Sau 69 năm, Việt Nam hoàn thành nhiều sứ mệnh lịch sử

Thời sựThứ Ba, 02/09/2014 06:27:00 +07:00

(VTC News) - 'Sau 69 năm, chúng ta đã hoàn thành nhiều sứ mệnh lịch sử, từng bước khẳng định vị thế trong thế giới hiện đại' - Nhà sử học Dương Trung Quốc.

(VTC News) - 'Sau 69 năm, chúng ta đã hoàn thành nhiều sứ mệnh lịch sử, từng bước khẳng định vị thế trong thế giới hiện đại' - Nhà sử học Dương Trung Quốc.

dương trung quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc 
- 69 năm từ Tết Độc lập đầu tiên của toàn dân tộc, ông nói gì về sức sống trường tồn của bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như một bài viết mới đây nhất của ông, bản tuyên ngôn ấy, là nền móng cho ý niệm về một nhà nước Việt Nam hiện đại?


Nhìn nhận trong cả quá trình lịch sử dân tộc, sự kiện cách đây 69 năm đã đánh dấu nền độc lập, tự chủ chúng ta giành được sau hơn 80 năm chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và sự chiếm đóng của phát xít Nhật.

Mốc son vẻ vang ấy, đã nối tiếp những trang sử hào hùng của cha ông, như khi Lê Lợi giành tự chủ sau 20 năm dưới ách đô hộ của giặc Minh ở thế kỷ XV hay các thế hệ tiền bối chấm dứt hàng nghìn năm Bắc thuộc….

Nhưng ý nghĩa vĩ đại và tầm quan trọng của sự kiện cách đây 69 năm, là chúng ta không chỉ chấm dứt sự đô hộ của ngoại bang, mà chúng ta còn mở ra con đường phát triển cho nền độc lập dân tộc mà chúng ta giành được.


Việc chấm dứt chế độ phong kiến, tôi cho là dấu mốc hết sức quan trọng, bởi chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm, và đã từng là đại diện cho tinh thần dân tộc, của các triều đại tự chủ Việt Nam.

Nên việc xóa đi chế độ phong kiến, đặc biệt là chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã thỏa hiệp với thực dân, cũng là khởi điểm để chúng ta xây dựng một chế độ chính trị hiện đại trên nền tảng truyền thống.

Vấn đề đặt ra ở thời điểm cách mạng tháng Tám 1945 đó là chúng ta không thể sống như cũ nếu chúng ta muốn hội nhập trong một thế giới hiện đại. Và vấn đề đó đã được giải quyết bằng cuộc cách mạng lịch sử.

Chúng ta giành được độc lập, nhưng điều quan trọng là chúng ta tiến lên theo con đường nào để giữ vững nền độc lập ấy? Lời giải đáp được thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện sự lựa chọn chế độ dân chủ cộng hòa, một nhà nước của dân, do dân, vì dân làm con đường phát triển. Mục tiêu của ý chí đó, không chỉ bảo toàn nền độc lập tự chủ thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, mà còn mang lại cho dân tộc Việt Nam sức sống mới, để chúng ta tồn tại được giữa một thế giới đang có những biến động to lớn.

Tôi cho đấy chính là tinh thần cơ bản nhất của bản Tuyên ngôn độc lập – áng văn kiện bất hủ với sức sống trường tồn, đã là dấu mốc kết thúc một quá trình phấn đấu bằng thực tiễn, bằng xương máu, để mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc.
tuyên ngôn đoocj lập
Tuyên ngôn độc lập – áng văn kiện bất hủ đã mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc.  

- Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9 đã đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ cuộc sống chính mình và vận mệnh dân tộc. 69 năm sau thời khắc thiêng liêng ấy, Việt Nam đã ở vị trí nào trên bản đồ thế giới, về vị thế chính trị, về tiếng nói dân tộc, thưa ông?

Sự kiện lịch sử năm 1945 đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Mặc dù vào cùng thời điểm ấy, nước cộng hòa Indonesia cũng được ra đời trên cơ sở Hà Lan trao trả lại độc lập cho các lực lượng chính trị dân tộc chủ nghĩa ở quốc đảo này.

Nhưng với Việt Nam, chúng ta không chỉ giành độc lập dân tộc vào mùa thu năm 1945, mà còn củng cố nền độc lập ấy bằng cuộc trường kỳ kháng chiến kéo dài 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Tuyên ngôn độc lập cách đây 69 năm đã mở ra một thời đại mới cho toàn dân tộc. Sau 69 năm, chúng ta đã hoàn thành nhiều sứ mệnh lịch sử, và đang tiếp tục từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
 
Thế giới luôn nhìn nhận Việt Nam như ngọn cờ đầu của công cuộc giải phóng thuộc địa, thế nhưng điều quan trọng hơn là sau khi giành độc lập rồi, chúng ta xây dựng cái gì đây? Với nỗ lực to lớn, chúng ta xây dựng xã hội mới, con đường mới phù hợp với đặc điểm riêng của lịch sử văn hóa dân tộc mình, và hướng tới giá trị phổ quát của nhân loại.


Việc chấp nhận giá trị chung của nhân loại để phát triển, tôi cho đó là đường lối đúng đắn. Chúng ta nhớ đến một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ‘Độc lập tự do đã là một sự nghiệp lớn, nhưng có độc lập tự do mà cuộc sống của người dân chưa no ấm, hạnh phúc thì cũng vô nghĩa'.

Tuyên ngôn độc lập cách đây 69 năm đã mở ra một thời đại mới cho toàn dân tộc. Sau 69 năm, chúng ta đã hoàn thành nhiều sứ mệnh lịch sử, và đang tiếp tục từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

- Kiên định với lý tưởng mà Đảng và Bác đã chọn từ mùa thu năm 1945, nhìn lại chặng đường ngót 7 thập niên ấy, chúng ta đã làm được những gì, và còn điều gì cần nỗ lực trong chặng đường trước mắt?


Thành tựu lớn nhất chúng ta đạt được trong ngót 7 thập kỷ kể từ sau bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ấy, là chúng ta không những giữ được nền độc lập tự chủ, mà còn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đưa non sông thu về một mối sau 30 năm đấu tranh.

Trong quá trình bảo vệ chủ quyền dân tộc, chúng ta vấp phải không ít những thách thức của thời đại. Chủ nghĩa thực dân hay các thế lực khác luôn tìm cách làm yếu chúng ta bằng cách chia để trị, và một trong những nguyên nhân chúng ta buộc phải cầm súng chiến đấu, đó là vì mục tiêu thống nhất đất nước.

Và mục tiêu ấy đã được hiện thực hóa vào mùa xuân năm 1975.

Trên nền tảng giải quyết những vấn đề quá khứ, đồng thời tìm ra con đường phát triển tích cực cho tương lai, chúng ta đã từng bước hội nhập với thế giới sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Vậy vấn đề đặt ra cho những chặng đường tiếp theo, đó là bên cạnh việc bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, còn là không ngừng nỗ lực đưa đất nước tiến lên, khẳng định vị thế trong thế giới hiện đại.

- Trong quan niệm về một nhà nước Việt Nam hiện đại từ bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có nhắc tới việc cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã mở ra công cuộc hội nhập với thế giới, tư tưởng hội nhập được thể hiện bằng một đường lối mở rộng cửa hợp tác với nguyên tắc ‘Nước Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không muốn gây sự với ai’.

Thông điệp được đưa ra vào mùa thu năm 1945 ấy thể hiện quan niệm của chúng ta về hội nhập, về ngoại giao và ứng xử với thế giới.

Đặc biệt từ sau thời kỳ đổi mới vào năm 1986, chúng ta đã chấp nhận những giá trị phổ quát của nhân loại, thay đổi để phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với những quy chuẩn chung của nền kinh tế thế giới.

Chúng ta chấp nhận vấn đề nhân quyền, vấn đề được đặt ra ngay trong nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1945, nhưng vì chiến tranh, vì nhiều yếu tố chúng ta chưa thực hiện được. Với bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013, chúng ta đã nhận thức và coi đó là mục tiêu phấn đấu.

- 69 năm sau cuộc cách mạng 'trời long đất lở', dân tộc Việt Nam đang tiến những bước dài trên hành trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta đang phải đối diện với những thử thách và khó khăn gì?


Con đường phát triển là sự tiến bộ không ngừng của nhân loại. Sau 69 năm, chúng ta đã có những thay đổi to lớn, cả dân tộc tiến những bước dài trên nhiều lĩnh vực.

Cho đến bây giờ việc giữ quyền tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ vẫn là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Chúng ta hội nhập với thế giới đang phát triển, đầy những cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức to lớn.

Việt Nam đã hội nhập với thế giới hiện đại nhiều cạnh tranh và xung đột lợi ích bằng một tinh thần trách nhiệm, không chỉ với dân tộc mình mà với cả nhân loại.

Bằng tư duy hiện đại, đồng thời giữ gìn những giá trị truyền thống trên con đường phát triển, chúng ta đã lựa chọn giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra với tư cách một quốc gia có trách nhiệm với thế giới, chấp nhận những cam kết quốc tế, luật pháp quốc tế, từ đó tạo ưu thế trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình.

Tôi cho đó là con đường đúng đắn, dù không hề đơn giản và đòi hỏi nhiều nỗ lực to lớn.
2/9/1945
Sau 69 năm, Việt Nam đã hoàn thành nhiều sứ mệnh lịch sử 
- 2014 cũng là dấu mốc kỷ niệm tròn 45 năm chúng ta thực hiện di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh - một văn kiện thể hiện đạo đức, tư tưởng và tâm hồn cao đẹp của vị Anh hùng giải phóng dân tộc, 45 năm qua, di chúc của Người đã và đang có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc đưa đất nước vững bước đi lên trong thời kỳ quá độ lên CNXH?

Di chúc – là dấu mốc trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng với tư cách là một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, ở những thử thách to lớn nhất của lịch sử, đại diện cho ý chí của toàn dân tộc, thì bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và tiếp tục có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời khi sự nghiệp thống nhất đất nước còn dang dở, nhưng thực tiễn đã chứng minh tư tưởng của Bác soi sáng cho bước đường tiếp theo để chúng ta thực hiện và hoàn thành trọn vẹn mục tiêu Bắc – Nam nối liền một dải.

Con đường xây dựng và phát triển đất nước còn rất dài, chúng ta đã, đang và sẽ còn phát triển trên nền tảng từ những tư tưởng Bác để lại.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nguyên lý cơ bản nhất, tuân thủ nguyên lý ấy, phát huy những giá trị ấy thì chúng ta sẽ thành công ở những con đường phát triển tiếp theo.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách đơn giản đến những vấn đề trọng đại, đặc biệt là tinh thần đoàn kết từ trong Đảng đến đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.

Và sự đoàn kết ấy chỉ được thực hiện bởi một tổ chức chính trị không chỉ có đường lối đúng đắn mà phải có phẩm chất gương mẫu và trong sáng.

Nhưng tầm vóc thời đại của sự đơn giản ấy nằm ở chỗ, đoàn kết và gắn bó người dân ở thời đại ngày nay khác rất xa so với quá khứ. Ở cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, khi lợi ích mỗi người dân gắn với lợi ích dân tộc, sức mạnh của lòng dân được tập hợp nhanh chóng hơn bao giờ hết, thì ở thời hiện đại, khi nảy sinh những xung đột về lợi ích, thì việc tập hợp sức mạnh lúc này lại là bài toán không đơn giản.

Nhưng những nguyên lý để giải bài toán ấy, vẫn như xưa, đó là tinh thần đoàn kết, đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên cao hơn tất thảy, và người lãnh đạo là hạt nhân đoàn kết chứ không phải tầng lớp đặc quyền.

Sức sống lâu dài của di chúc, chính nằm ở chỗ đó.

Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn