Sau hiệp định TPP, giá ô tô liệu có rẻ hơn?

Kinh tếThứ Năm, 08/10/2015 06:32:00 +07:00

Hiệp định TPP sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân là vấn đề được nhiều người dân gửi đến Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

(VTC News) - Liên quan đến các vấn đề còn thắc mắc của Hiệp định TPP, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi trao đổi với báo giới ngày 7/10 để làm rõ nhiều nội dung mà người dân đang quan tâm.

- Người tiêu dùng người ta băn khoăn là TPP được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế người tiêu dùng băn khoăn họ sẽ được hưởng lợi gì, cụ thể là giá ô tô sắp tới có rẻ hơn không?

Sau giai đoạn kết thúc đàm phán, sẽ phải công bố nội dung hiệp định để người dân được hiểu chi tiết hơn về những lợi thế, ưu đãi mà hiệp định mang lại cũng như những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đương đầu. Khi đó, chúng tôi nghĩ rằng, người dân có điều kiện tìm hiểu. Nếu có gì chưa rõ, người dân có thể liên hệ Bộ Công thương, đoàn đàm phán cũng như các bộ ngành liên quan. Hiệp định TPP sẽ là một hiệp định công khai, minh bạch.

- Nhiều bà con nông dân, nhất là ngành chăn nuôi, lo lắng vì nhiều ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhất. Xin Bộ trưởng bình luận về vấn đề này?

Sau hiệp định TPP, giá ô tô có rẻ hơn không?
Sau hiệp định TPP, giá ô tô có rẻ hơn không? 
Sau hiệp định TPP, giá ô tô có rẻ hơn không?- Việc bà con quan tâm lo lắng là có cơ sở bởi vì chúng ta đã biết khi chúng ta mở cửa thị trường, chúng ta không thể hạn chế việc tạo điều kiện cho hàng hoá của nước ngoài, trong đó có cả hàng nông sản được xuất khẩu đến VN.


Một mặt, nó sẽ là một tác nhân thuận lợi cho người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hoá đa dạng hơn với chất lượng cao, giá cả phù hợp, mẫu mã hấp dẫn.

Nhưng ngược lại, trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, đây là một lĩnh vực chúng ta còn yếu do chúng ta còn nhỏ lẻ, phân tán. Không phải chỉ riêng trong đàm phán hiệp định TPP mà kể cả trong các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng yêu cầu các nước dành cho VN một lộ trình tương đối dài để bảo hộ một cách hợp lý những sản phẩm của chúng ta còn đang yếu.

Sau lộ trình đó, chúng ta sẽ phải vươn lên. Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của chính phủ và trung ương đó là cố gắng lựa chọn, thuyết phục các đối tác.

Tuy nhiên, bản thân lộ trình này chưa đủ, chúng ta còn phải cố gắng tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sẽ có những mô hình sản xuất mới, tập trung hơn, quy mô hơn để có những điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động.

Tôi nghĩ điều này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và chính quyền các cấp sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu và sẽ có những biện pháp cụ thể để thu hẹp trình độ phát triển của nông nghiệp VN và nông nghiệp các nước. Tôi xin khẳng định rằng, trong đàm phán và chỉ đạo của Trung ương, lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân rất được quan tâm. Vì vậy, chúng ta tìm cách biến thách thức khó khăn đó thành cơ hội.

- Ngành dệt may và da giầy được cho là có nhiều lợi thế nhất khi tham gia TPP nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ngành dệt may hiện nay là một trong những ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho cả nước. Đứng trong tốp đầu trong các sản phẩm hàng hoá mà VN xuất khẩu ra nước ngoài.

Qua TPP, rất nhiều lĩnh vực của chúng ta có lợi thế vì thuế nhập khẩu của các nước trong TPP sẽ giảm xuống, thậm chí ở mức 0%. Cho nên ngành dệt may sẽ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới đây rất là cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ngành dệt may cũng đương đầu với những khó khăn.

Thứ nhất, tỉ lệ mà phụ kiện, phụ tùng, phụ phẩm sản xuất ở VN để làm ra sản phẩm dệt may nó còn đang thấp, hiện nay chỉ ở khoảng 50%, 50% còn lại chúng ta phải nhập từ bên ngoài. Vì thế, vấn đề đặt ra đối với ngành dệt may là chúng ta phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất ở trong nước.

Thứ 2, làm tốt hơn công tác thu hút đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng đó ở VN. Có như vậy, chắc chắn ngành dệt may của chúng ta sẽ có giá trị gia tăng lớn hơn. Đây là kỳ vọng và cũng là quyết tâm của ngành dệt may.

- Thưa Bộ trưởng, hiệp định TPP tạo sức ép cải cách thể chế trong nước như thế nào?

- Các yêu cầu của hiệp định TPP rất là cao, trong đó có việc thực thi khuôn khổ pháp lý bao gồm các quy định có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực khác.

Thật ra thì những việc này hiện nay chúng ta đang làm. Mục đích của chúng ta là tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình mới. Đi đôi với đó là xây dựng ban hành mới những quy định pháp luật khác, cho nên dù rằng có TPP hay không có TPP, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế của chúng ta.

Theo tôi, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là hết sức quan trọng và cần thiết. Chúng ta cần phải làm ngay để bắt kịp tiến độ khi mà hiệp định đi vào hiệu lực.

- Khi nào công bố toàn văn nội dung hiệp định TPP?

Theo thoả thuận giữa các nước TPP, các nước sẽ có một thời gian rà soát lại lời văn của hiệp định và sau khi rà soát xong, sẽ công bố rộng rãi cho nhân dân, cho xã hội với mục đích để mọi người hiểu được nội dung chính của TPP, những quyền lợi mà TPP mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, đất nước, và xã hội.

Bên cạnh đó, có những vấn đề thách thức đặt ra mà chúng ta phải đương đầu để chúng ta có biện pháp ứng phó phù hợp. Vì hiệp định dài đến cả ngàn trang nay thời gian công bố còn phụ thuộc vào tiến độ dịch, rà soát nội dung của dự thảo hiệp định. Chúng tôi sẽ cố gắng công bố nhanh. Bộ Công thương và các bộ ngành sẽ nỗ lực hết sức.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn