Sau khủng hoảng ở Nhật, thế giới "sợ" điện hạt nhân?

Thế giớiThứ Năm, 31/03/2011 04:30:00 +07:00

(VTC News) - Kể từ khi xảy ra sự cố Fukushima, rất nhiều nước trên thế giới đã quyết định hủy bỏ hoặc tạm hoãn việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại nước mình

(VTC News) - Kể từ khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hôm 11/3, rất nhiều nước trên thế giới đã quyết định hủy bỏ hoặc tạm hoãn việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại nước mình.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã yêu cầu cho ngừng vận hành tạm thời 7 nhà máy điện hạt nhân, đồng thời hoãn việc mở rộng và nâng cấp một số nhà máy khác hiện đang hoạt động ở nước này, mặc cho kế hoạch mở rộng và nâng cấp này đã được thông qua trong năm ngoái. Còn Thụy Sỹ cho dừng hẳn việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới đã được lên kế hoạch.

Sau khi xảy ra sự cố Chernobyl, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Italia đã khiến chính phủ nước này phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, Ý đang xem xét việc tái thiết ngành công nghiệp điện hạt nhân, do nước này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt điện năng và phải mua điện của Pháp. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn lại 1 năm, để nước này có thể tiến hành đánh giá lại mức độ an toàn và một số các tiêu chuẩn khác đối với các nhà máy điện hạt nhân.

Fukushima I hoang tàn sau động đất và sóng thần 

Tại Mỹ, kế hoạch xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân đã bị trì hoãn 30 năm, kể từ sau sự cố tại nhà máy Three Mile Island. Gần đây, kế hoạch này đã được nhắc lại và đáng lẽ có thể đã được tái khởi động. Tuy nhiên, hiện tại, họ đang xem xét lại các vấn đề liên quan tới mức độ an toàn của kế hoạch này. Cả Pháp, Nga và một số các quốc gia khác cũng đang bắt đầu xem xét lại các tiêu chuẩn của nước mình.

Các làn sóng phản đối mạnh mẽ nhất đang đè nặng lên các nước công nghiệp mới nổi, những nước đang có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về điện năng ngày càng tăng do tăng trưởng kinh tế.

Hôm 24/3, sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Thủ tướng Thái Lan, ông Abhisit Vejjajiva, đã chỉ đạo giới chức nước này xem xét một phương án thay thế cho việc sử dụng điện hạt nhân nhằm đáp ứng các nhu cầu về điện năng của nước này.

Tại Phillippines cũng có một lò phản ứng hạt nhân bị hỏng và đã phải đóng cửa. Tổng thống Philippines, Benigno Aquino, đã chỉ đạo giới chức hữu quan không nên vội vàng đưa lò phản ứng này hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, Malaysia và Indonesia cũng tỏ ra thận trọng hơn đối với vấn đề này.

Bình luận trên đài phát thanh Nhật Bản hôm 30/3, ông Suzuta Atsuyuki, một nhà báo tự do cho biết, theo kế hoạch về năng lượng cơ bản được đưa ra tháng 6/2010, Chính phủ Nhật Bản đặt ra mục tiêu tăng thị phần điện hạt nhân trong tổng nguồn cung điện từ 26% như hiện nay lên 50% vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu như đã đề ra thì phải xây mới ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, sự cố này sẽ khiến cho việc tìm kiếm địa điểm đặt các lò phản ứng trên trở nên hết sức khó khăn. Vì vậy, phía Nhật Bản chắc chắn sẽ phải xem xét lại các mục tiêu này.

Ông Suzuta Atsuyuki nhận định, vấn đề là liệu chúng ta sẽ xử lý như thế nào khi mà thiệt hại trên thực tế trầm trọng hơn những gì mà chúng ta dự đoán, và coi đó mới thực sự là chìa khóa cho vấn đề.

Đ.L(theo NHK)

Bình luận
vtcnews.vn