Sau 1 năm bốc hơi 3.542 tỷ đồng, lãnh đạo Viglacera liên tục đăng kí mua, 'làm đẹp' cổ phiếu

Kinh tếThứ Năm, 20/12/2018 07:32:00 +07:00

Năm 2018 sắp kết thúc với nhiều tin không tốt cho Viglacera khi Tổng công ty này “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Năm 2018 chứng kiến nhiều biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều phiên tăng mạnh xen kẽ nhiều phiên giảm sâu. Thế nhưng, có vẻ như cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera mất nhiều hơn mức giảm của thị trường nói chung.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/12/2018, VGC dừng ở mức 17.100 đồng/CP sau khi giảm 7.900 đồng/CP, tương ứng 31,6% so với phiên cuối cùng của năm 2017. Đà giảm này của VCG đã khiến vốn hóa thị trường Viglacera “bốc hơi” 3.542 tỷ đồng sau gần 1 năm giao dịch.

vi

 Viglacera ‘bốc hơi’ 3.542 tỷ đồng trong gần 1 năm qua. (Ảnh: Thanh Hà).

Đây là thông tin không mấy tích cực với cổ đông Viglacera. Dù không vui nhưng nhà đầu tư không ngạc nhiên bởi đây là điều được dự báo trước khi Viglacera kinh doanh đi lùi. Để đối phó với tình trạng doanh thu hao hụt, Viglacera thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn không cứu được lợi nhuận.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Viglacera chỉ đạt 6.384 tỷ đồng, giảm 485 tỷ đồng, tương ứng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, Viglacera cố gắng cắt giảm chi tiêu. Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt giảm từ 360 tỷ đồng xuống 327 tỷ đồng và từ 407 tỷ đồng xuống 399 tỷ đồng.

Bất chấp nỗ lực đó của Viglacera, lợi nhuận của Tổng công ty này vẫn tăng trưởng âm. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của Vilgacera chỉ đạt 528 tỷ đồng, giảm 115 tỷ đồng, tương đương 17,9% so với 9 tháng đầu năm 2017. Đây là đà giảm khá mạnh.

Có thể thấy, nợ quá lớn đang gây áp lực lên Viglacera. Tại thời điểm 30/9/2018, tổng nợ phải trả của Tổng công ty này lên đến 9.455 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 9.344 tỷ đồng hồi đầu năm nay. Điều đáng nói, nợ phải trả cao gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó, nợ vay của Viglacera đạt 2.318 tỷ đồng. Khoản nợ này khiến Viglacera phải chi 138 tỷ đồng cho chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2018. Con số này cùng kỳ năm ngoái là 111 tỷ đồng.

Trong năm nay, một nhà đầu tư quan trọng của Viglacera là Norges Bank đã bán ra 320.000 cổ phiếu VGC. Cùng quan điểm đầu tư với Norges Bank, hồi tháng 7 năm nay, Vietnam Enterprise Investments Limited cũng đã bán ra 360.000 cổ phiếu VGC.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số lãnh đạo và người liên quan lại có xu hướng mua vào. Từ giữa quý 2 năm nay, Viglacera liên tục công bố các đợt chào mua từ “người nhà” Viglacera.

Hồi giữa tháng 12, Nguyễn Anh Đức, con ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu VGC. Thời gian dự kiến giao dịch từ 13/12 đến 31/12. Tới nay, VGC vẫn chưa thông báo kết quả của đợt chào mua này.

Trước đó, cha con ông Lưu Văn Lầu, Ủy viên Hội đồng quản trị Viglacera, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng công khai chào mua cổ phiếu VGC với khối lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, các lãnh đạo này hoặc không mua, hoặc mua với số lượng thấp hơn lượng đăng ký.

Vì vậy, không ít nhà đầu tư cho rằng lãnh đạo Viglacera đăng ký mua chỉ để “làm đẹp” cổ phiếu VGC.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn