Sau cú sốc ‘bốc hơi’ 5 tỷ USD, đại gia ngân hàng, bất động sản trỗi dậy

Kinh tếThứ Ba, 19/01/2016 04:42:00 +07:00

Sau khi chứng khoán Việt Nâm “bốc hơi” 5 tỷ USD, VN-Index phục hồi mạnh nhờ sự trỗi dậy của các đại gia ngân hàng và “tiểu gia” bất động sản, xây dựng.

(VTC News) – Sau khi chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” 5 tỷ USD, VN-Index phục hồi mạnh nhờ sự trỗi dậy của các đại gia ngân hàng và “tiểu gia” bất động sản, xây dựng.

Cú sốc “bốc hơi” 5 tỷ USD của chứng khoán

Trong phiên giao dịch khởi đầu tuần mới (18/1/2016), nhà đầu tư chưa kịp khởi động đã gặp cú sốc lớn khi thị trường chứng khoán Việt Nam “lao dốc” không phanh. Sự hoảng loạn của nhà đầu tư đã diễn ra ngay từ đầu phiên giao dịch đã đẩy hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên thị trường lao dốc mạnh.

Có thời điểm, chỉ số VN-Index giảm gần 25 điểm khiến vốn hóa thị trường tên 2 sàn HOSE và HNX “bốc hơi” tới 36.700 tỷ đồng (tương đương 1,64 tỷ USD). Cụ thể, vốn hóa trên sàn HOSE giảm hơn 33.000 tỷ  đồng xuống chỉ còn 1.044.700 tỷ đồng, vốn hóa trên sàn HNX giảm 3.600 tỷ đồng 140.500 tỷ đồng.

Tính chung từ đầu năm tới kết thúc phiên 18/1, tổng vốn hóa trên cả 2 sàn HOSE và HNX đã mất tới 113.300 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).
Tính tới 18/1, chứng khoán Việt Nam bốc hơi 5 tỷ USD
Tính tới 18/1, chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" 5 tỷ USD
Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho đà “lao dốc” này như giá dầu, chứng khoán Trung Quốc, căng thẳng chính trị,... nhưng nhiều ý kiến cho rằng tâm lý là nguyên nhân chính đẩy VN-Index giảm sâu. Trước cú sốc “bốc hơi” 5 tỷ USD của chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhanh chóng trấn an dư luận.

“Vừa qua do tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề giá dầu nên thị trường chứng khoán các nước diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, Việt Nam được đánh giá là chịu tác động ít nhất và tác động (nếu có) chỉ mang tính chất gián tiếp.

Mặc dù vậy, trong phiên giao dịch ngày 18/01/2016, các chỉ số có sự sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tâm lý khi một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng giảm sâu và liên tục. Điều này không thể hiện đúng với tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam cũng như tình hình hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết” - Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhận định.

Vì vậy, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đề nghị các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán phối hợp tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ, báo cáo hàng ngày về các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch bất thường, kịp thời báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ trục lợi, tung tin đồn.

Đại gia ngân hàng trỗi dậy

Ngay sau khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước lên tiếng trấn an, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại. Sau “ngày thứ hai đen tối”, phiên giao dịch 19/1 diễn ra khá suôn sẻ. Ngay từ đầu phiên, VN-Index đã lấy lại sắc xanh. Càng về cuối phiên, nhà đầu tư càng phấn khích giúp VN-Index tăng 9,4 điểm, tương ứng 1,79% lên 535,77 điểm.

Đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index là cổ phiếu ngân hàng, tài chính. Trong đó BVH đứng đầu khi tăng 2.300 đồng/CP lên 47.900 đồng/CP. BVH nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư vì Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2015 với nhiều con số lạc quan. Nhờ BVH tăng mạnh, vốn hóa thị trường của Tập đoàn Bảo Việt có thêm 1.565 tỷ  đồng.
Ông Trầm Trọng Ngân và ông Nguyễn Quốc Cường
Ông Trầm Trọng Ngân và ông Nguyễn Quốc Cường
Đứng ngay sau BVH về tốc độ tăng là VCB. Chốt phiên 19/1, VCB tăng tăng 1.700 đồng/CP lên 40.300 đồng/CP. Nhờ VCB, vốn hóa thị trường của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) có thêm 4.531 tỷ đồng.

Hôm nay, cả STB và BID đều tăng 500 đồng/CP. STB mang về cho Sacombank 902 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Trọng Ngân, cổ đông cá nhân lớn nhất tại Sacombank có thêm 38 tỷ đồng. Trước đây, khi ngân hàng Phương Nam chưa sáp nhập vào Sacombank, ông Ngân là Phó Chủ tịch thường trực của ngân hàng này.

Tăng 500 đồng/CP, cổ phiếu BID giúp vốn hóa thị trường của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng 1.709 tỷ đồng. Tăng 600 đồng/CP lên 17.400 đồng/CP, CTG giúp vốn hóa thị trường Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) có thêm 2.234 tỷ đồng.

BIC là cổ phiếu tài chính, ngân hàng duy nhất tăng trần, tăng 1.000 đồng/CP lên 16.500 đồng/CP. Nhờ BIC, vốn hóa thị trường Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam tăng thêm 117 tỷ đồng.

Tiểu gia bất động sản “leo dốc”

Cổ phiếu ngân hàng góp công lớn giúp VN-Index phục hồi mạnh mẽ nhưng người được hưởng lợi nhiều nhất chính là “tiểu gia” bất động sản, xây dựng. Dù là cổ phiếu nhỏ nhưng các “tiểu gia” này đồng loạt tăng trần.

Cổ phiếu QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tăng 200 đồng/CP lên 4.400 đồng/CP. QCG giúp tài sản của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty tăng thêm 20 tỷ đồng. Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái bà Loan và là em trai doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) có thêm 8 tỷ đồng.

Còn Cường đô la, do sở hữu lượng cổ phiếu nhỏ hơn rất nhiều so với mẹ và em gái nên hôm nay, vị doanh nhân này chỉ nhận thêm 108 triệu đồng.

Ngoài QCG, nhiều cổ phiếu bất động sản nhỏ khác đều tăng trần. Một số mã có thể kể đến như DLG tăng 300 đồng/CP lên 5.700 đồng/CP, DRH tăng 1.400 đồng/CP lên 22.100 đồng/CP, HAR tăng 200 đồng/CP lên 4.300 đồng/CP, PPI tăng 200 đồng/CP lên 4.400 đồng/CP, S12 tăng 200 đồng/CP lên 2.700 đồng/CP, PVL tăng 100 đồng/CP lên 1.500 đồng/CP,...


Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn