Sau gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, kỳ thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức thế nào?

Giáo dụcThứ Ba, 31/07/2018 12:45:00 +07:00

Tại buổi gặp gỡ các chuyên gia giáo dục do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết có những điều cần sửa ngay để đảm bảo cho chất lượng và công bằng ở kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Ngày 30/7, nhiều chuyên gia giáo dục đã có 2 buổi trao đổi cởi mở, thẳng thắn với Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại trụ sở Chính phủ. 

DDN_1356 14

  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị mọi chuyên gia thẳng thắn, cởi mở cho ý kiến.

Sau đây là các ý kiến các chuyên gia giáo dục:

1) Đề thi THPT Quốc gia 2018 là khó và quá khó đối với học sinh, không chỉ các môn Toán, tiếng Anh hay Tổ hợp KHTN mà kể cả Ngữ văn và Lịch sử.

2) Quy chế xét tốt nghiệp THPT bảo gồm cả điểm học bạ và điểm thi nên mặc dù tỷ lệ điểm thi trên trung bình thấp nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn cao, cả nước có tỷ lệ 97,57%.

3) Phần mềm chấm thi trắc nghiệm có nhiều "kẽ hở" về bảo mật, phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách nên đã làm cho tiêu cực dễ hơn như vụ việc ở Hà Giang. Quy trình sao dữ liệu ra đĩa CD thực ra cũng không cần thiết vì hoàn toàn dữ liệu quét phiếu trả lời có thể truyền ngay về cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT nếu như quy trình ban đầu có điều này thì hoàn toàn có thể tổ chức thực hiện được.

4) Vấn đề coi thi ở các địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có những "kẽ hở" cho việc gian lận.

5) Căn bệnh thành tích còn trầm trọng và phổ biến thể hiện ở việch đánh giá kết quả học tập của các nhà trường đã tạo "phao cứu sinh" cho xét tốt nghiệp THPT.

6) Đào tạo đại học ở một số trường chưa quản lý tốt chất lượng, có hiện tượng cứ vào là sẽ ra và có bằng cử nhân làm thúc đẩy hiện tượng tiêu cực ở đầu vào. Tuy nhiên vẫn có những trường đại học làm tốt việc quản lý chất lượng, hàng năm đã loại nhiều sinh viên không đáp ứng được các yêu cầu về năng lực học tập.

7) Nếu nhìn áp lực trong việc đi thi trước năm 2015 mới thấy việc cải tiến thi cử theo hướng giảm chi phí cho các gia đình, giảm tiêu cực cho hiện tượng quay cóp, giảm số lần thi liên tiếp trong một thời gian là cần thiết và cấp bách nhất trong các việc cần đổi mới của giáo dục, thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Đảng. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của các kỳ thi những năm vừa qua và cũng là lý do chúng ta không thể quay trở lại những hình thức thi trước năm 2015.

8) Mục tiêu của kỳ thi THPT Quốc gia chủ yếu là để xét tốt nghiệp THPT và phấn đấu thế giới công nhận bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam. Theo Điều 31 của Luật Giáo dục hiện hành thì học sinh học hết 12 năm phải thông qua kỳ thi để được công nhận tốt nghiệp do Bộ GD-ĐT quy định. Bởi vậy không thể bỏ được kỳ thi này.

le-thong-nhat-2 13

 TS Lê Thống Nhất nêu ý kiến góp ý cho Bộ GD-ĐT.

9) Có thể nghiên cứu sửa đổi Luật Giáo dục nhưng điều quan trọng của kỳ thi còn để đánh giá việc dạy và học ở các đơn vị giáo dục. Do đó nhiều ý kiến yêu cầu bỏ kỳ thi chỉ cần xét học bạ sẽ dễ dẫn đến tình trạng học lệch ngay từ đầu cấp THPT do tâm lý "thi gì, học nấy" đã ăn sâu vào tiềm thức của học sinh.

10) Theo Điều 34 Luật Giáo dục Đại học thì các trường Đại học được tự chủ, đề xuất phương án tuyển sinh, kể cả việc sử dụng hay không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia.

11) Với tâm lý từ Bộ GD-ĐT lo đề thi với mục tiêu "2 trong 1" nên đã không ổn định về nguyên tắc ra đề thi. Năm 2017 thì bị kêu quá nhẹ và năm 2018 đã nâng độ khó lên làm cho xã hội nghĩ rằng kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tuyển sinh Đại học. Điều này không đúng với yêu cầu của kỳ thi THPT. Trước kỳ thi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: "Kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu là thi tốt nghiệp THPT". Cần quán triệt và truyền thông đầy đủ đúng mục tiêu của kỳ thi, không gọi tắt "2 trong 1" để dư luận hiểu sai.

12) Phương án tuyển sinh của đại học, học viện theo Luật Giáo dục Đại học là hoàn toàn tự chủ, Bộ GD-ĐT không ép các đơn vị này phải dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong thực tế đã có những trường hoàn toàn tự chủ, chỉ lấy kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia khi còn tin tưởng và có thể bổ sung các tiêu chí khác, thậm chí những khảo sát riêng bằng nhiều hình thức để quyết định tuyển sinh.

XEM THÊM BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY

13) Ngân hàng đề thi trắc nghiệm chưa chất lượng, các tổ ra đề còn chưa được đào tạo chuyên nghiệp về ra đề trắc nghiệm, thậm chí còn chưa biết phát huy ưu điểm kiểm tra rộng kiến  thức hơn so với thi tự luận. Điều đặc biệt quan trọng là đề thi trắc nghiệm rất khó kiểm tra bề sâu của kiến thức hay những sáng tạo của học sinh giỏi mà chỉ thích hợp với việc đánh giá ở mức độ theo chuẩn kiến thức kỹ năng cho đại trà.

14) Chuyên gia cho rằng cần rà soát lại quy trình thi sao cho "không thể gian lận, không dám gian lận" và cần nâng cao việc quản lý chất lượng ở đào tạo đại học sao cho ở việc tuyển sinh đầu vào sẽ "không muốn gian lận, không cần gian lận" như kinh nghiệm về cải tiến thi cử ỏ Singapore.

15) Một số đề nghị mua ngân hàng đề thi của những đơn vị khảo thí nước ngoài có uy tín nhưng họ đã đầu tư nhiều chục năm với những khoản tiền rất lớn, họ không bán, không cho thuê và đặc biệt không cho Việt hoá và họ phải kiểm soát việc sử dụng để bảo đảm uy tín. Bởi vậy, ngoài việc Bộ GD-ĐT phải tích cực xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm thì cần phát huy từ các đơn vị doanh nghiệp, tất cả thầy cô đóng góp ngân hàng đề thi có chất lượng. Việc này bước đầu đã có giải pháp thực hiện.

16) Các Hiệu trưởng trường THPT cho rằng rất cần một kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi nếu không có kỳ thi thì nhà trường không thể chỉ đạo được hoạt động học tập của học sinh.

hop 1 11

  TS. Lê Thống Nhất phát biểu.

17) Ngoài việc giám sát bằng con người trong khâu coi thi có thể trang bị công nghệ giám sát, tuy nhiên việc này khó có thể thực hiện đồng loạt ngay.

18) Việc giám sát coi thi vẫn rất cần thiết tới lực lượng từ các trường Đại học, Học viện tham gia nhưng phải có quy chế ràng buộc chặt chẽ cùng chịu trách nhiệm khi tiêu cực xảy ra.

19) Chịu trách nhiệm tổ chức thi ở các địa phương là UBND các tỉnh thành nên tiêu cực xảy ra thì trước hết là trách nhiệm của UBND chứ không chỉ là Sở GD-ĐT. Cần xử lý nghiêm minh nhưng không để ảnh hưởng đến học sinh.

20) Bộ GD-ĐT cần công bố lộ trình về đổi mới hình thức thi cử để xã hội được biết.

21) Tâm lý chung của các trường đại học còn ngại trong việc tự ra đề riêng để tuyển sinh, bởi vậy vẫn muốn kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, đáng tin cậy để dựa vào kết quả kỳ thi xét tuyển.

Pho-Thu-tuong-Vu-Duc-Dam-cam-on-cac-chuyen-gia-da-dong-gop-nhung-y-kien-bo-ich 9

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp những ý kiến có giá trị.

Thi cử những năm tới thế nào?

Các chuyên gia cũng thống nhất các năm tiếp theo 2019, 2020, chủ trương vẫn thực hiện 1 kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chính là công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT ổn định môn thi và hình thức thi như đã thông báo trước đây. Bộ GD-ĐT cần bám sát mục tiêu này trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt về đề thi, chấm thi trắc nghiệm.

Các trường đại học, học viện, cao đẳng có phương án tuyển sinh tự chủ của mình, không bắt buộc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu tiến tới đánh giá chính xác trình độ học sinh, có thể thi trên máy tính với ngân hàng đề thi tốt đảm bảo với một thí sinh dù ngẫu nhiên gặp đề nào cũng phải có kết quả như nhau về đánh giá năng lực. Bộ cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ và chứng chỉ này đủ uy tín để các trường đại học, học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong những yêu cầu tuyển sinh của mình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì?

phung-xuan-nha-3 12

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia giáo dục.

Không chỉ trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức mà ngay trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm. Ông Nhạ khẳng định xin chịu trách nhiệm về những thiếu sót trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Một số thiếu sót được chỉ ra như: "Đề thi chưa phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia (đề khó so với yêu cầu của thi THPT), việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao; Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu; Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận".

Vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng những điều này cần sửa ngay để đảm bảo cho chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới.

Bộ trưởng Nhạ đưa ra một số giải pháp như: "Xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.

Tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi mà những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường đại học, học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn Ngữ văn cũng theo hình thức này, các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các chuyên gia về việc trao đổi, làm rõ những điều đã đạt được, những ưu điểm của kỳ thi và đặc biệt là những thiếu sót của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Ông Nhạ cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý, giúp sức của các chuyên gia cùng cộng đồng quan tâm tới giáo dục.

Danh sách các chuyên gia giáo dục gặp gỡ, đối thoại với Bộ GD-ĐT:

GS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lãnh đạo của ĐH Quốc gia  HN, ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế quốc dân HN, ĐH Thăng Long. Một số chuyên gia khác như GS. Nguyễn Minh Thuyết, PGS Bùi Thị An, GS. Phạm Tất Dong, GS. Nguyễn Lân Dũng, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, TS. Lê Trường Tùng, TS. Quách Tuấn Ngọc, TS. Lê Thống Nhất, TS. Lương Hoài Nam...

Về phía Bộ GD-ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.

TS Lê Thống Nhất
Bình luận