Hải An chính thức nhập viện, và cũng kể từ đó, câu chuyện về một cô bé 7 tuổi với trái tim nhân ái thực sự bắt đầu.

Ngay sau khi con nhập viện, chị Dương quyết định xin nghỉ làm để mong được đồng hành cũng cô bé trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Trong tất cả những câu chuyện chị kể trong khoảng thời gian bé Hải An nằm giường bệnh, có một câu chuyện cho tới nay không ai là không nhớ, chuyện “hiến tặng nội tạng cho người bị bệnh”.

be hai an

 Câu chuyện được bắt đầu từ một cô bé mới 7 tuổi - bé Hải An.

Một ngày, khi tỉnh táo, bé Hải An nói với mẹ câu nói chất chứa những tâm tư: “Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác”… Câu nói khiến chị Dương nghẹn lòng lại.

Môt tuần trước khi ra đi, Hải An rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Trước đó, suốt một tháng em sống trong trạng thái mở nội khí quản. Để nhìn mẹ, nhìn cuộc đời em chỉ mở mắt được 3 lần. Tiếp sau đó, căn bệnh u não quái ác đã lấy đi của em khả năng nói và cử động.

Tuy phải chịu đựng đau đớn là thế, nhưng cô gái bé nhỏ mang tên “Hải An” vẫn chưa một lần tỏ ra yếu đuối, cũng chưa một lần em kêu than với ai về tình trạng của mình. Chỉ biết rằng, di nguyện cuối cùng của em sau khi ra đi là được cống hiến cho đời, cho người.

Thực hiện di nguyện của con, chị Dương quên đi nỗi đau, đăng ký hiến tạng con. Nhưng do luật pháp quy định, những ai trên 18 tuổi mới được cho tạng, nên bé Hải An chỉ được hiến đi giác mạc của mình.

Chiều 22/2, bé Hải An qua đời vì bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em. Thực hiện theo đúng ước nguyện trước lúc ra đi, giác mạc của em đã được hiến để ghép cho 2 người may mắn. Trong đó, một bệnh nhân 42 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác di truyền, và một bệnh nhân trên 70 tuổi bị bệnh sẹo đục giác mạc.

Cả hai ca phẫu thuật ghép đều được thực hiện thành công. Hai bệnh nhân nhờ có được giác mạc của em giờ đã có thể nhìn sáng hơn và ổn định.

Số người đăng ký hiến tạng ngày càng tăng

Câu chuyện về bé Hải An 7 tuổi tình nguyện hiến giác mạc giúp người làm lay động không biết bao nhiêu trái tim. Sau sự kiện này, số người đăng ký hiến tạng được lan rộng, giúp nhiều người được "sống thêm lần nữa".

ghep tang 3

 Nhờ nghĩa cử cao đẹp của những người đã khuất, không ít những mảnh đời đã được cứu sống đầy diệu kỳ.

Em Phạm Văn Cơ (15 tuổi, tại Đà Nẵng) bị suy tim giai đoạn cuối, nhưng do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, em không có tiền chữa bệnh mà cố gắng cam chịu cơn đau hành hạ. Để cứu mạng sống, em cần phải chờ đợi một phép màu mong sao có được một trái tim thay thế.

Thế rồi phép màu đã đến, 10h sáng 13/6/2018, Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia nhận được nguồn tạng hiến phù hợp với em. Đó là trái tim của một người rất trẻ không may bị tai nạn rơi vào trạng thái chết não dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Trái tim vượt 700 km để giúp em được “sống thêm lần nữa”, sống một cuộc đời có ích và ý nghĩa hơn.

Ngay sau ca ghép tạng hồi sinh cho thiếu niên 15 tuổi này, liên tiếp trong một  tháng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nguồn tạng hiến từ 4 người cho đã chết não để ghép, cứu sống 16 bệnh nhân. Đây được coi là một kỳ tích trong y học, một điểm sáng của ngành ghép tạng của Việt Nam.

Chia sẻ về điều nay, GS. TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong số những bệnh nhân nhận tạng từ người hiến có 4 bệnh nhân suy tim, 4 người suy gan và 8 bệnh nhân suy thận. Hai quả tim đã được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế ghép cho các bệnh nhân.

“Trước đây hàng năm chỉ có 1 – 2 ca hiến tạng, nhưng giờ đã khác. Điều này chứng minh một điều là người dân đã có cái nhìn cởi mở hơn về việc này. Cộng đồng cũng nhìn nhận việc hiến tạng của người cho chết não như một hành động nhân văn, có ý nghĩa và là sự chia sẻ với mọi người để hồi sinh sự sống”, GS. TS Trần Bình Giang nói.

hien mo tang 4

 Cho đi là nhận lại - Đó vốn là nghĩa cử cao đẹp tồn tại bao đời nay. 

Tiếp câu chuyện về 16 người được “sống lại”, là hàng loạt những câu chuyện cao đẹp khác được viết tiếp. Trong đó phải kể đến trường hợp của bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, ở Hà Nội).

Bé bị mắc bệnh nan y từ năm 2 tuổi, trải qua 10 năm chống chọi với bệnh tật, tới 11h trưa 2/7/2018, em trút hơi thở cuối cùng. Em cùng mẹ quyết định hiến giác mạc để mang lại ánh sáng cho người khác.

Chàng kỹ sư 37 tuổi anh Nguyễn Xuân Hải (trú tại Hà Nội) cũng hiến tặng mô/tạng cho những bệnh nhân khác không có khả năng chữa trị, sau khi qua đời vì tai nạn và rơi vào trạng thái chết não. Nhờ sự kết nối của Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia cùng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hai thận và hai giác mạc của anh Hải được nhận để ghép cho 4 người đang chờ đợi.

Còn rất nhiều người khác đã có nghĩa cử cao đẹp cứu người. Họ đến từ nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau nhau. Đó là có thể là MC truyền hình, có người là cô giáo, là doanh nhân, là 600 vị tăng ni, phật tử trong chùa Giác Ngộ (TP. HCM) hay thậm chí là vị Tùy viên Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Họ đều vì cứu người mà đến, chấp nhận cho đi một phần cơ thể mình sau khi đã chết để viết tiếp tương lai cho những mảnh đời đau khổ, bệnh tật. Họ xứng đáng để được vinh danh như những người anh hùng.

Vừa qua, chúng ta lại một lần chứng kiến hình ảnh về người “anh hùng” như vậy. Đó là trường hợp của anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, trú tại TP Ninh Bình). Anh Quý phát hiện mình mắc căn bệnh dị dạng mạch máu não từ tháng 11/2018. Tâm nguyện cuối cùng của anh trước lúc ra đi là hiến mô/tạng của mình.

nu hon nguoi vo 5

Sự chia ly vốn không dễ dàng để chấp nhận, nhưng những trái tim nhân hậu sẽ còn mãi với thời gian.

Anh đã tặng lại tim, gan, phổi và 2 thận cho 5 người bệnh nặng đang chờ đợi. Trong đó tim, gan, phổi và 1 thận được ghép tại Bệnh viện Việt Đức, 1 thận được chuyển cho 1 bệnh nhi tại Bệnh viên Nhi đồng 2 ( TP.HCM). Đặc biệt, phổi của anh Quý đã được kíp y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ghép cho 1 bệnh nhi 17 tuổi. Đây là lần thứ 2 Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não.

Theo PGS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não.

Và cũng là lần đầu, ngành y tế Việt Nam ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP.HCM. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.

Những tín hiệu tích cực

Tính từ ca ghép thận đầu tiên ở nước ta được thực hiện vào tháng 6/1992 tại Bệnh viện Quân y 103, tới nay trải qua hơn 25 năm, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với hàng ngàn ca ghép tạng các loại.

Đến 24/12/2018, Việt Nam thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi.

Riêng bệnh viện Việt Đức thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.

Đây là tín hiệu thực đáng lưu tâm trong thời điểm cả nước có không ít những bệnh nhân đang rất cần được cứu giúp.

pham van co 6

 Sự hi sinh cao cả của người đã khuất để đổi lấy nụ cười cho những tâm hồn ở lại.

Theo GS. TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Do vậy, để phần nào giảm bớt gánh nặng cho những bệnh nhân trên, hơn lúc nào hết, cần sự chung tay của cả một cộng đồng.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia, Năm 2014, có tổng số 265 trường đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não; năm 2015 là 3542 trường hợp; năm 2016: 6726 trường hợp; đến 2017: 11.835 trường hợp.

Đáng chú ý, sau câu chuyện xúc động của bé Hải An, số người đăng ký tăng lên rất cao. Tính cho tới thời điểm 24/12/2018, đã có 19.726 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Riêng trong năm 2018 đã có hơn 7.000 người đăng ký, cao nhất trong các năm. Điều này thể hiện phần nào cộng đồng đã có sự quan tâm hơn tới việc hiến tặng mô/tạng nói chung trong thời gian qua.

Nhằm hạn chết những bất cập trong việc hiến mô/tạng cứu người, nhiệm vụ của Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia là điều phối ghép tạng công khai, minh bạch. Những người có tên trong danh sách “Chờ ghép Quốc gia” sẽ được ghép theo thứ tự. Trong đó, người đang cấp cứu, trẻ em được xếp vào diện ưu tiên.

Hiện đang có khoảng 16.000 bệnh nhân chờ ghép tạng và 300 người cần ghép giác mạc.

Video: Gặp tai nạn chết não trên đường đi công tác, kỹ sư hiến tạng cứu 4 người

Phạm Quý
Bình luận