Sau Hoàng Sa, Trung Quốc có thể triển khai tên lửa ở Trường Sa

Thế giớiChủ Nhật, 21/02/2016 06:31:00 +07:00

Trung Quốc có thể triển khai tên lửa ở Trường Sa

Từ việc triển khai máy bay chiến đấu và giờ đây là tên lửa đất đối không, việc Trung Quốc đang mở rộng hạ tầng ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là dấu hiệu cho các kế hoạch lâu dài để củng cố tầm với quân sự của họ ra ngoài Biển Đông.

Các chuyên gia an ninh và các nhà ngoại giao tiếp xúc với giới chiến lược quân sự Trung Quốc nói, các hành động của Bắc Kinh nhằm trang bị và mở rộng các đảo họ chiếm giữ bất hợp pháp lâu nay ở Hoàng Sa có thể được lặp lại trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp và mở rộng trái phép ở quần đảo Trường Sa cách đó 500km. 

Cuối cùng, cả hai quần đảo được chờ đợi sẽ sử dụng cho hoạt động của máy bay chiến đấu cũng như hoạt động giám sát thường xuyên, kể cả các cuộc tuần tra chống tàu ngầm, trong khi cũng là nơi ở cho số dân thường đáng kể trong nỗ lực củng cố các đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc. 
Các hình ảnh trên đảo Phú Lâm chụp ngày 3.2 và 16.2
Các hình ảnh trên đảo Phú Lâm chụp ngày 3.2 và 16.2 
Điều quan trọng là việc này sẽ đem lại cho Bắc Kinh tầm với nhằm cố gắng thực thi các khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự khư khu vực họ đã tuyên bố trên Biển Hoa Đông cuối năm 2013. 

Các quan chức Mỹ tuần qua khẳng định việc Trung Quốc rất gần đây đã đặt tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc có mặt nhiều nhất trên quần đảo Hoàng Sa. Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ngược lại với cam kết của họ không quân sự hóa các khu vực họ đòi chủ quyền. 

Bắc Kinh nói rằng họ có quyền "đặt các thiết bị phòng vệ hạn chế" trên cái gọi là lãnh thổ của họ, và nói rằng các báo cáo về việc đặt tên lửa là sự thổi phồng của báo chí. 

Ian Storey, chuyên gia Biển Đông ở Viện nghiên cứu Yusof Ishak ở Singapore, nói ông tin rằng những vũ khí tương tự có thể được triển khai tới các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa trong 1 -2 năm tới. 

"Điều này sẽ cho phép Trung Quốc hậu thuẫn những lời cảnh báo của họ bằng năng lực thực tế"  - ông nhận xét. 

Bonnie Glaser, nhà phân tích quân sự ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Mỹ (CSIS) ở Washington, nói việc củng cố ở Hoàng Sa có thể là sự báo trước cho việc triển khai quân sự tương tự trên các đảo mà Trung Quốc gần đây cải tạo ở Trường Sa. 

Trong khi các quan chức Trung Quốc có thể sử dụng các chiến dịch đang diễn ra của Mỹ trên Biển Đông như lời biện bạch cho việc làm của họ, thì "vẫn có một kế hoạch đã được thực hiện một thời gian lâu nay" - bà Glaser nói. 

Nhóm tên lửa HQ-9 có hệ thống dò đường radar với tầm bắn 200km và là vũ khí phòng vệ đáng kể nhất từ trước tới nay mà Trung Quốc đặt ở Hoàng Sa - các tùy viên quân sự trong khu vực cho hay. 

Hành động này có thể làm phức tạp thêm các cuộc tuần tra giám sát mà máy bay Mỹ và Nhật thường xuyên tiến hành, cũng như các chuyến bay của máy bay ném bom tầm xa B-52 của Mỹ.

Trung quốc đã đưa máy bay chiến đấu phản lực tới đường băng mở rộng trên đảo Phú Lâm tháng 11.2015, việc củng cố các nhà để máy bay ở đây đã hoàn thành - các nhà ngoại giao trong khu vực cho biết. 

Việc phủ sóng radar và các thiết bị giám sát điện tử khác cũng đã được cải thiện, và các nhà phân tích chờ đợi rằng Hoàng Sa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hạm đội tàu ngầm vũ trang hạt nhân của Trung Quốc đóng tại đảo Hải Nam cách 200km về phía bắc. 

Tháng Giêng vừa qua Trung Quốc tuyên bố việc thử nghiệm hạ cánh thành công máy bay dân sự xuống đường băng dài 3km ở Đá Chữ Thập. Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng các chuyến bay quân sự đầu tiên từ Trường Sa có thể bắt đầu trong vài tháng tới.

Nguồn: Lao Độn
g
Bình luận
vtcnews.vn