Sau 50 năm, EVNNPC tiếp tục thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ theo lời dặn của Bác Hồ

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 03/10/2019 16:04:00 +07:00

Trong thời kỳ đầu của ngành Điện Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tiền thân là Công ty Điện lực đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm hỏi động viên.

Và trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, EVNNPC luôn thực hiện theo lời dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng doanh nghiệp một cách bền vững, xứng đáng với đơn vị đi đầu của ngành điện Việt Nam.

Lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành điện

Trong lần tới thăm hỏi động viên các cán bộ công nhân viên tại Nhà máy điện Yên Phụ và nhà máy Đèn (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại lời nhắn như sau:

“Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô, các chú từ cán bộ đến công nhân, đã ra sức đấu tranh giữ Nhà máy tương đối được hoàn toàn. Đấy là một điều rất tốt. Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong Thành phố được tiếp tục như thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú.

Trong Nhà máy có lao động trí óc và lao động chân tay, cán bộ kỹ thuật và công nhân nam có, nữ có. Tuy khác nhau nhưng cùng chung một mục đích.

A382

 

Ngày trước, chúng ta là người nô lệ. Vì muốn thoát vòng nô lệ mà chúng ta kháng chiến. Trước chúng ta làm cho thực dân Pháp, nay chúng ta làm cho nhân dân. Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú.

Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa. Muốn thế, trước hết phải đoàn kết một lòng. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chúng chia nhân viên kỹ thuật ra một hạng, cai xếp một hạng, công nhân một hạng, chia để trị, làm cho ba hạng không đoàn kết và đều phải làm nô lệ. Bây giờ, tất cả chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ.

Mỗi người đều có sáng kiến hay, nhưng cũng đều có khuyết điểm. Sáng kiến là tinh thần của dân tộc ta, khuyết điểm là kết quả của chế độ cũ. Ai có cái hay thì truyền bá cho nhau học, thấy khuyết điểm gì thì lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau mà phê bình, giúp nhau sửa chữa. Phê bình không phải để mỉa mai, nói xấu. Phê bình là để giúp nhau tiến bộ. Học nhau điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, thế là đoàn kết thật sự.

Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ. Thi đua nhằm tăng năng suất.

Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Người này thi đua với người khác, tổ này thi đua với tổ khác, nhà máy này thi đua với nhà máy khác.

Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung. Vì thế, các cô, các chú, lao động trí óc và lao động chân tay, phải đoàn kết chặt chẽ thi đua làm cho Nhà máy phát triển.

A386

 

Hiện nay, nước ta còn nghèo, đời sống của anh chị em công nhân còn chưa được đầy đủ. Đảng, Chính phủ và Bác đều lo nghĩ đến điều đó. Nhưng chúng ta cần nhận rõ giai cấp lao động là giai cấp lãnh đạo nghĩa là giai cấp chịu khó trước hết, đấu tranh mạnh hơn hết. Nay trong hoàn cảnh hòa bình, muốn cải thiện sinh hoạt thì giai cấp lao động ta phải tăng năng suất. Ở nhà máy, công nhân phải thi đua chế tạo.

Ở nông thôn nông dân phải thi đua sản xuất lúa gạo. Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì trước phải chịu khó trồng cây. Hiện nay, miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hòa bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một kilôoát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ.

Chúng ta có quyết tâm, chúng ta nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao được đời sống của toàn dân. Chúng ta tin chắc là chúng ta làm được vì dân ta cốt, công nhân ta oanh liệt, đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta đúng, lại có thêm sự giúp đỡ nhiệt tình, cao cả của nhân dân các nước bạn.

Chúc các cô, các chú mạnh khỏe, vui vẻ, đoàn kết thi đua cho tốt”.

EVNNPC thực hiện xuất sắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Tổng Giám đốc của EVNNPC cho biết, cho tới ngày nay, mọi cán bộ, công nhân viên chức (CNVC) trong EVNNPC đều hoàn thành xuất sắc lời dặn của bác.

“Chúng tôi rất tự hào khi EVNNPC đã thực hiện xuất sắc lời nhắn nhủ và di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã nhắn nhủ các công nhân ngành điện luôn giữ gìn tài sản của đất nước, của nhân dân, đảm bảo vận hành an toàn tin cậy cấp điện cho nhân dân và đảm bảo được chất lượng và yêu cầu của nhân dân”.

Bà Ánh cho biết, ngày 6/10 là kỷ niệm 50 năm ra đời và phát triển của EVNNPC, tuy nhiên, lịch sử của Tổng công ty đã có từ trước năm 1892, thời điểm Thực dân Pháp đến Việt Nam xây dựng một số công trình sơ khai cho ngành điện.

“Có thể nói rằng kể từ thời điểm đó, sứ mệnh cung cấp nguồn điện cho cả nước đã có dấu ấn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc”, bà Ánh Khẳng định.

Sau khi Pháp rút quân khỏi Việt Nam, cả nước bước vào cuộc chiến chống Đế quốc Mỹ, Giải phóng miền Nam - Thống nhất Đất nước, EVNNPC vẫn tiếp tục nghe theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nguồn điện luôn hoạt động.

Khi giải phóng, EVNNPC tiếp tục chia sẻ nguồn lực cho 3 công ty điện 3 miền (Công ty điện lực miền Bắc, miền Trung và miền Nam). Đặc biệt, trong giai đoạn này, một số công trình tiêu biểu mang dấu ấn của EVNNPC như nhà máy điện Hòa Bình, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, các công trình 220kW, công trình 500kW Bắc-Nam.

“Chúng tôi rất tự hào khi Tổng công ty Điện lực miền Bắc là cái nôi của ngành điện Việt Nam”, bà Ánh xúc động chia sẻ.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn